Quyết định 2282/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Đề cương "Đề án xây dựng nông thôn mới Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025"

Số hiệu 2282/QĐ-UBND
Ngày ban hành 18/04/2023
Ngày có hiệu lực 18/04/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Mạnh Quyền
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2282/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 18 tháng 4 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG “ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 321/QĐ-TTg ngày 08/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Thành phố về việc thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”.

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội tại Tờ trình số 124/TTr-SNN ngày 04/4/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề cương “Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025” (Đề cương Đề án kèm theo)

Điều 2. Thời gian và nguồn kinh phí thực hiện:

- Thời gian thực hiện Đề án: Trong năm 2023.

- Kinh phí thực hiện: Dự toán kinh phí thực hiện được xác định trên cơ sở Đề cương Đề án được UBND Thành phố phê duyệt và các chế độ, tiêu chuẩn định mức chi theo quy định hiện hành của pháp luật.

- Nguồn kinh phí thực hiện: Nguồn kinh phí thực hiện được đảm bảo từ nguồn ngân sách của Thành phố đã được giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Quyết định số 4969/QĐ-UBND ngày 10/12/2022 của UBND thành phố Hà Nội về việc giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế xã hội và dự toán thu, chi ngân sách năm 2023 của thành phố Hà Nội.

Điều 3. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 theo Đề cương đã được phê duyệt, báo cáo UBND Thành phố theo quy định.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố, Tài chính và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Thường trực Thành ủy;
- Chủ tịch UBND Thành phố; (để báo cáo)
- Các PCTUBND Thành phố;
- VP: Thành ủy, Đoàn ĐBQH&HĐND TP:
- Văn phòng Điều phối NTM Thành phố;
- CVP, PCVP N.M.Quân, KTN, TU;
- Lưu VT, KTN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Mạnh Quyền

 

ĐỀ CƯƠNG

“ĐỀ ÁN XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI THÀNH PHỐ HÀ NỘI GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2282/QĐ-UBND ngày 18 tháng 4 năm 2023 của UBND thành phố Hà Nội)

PHẦN MỞ ĐẦU

I. TÍNH CẤP THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, là một trong các địa phương đi đầu của cả nước về thành tích xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 10 năm triển khai, diện mạo nông thôn Hà Nội khởi sắc rõ rệt, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn được đầu tư, nâng cấp đồng bộ; kinh tế nông thôn phát triển, chuyển dịch tích cực; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao sôi nổi, an ninh trật tự thôn xóm được giữ vững; môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến tích cực; hệ thống chính trị ở cơ sở được xây dựng, củng cố vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng nâng cao, nhiều vùng nông thôn trở thành những “miền quê đáng sống”... Tính đến hết năm 2021, Thành phố đã có 15/18 huyện, thị xã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM1, có 382/382 xã (chiếm 100%) đã đạt chuẩn NTM. trong đó có 48 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 05 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2010-2020 là 96.928 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 80.043 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 16.885 tỷ đồng). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 13 triệu đồng/người năm 2010 lên 55 triệu đồng/người năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 1 1,25% năm 201 1 xuống còn dưới 0,37% cuối năm 2020. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 90,1%...

Mặc dù vậy, quá trình 10 năm triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố cùng bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế và chưa thực sự bền vững. Nhiều công trình cơ sở hạ tầng sau 10 năm đầu tư xây dựng đang có dấu hiệu xuống cấp; môi trường nông thôn chưa được cải thiện rõ rệt, việc thu gom, xử lý rác thải tại một số xã chưa được thực hiện, chưa xây dựng, hình thành được các khu dân cư sáng, xanh, sạch, đẹp tiêu biểu; phát triển kinh tế nông thôn chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của thành phố, thu nhập của người dân nông thôn chưa có nhiều đột phá; công tác xã hội hóa huy động nguồn lực cộng đồng cho xây dựng NTM lâu dài cũng đặt ra nhiều thách thức...

[...]