Quyết định 1269/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020

Số hiệu 1269/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/03/2017
Ngày có hiệu lực 22/03/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Liêm
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1269/QĐ-UBND

Thành phố hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 03 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ngày 15 tháng 6 năm 2004;

Căn cứ Bộ Luật lao động ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1613/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2017;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các Sở, ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, PCT/TT, VX;
- Văn phòng Thành ủy và các Ban Thành ủy;
- Ủy ban MTTQVN/TP và các Đoàn thể TP;
- VP HĐND. TP và các Ban HĐND. TP
- TANDTP, VKSNDTP;
- VPUB: PVP/VX
- Các Phòng CV;
- Lưu: VT, (VX/Th2) XP.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Liêm

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1269/QĐ-UBND ngày 22 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố )

Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích gần 2.100 km2, dân số hơn 10 triệu người, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm kinh tế của cả nước, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nên thu hút nhiều người dân đến sinh sống, làm việc, học tập; trong đó có trẻ em đi cùng gia đình, người thân hoặc di dân tự phát. Theo thống kê của quận - huyện (tính đến quý 2/2016), Thành phố có hơn 1,4 triệu trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm khoảng 14% dân số), gần 350 nghìn người đăng ký tạm trú dưới 15 tuổi[1].

Trong những năm qua, Thành phố đã triển khai thực hiện Chương trình ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em phải lao động nặng nhọc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm giai đoạn 2004 - 2010 (theo Quyết định số 19/2004/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ) và Chương trình Bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (theo Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ).

Thành phố nhận thức rõ vai trò, vị trí, tiềm lực phát triển về kinh tế, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc đảm bảo an sinh xã hội, trong đó có nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và đảm bảo thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Kết quả đã trợ giúp, can thiệp cho 100% trẻ em lang thang, trong đó hỗ trợ hồi gia và ổn định cuộc sống cho hơn 86% số trường hợp được can thiệp; kéo giảm, duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt còn 4,3%; hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, chăm sóc để phục hồi; tỷ suất trẻ em lang thang còn 0,058/10.000 em. Ngoài ra, Thành phố thường xuyên chỉ đạo quận - huyện tăng cường rà soát, xử lý các trường hợp sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em, lao động cưỡng bức nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu việc sử dụng lao động trong độ tuổi trẻ em.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được và thực trạng thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành chương trình như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát: Thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp và có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Nâng cao nhận thức và năng lực của chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức có liên quan, người sử dụng lao động, cộng đồng, cha mẹ, trẻ em và người chưa thành niên về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em.

- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được can thiệp, hỗ trợ kịp thời.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI THỰC HIỆN

1. Đối tượng: Trẻ em và người chưa thành niên tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, trẻ em bỏ học, vào đời sớm; cha mẹ, người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ gia đình và khu vực kinh tế phi chính thức trên phạm vi thành phố Hồ Chí Minh.

[...]