Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1439/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035

Số hiệu 1439/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/05/2023
Ngày có hiệu lực 23/05/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đức Trung
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1439/QĐ.UBND

Nghệ An, ngày 23 tháng 5 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN DU LỊCH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2035

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Du lịch ngày 19/6/2017 và Nghị định số 168/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Du lịch;

Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030;

Căn cứ Thông báo số 872-TB/TU ngày 31/3/2023 của Tỉnh ủy Nghệ An về việc thông qua Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035;

Căn cứ Quyết định số 672/QĐ.UBND ngày 10/3/2020 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề cương Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035;

Căn cứ Quyết định số 3716/QĐ.UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Nhiệm vụ Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050;

Căn cứ Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh Quyết định số 3716/QĐ.UBND ngày 23/10/2020 của UBND tỉnh;

Theo đề nghị của Sở Du lịch tại Tờ trình số 660/TTr-SDL ngày 12/5/2023 về việc đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035 với các nội dung chính như sau:

1. Quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu lập Chiến lược

1.1. Quan điểm phát triển

a. Phát triển du lịch cần duy trì sự thống nhất chỉ đạo: quán triệt trong toàn hệ thống chính trị, đảm bảo tính tổng thể và liên hoàn. Chính sách du lịch phải do đại diện các ngành, các cấp cùng soạn thảo, đề xuất và quy định một khuôn khổ chung làm nền tảng phối hợp với các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

b. Phát triển du lịch trên tinh thần khởi nghiệp không ngừng, với động lực chính đến từ đổi mới sáng tạo, thúc đẩy cảm hứng cộng đồng. Thực hành “du lịch cùng tham gia” và “hiệu quả kép”, thiết lập và duy trì khung sáng kiến, lấy con người làm nguồn lực chủ đạo, tạo tiền đề thu hút các nguồn lực khác.

c. Phát triển thị trường du lịch toàn diện, cân đối, linh hoạt: bao gồm thị trường nhận, gửi khách, thị trường quốc tế và thị trường nội địa. Duy trì tính tương hỗ đa chiều, gắn thị trường gửi khách với thị trường nhận khách, thị trường quốc tế với thị trường nội địa, điều tiết mở rộng thị phần gắn với chất lượng tăng trưởng.

d. Phát triển sản phẩm du lịch một cách năng động và chủ động: thường xuyên cập nhật, dẫn đầu và tạo xu hướng mới, tổ chức ra các sự kiện có quy mô vùng, quốc gia và quốc tế. Định hình điểm đến với bản sắc truyền thống từng địa phương, với phương châm “Mỗi tài nguyên - Một cộng đồng; Mỗi sản phẩm - Một chuyên gia”.

đ. Phát triển hạ tầng và dịch vụ du lịch chuyên nghiệp, chuyên sâu: theo chuẩn mực quốc tế gắn với hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội và kỹ thuật đồng bộ với thị trường và sản phẩm. Từng bước xây dựng hệ thống quản trị, tự động hóa trong hoạt động và quản lý chất lượng phù hợp với từng cộng đồng, doanh nghiệp, áp dụng một cách linh hoạt với chỉ dẫn của chuyên gia.

e. Thiết lập công thức đảm bảo thành công: phát triển du lịch bền vững trên cơ sở nhận diện, bảo tồn, phát triển và tạo mới các nguồn tài nguyên du lịch gắn với truyền thông và thương hiệu. Hướng tới nâng cao mức sống người dân, gắn trách nhiệm với quyền lợi của cộng đồng chủ nhân và du khách.

1.2. Tầm nhìn du lịch Nghệ An đến năm 2035

Đến năm 2035, Nghệ An trở thành một điểm đến của du lịch toàn cầu, phát triển bền vững với các sản phẩm du lịch đặc sắc, mang đậm dấu ấn văn hóa xứ Nghệ, có môi trường du lịch xanh, an toàn, hiếu khách, thân thiện và thông minh.

1.3. Các chiến lược thực hiện tầm nhìn

Nhóm các chiến lược cơ bản, nền tảng gồm (1) Chiến lược hợp tác trong phát triển; (2) Chiến lược định hình và quản trị điểm đến; (3) Chiến lược định hướng và phát triển thị trường; (4) Chiến lược phát triển hạ tầng giao thông vận tải; (5) Chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, hạ tầng kỹ thuật; (6) Chiến lược phát triển không gian du lịch (theo mô hình); (7) Chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Chiến lược đầu tư và chính sách phát triển du lịch; (9) Chiến lược ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo.

Nhóm các chiến lược ưu tiên, cốt lõi gồm (10) Chiến lược thiết lập sản phẩm du lịch gắn với di sản và công nghiệp văn hóa; (11) Chiến lược tiếp thị, truyền thông và phát triển thương hiệu điểm đến; (12) Chiến lược “Ngôi sao” hình thành các di sản, tài nguyên du lịch tạo mới.

1.4. Mục tiêu

a. Mục tiêu tổng quát

[...]