Quyết định 1246/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030

Số hiệu 1246/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/05/2023
Ngày có hiệu lực 11/05/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Lê Khắc Nam
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1246/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 11 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

Căn cứ Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 cm Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/ĐH ngày 15/10/2020 của Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hải Phòng lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Du lịch tại Văn bản số 175/SDL-QHKHPTDL ngày 20/02/2023 và Văn bản số 473/SDL-QHPTDL ngày 20/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030 (kèm theo Đề án).

Điều 2. Sở Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện triển khai thực hiện Đề án Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới tại Hải Phòng đến năm 2030.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố; Giám đốc Sở Du lịch; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Các Bộ: VHTTDL, NNPTNT;
- TT TU, TT HĐNDTP;
- Đoàn ĐBQH và HĐND TP:
- CT, các PCT UBNDTP;
- CVP, các PCVP UBND TP;
- Cổng TTĐT TP, Công báo TP, Đài PT&TH HP, Báo HP;
- Các Phòng VX, NC&KTGS, KSTTHC, NNTNMT;
- CV: VH1;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Khắc Nam

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN DU LỊCH NÔNG THÔN GẮN VỚI XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TẠI HẢI PHÒNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số: 1246/QĐ-UBND ngày 11/5/2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

ĐẶT VẤN ĐỀ

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 26/12/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã xác định mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố khóa XVI, nhiệm kỳ 2021 - 2025 tiếp tục chọn du lịch là một trong ba đột phá cần quyết liệt thực hiện trong nhiệm kỳ mới. Trong đó, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là giải pháp được tập trung đẩy mạnh để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện sinh kế người dân; bảo vệ môi trường và bảo tồn các giá trị văn hóa nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới bền vững và mở rộng không gian du lịch.

Hải Phòng là đô thị loại I trung tâm cấp quốc gia. Tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chiếm gần 90% cơ cấu kinh tế của thành phố và có xu hướng tiếp tục tăng về quy mô và tỷ trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, Hải Phòng hiện vẫn còn 8/15 đơn vị hành chính là huyện, 55% dân số nông thôn. Diện tích đất sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế nông thôn chiếm khoảng 34% (không kể đất lâm nghiệp) tổng diện tích đất thành phố. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ, sản xuất phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện; cơ sở hạ tầng giao thông thuận lợi cho việc tiếp cận điểm đến, tạo điều kiện gắn kết với phát triển du lịch. Với không gian, cảnh quan đẹp; sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, riêng có; phong tục tập quán truyền thống của người dân miền biển; các loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian đặc sắc và ẩm thực truyền thống...Hải Phòng hội tụ các điều kiện cần thiết để phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn.

Du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, nông thôn là xu hướng mới được khách du lịch nội địa và quốc tế ưa chuộng. Loại hình du lịch này hiện đang được khai thác hiệu quả tại nhiều địa phương: Lâm Đồng, Quảng Nam, Nghệ An, Quảng Ninh, Hòa Bình, Lào Cai,... Tại Hải Phòng, phát triển du lịch cộng đồng được thực hiện từ nhiều năm, đạt được những kết quả nhất định, đặc biệt tại một số xã của huyện Cát Hải: Phù Long, Xuân Đám, Việt Hải... Tuy nhiên, hoạt động vẫn mang tính tự phát, quy mô nhỏ, hiệu quả kinh tế hạn chế, chưa có sức lan tỏa phát triển thành loại hình sản phẩm du lịch phổ biến.

Trong những năm gần đây, lượng khách du lịch đến Hải Phòng có sự tăng trưởng mạnh. Song du lịch Hải Phòng vẫn chịu ảnh hưởng của tính mùa vụ do sản phẩm chủ yếu vẫn là du lịch nghỉ dưỡng biển. Nhiều điểm đến, đặc biệt là Cát Bà, luôn trong tình trạng quá tải vào mùa hè nhưng vắng khách vào mùa thu đông. Vì vậy, phát triển du lịch nông thôn là một hướng đi để đa dạng sản phẩm, mở rộng không gian du lịch. Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn nhằm đạt mục tiêu kép là đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bền vững.

[...]