Quyết định 1228/QĐ-UBND năm 2023 điều chỉnh Thuyết minh Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) giai đoạn 2021-2025 kèm theo Quyết định 386/QĐ-UBND

Số hiệu 1228/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/07/2023
Ngày có hiệu lực 06/07/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Kạn
Người ký Nông Quang Nhất
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1228/QĐ-UBND

Bắc Kạn, ngày 06 tháng 7 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG THUYẾT MINH ĐỀ ÁN “MỖI XÃ, PHƯỜNG MỘT SẢN PHẨM” TỈNH BẮC KẠN (OCOP-BK) GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 386/QĐ-UBND NGÀY 19/3/2021 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tại Tờ trình số 207/TTr-VPĐP ngày 23/6/2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Điều chỉnh, bổ sung thuyết minh Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn (OCOP-BK) giai đoạn 2021 - 2025 kèm theo Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn, cụ thể như sau:

1. Nội dung điều chỉnh.

a) Bổ sung Mục III Phần thứ hai, như sau:

Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng:

- Tổ chức sản xuất gắn với phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng, Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2035 và 07 kế hoạch thực hiện Đề án (phát triển nông nghiệp hữu cơ; phát triển vùng nguyên liệu gỗ, tre, nứa; phát triển dược liệu; phát triển cây ăn quả đặc sản; phát triển chăn nuôi trâu, bò, lợn; phát triển sản phẩm chè và miến dong; phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch) nhằm tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng phục vụ sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

- Triển khai Quyết định số 1633/QĐ-UBND ngày 09/9/2020 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đề án triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”; Quyết định số 790/QĐ-UBND ngày 02/6/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về việc phê duyệt danh mục sản phẩm hàng hóa chủ lực trọng điểm của tỉnh cần ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu được cấp mã số vùng trồng, theo hướng sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc, duy trì cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.

- Ưu tiên đầu tư hợp lý cơ sở hạ tầng vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân khu vực nông thôn, đặc biệt là khu vực miền núi, đồng bào dân tộc, góp phần phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Xây dựng, chuẩn hóa vùng nguyên liệu gắn với lợi thế của các địa phương trên địa bàn tỉnh: Vùng nguyên liệu trồng mơ vàng, chè Shan tuyết tại huyện Chợ Mới; bí xanh thơm tại huyện Ba Bể; cây dong riềng tại huyện Na Rì; chè Shan tuyết, gạo đặc sản tại huyện Chợ Đồn; gạo nếp khẩu nua lếch, hạt dẻ tại huyện Ngân Sơn; cây cam, quýt, cây dược liệu tại huyện Bạch Thông; cây nghệ tại các huyện trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức thực hiện: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Khoa học và Công nghệ; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

b) Điều chỉnh, bổ sung điểm 3.5 tiểu mục 3 Mục III Phần thứ hai, như sau:

Nội dung đã phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021

Sau điều chỉnh

3.5. Đánh giá và phân hạng sản phẩm

Các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bắt buộc tham gia đánh giá/phân hạng tại 02 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh), trong đó các sản phẩm đạt ngưỡng điểm từ 3 - 5 sao theo bộ tiêu chí OCOP sẽ tham gia đánh giá ở cấp tỉnh. Các sản phẩm được đánh giá và phân hạng tại các cấp sẽ do Hội đồng đánh giá sản phẩm cấp tương ứng (huyện, tỉnh) thực hiện. Các sản phẩm không được đánh giá cao (1 - 2 sao) và các sản phẩm đạt 3 - 4 sao kỳ trước có thể hoàn thiện và tham gia đánh giá và xếp hạng vào năm tiếp theo (để công nhận mới hoặc nâng hạng sao). Các sản phẩm đạt điểm 5 sao cấp tỉnh sẽ hoàn thiện hồ sơ và đăng ký đánh giá, xếp hạng ở cấp quốc gia theo kế hoạch năm của Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP quốc gia.

Thời gian thực hiện: Đánh giá cấp huyện, thành phố dự kiến vào tháng chín hằng năm, cấp tỉnh vào tháng mười hằng năm (trong năm có thể tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP nhiều đợt phù hợp với điều kiện thực tế triển khai).

Trách nhiệm: Cơ quan thường trực OCOP cấp huyện, tỉnh.

3.5. Đánh giá và phân hạng sản phẩm

Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng tuân thủ trình tự đánh giá, phân hạng sản phẩm được quy định tại Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.

c) Điều chỉnh, bổ sung điểm 5.2 tiểu mục 5 Mục III Phần thứ hai, như sau:

Nội dung đã phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021

Sau điều chỉnh

5.2. Sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025

- Nội dung:

1. Phát triển các ý tưởng sản phẩm theo chu trình OCOP thường niên.

2. Xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao của Việt Nam và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu. Tập trung vào các nhóm/sản phẩm sau:

+ Rau, củ, quả đặc sản và sản phẩm chế biến từ rau, củ, quả (cam, quýt, hồng không hạt, mơ, dong riềng, bí xanh thơm, rau bồ khai, chuối…).

+ Gạo và các sản phẩm từ gạo (gạo Japonica, nếp tài, Khẩu nua lếch,...).

+ Chè và sản phẩm chế biến từ cây chè (chè trung du, chè Shan tuyết,...).

+ Sản phẩm từ cây dược liệu (nghệ, gừng, cà gai leo, mướp đắng, giảo cổ lam, sả, trà hoa vàng, cát sâm, hà thủ ô, gừng đá, kim ngân, khôi nhung,...).

+ Du lịch nông thôn, điểm du lịch tập trung các loại hình: Du lịch sinh thái, trải nghiệm; du lịch cộng đồng (Vườn Quốc gia Ba Bể, hồ Ba Bể; ATK Chợ Đồn; Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ; Khu Bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc; bản Pác Ngòi; Động Puông và động Hua Mạ).

- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2021 - 2025.

- Trách nhiệm thực hiện:

+ Chủ trì: Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cụ thể chủ trì theo Quyết định được cấp thẩm quyền phê duyệt).

+ Phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông, Liên minh Hợp tác xã (chính), Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn/Phòng Kinh tế).

5.2. Sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025

5.2.1. Phát triển sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh

- Rà soát, đánh giá thực trạng các cơ sở đã được chứng nhận OCOP, lựa chọn 25 chủ thể có tiềm năng đang sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực trên cơ sở đó phân nhóm ưu tiên để triển khai hỗ trợ hằng năm.

- Ưu tiên triển khai các hoạt động hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường và khả năng cạnh tranh của sản phẩm:

+ Hỗ trợ hoàn thiện và nâng cao năng lực của chủ thể: Tư vấn tái cấu trúc bộ máy tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế; tập huấn nâng cao năng lực quản trị của chủ cơ sở (Giám đốc); tư vấn phát triển sản phẩm (hoàn thiện nền tảng cơ sở và sản phẩm).

+ Hỗ trợ phát triển sản phẩm chủ lực: Hỗ trợ/kết nối các nguồn lực/dự án hỗ trợ máy móc, thiết bị nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ/kết nối các nguồn lực/dự án hỗ trợ các cơ sở hoàn thiện hạ tầng nâng cao năng lực sản xuất; hỗ trợ tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hình thành vùng nguyên liệu ổn định, tập trung phục vụ sản xuất; hỗ trợ triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến trong sản xuất (VietGAP, hữu cơ, HACCP, ISO,…); hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ giải quyết các vấn đề tồn tại trong sản xuất; hỗ trợ xúc tiến thương mại.

- Hình thành mô hình điểm về hoạt động phát triển của các mô hình sản xuất kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh, trong đó: 100% sản phẩm có vùng nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, 70% sản phẩm sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến; 100% sản phẩm được tham gia hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; doanh thu tăng từ 1,5 lần trở lên.

- Trách nhiệm thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố.

5.2.2. Duy trì, phát triển sản phẩm OCOP đã được công nhận

- Hằng năm tổ chức rà soát thực trạng sản phẩm OCOP đã được công nhận trong đó tập trung đánh giá tồn tại, hạn chế trong quá trình sản xuất; xây dựng kế hoạch duy trì, phát triển sản phẩm OCOP tại các địa phương trực tiếp hỗ trợ các nội dung:

+ Tổ chức vận hành của chủ thể kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã,…) đảm bảo hoạt động hiệu quả theo quy định.

+ Chuẩn hóa quy trình sản xuất: Xây dựng kế hoạch kiểm soát chất lượng nội bộ; định hướng sản xuất sản phẩm theo quy trình sản xuất tiên tiến.

+ Chuẩn hóa vùng nguyên liệu: Hỗ trợ các chủ thể hình thành và phát triển vùng nguyên liệu theo hướng an toàn thực phẩm, VietGap, hữu cơ tăng cường hoạt động truy xuất nguồn gốc giữa chủ thể OCOP với vùng nguyên liệu.

+ Nâng cao chất lượng bao bì, nhãn mác sản phẩm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; chuẩn hóa thông tin ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành.

- Định hướng phát triển sản phẩm

+ Đối với sản phẩm OCOP khai thác phát triển theo hướng đặc sản, đặc hữu và nông nghiệp hữu cơ: Tập trung thực hiện đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ phù hợp với từng loại sản phẩm, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến thương mại nâng cao giá trị sản phẩm, sức cạnh tranh đối với sản phẩm cùng loại trên thị trường.

+ Đối với sản phẩm có khả năng sản xuất trên quy mô lớn: Xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm máy móc, dây chuyền, thiết bị hiện đại, sản xuất sản phẩm theo quy trình sản xuất tiên tiến; kết nối cung ứng số lượng lớn sản phẩm theo kênh phân phối vào hệ thống các siêu thị toàn quốc; các cửa hàng an toàn thực phẩm và từng bước định hướng xuất khẩu.

- Chủ thể định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường; 100% sản phẩm OCOP của tỉnh xây dựng được kế hoạch kiểm soát chất lượng nội bộ, thực hiện đúng các quy định Luật An toàn thực phẩm, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa.

- Trách nhiệm thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; các sở, ban, ngành có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

5.2.3. Chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu thị trường

- Đẩy mạnh chuẩn hóa sản phẩm gắn với lợi thế và điều kiện của từng địa phương.

+ Các đặc sản, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương (các loại gạo đặc sản, chè shan tuyết, bí xanh thơm, các sản phẩm từ nghệ…), đặc biệt là sản phẩm trong kế hoạch phát triển làng nghề (miến dong; rượu men lá Bằng Phúc).

+ Các sản phẩm mới hình thành dựa trên ứng dụng khoa học công nghệ, nền tảng lợi thế của địa phương, có chất lượng nổi trội, đặc sắc; ngành nghề truyền thống được nghệ nhân, cộng đồng sáng tạo (sản phẩm dược liệu, thổ cẩm …); sản phẩm được chế biến, chế biến sâu từ sản phẩm đặc sản, nguyên liệu địa phương và tri thức bản địa; sản phẩm có đóng góp vào bảo tồn văn hóa truyền thống.

+ Ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP thường niên phù hợp với các nội dung hướng dẫn của trung ương và điều kiện thực tế của địa phương.

- Phát triển sản phẩm OCOP theo 06 nhóm, ưu tiên các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực (trí tuệ sáng tạo, lao động, nguyên liệu, văn hóa địa phương...), gia tăng giá trị, gắn với phát triển cộng đồng:

+ Đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới, hoàn thiện công nghệ, quy trình sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến sản phẩm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP.

+ Sản xuất theo quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, hình thành các sản phẩm OCOP đặc trưng, chất lượng và an toàn thực phẩm, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu của thị trường; xây dựng các mô hình phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị.

+ Xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP gắn với thực hiện Kế hoạch số 776/KH-UBND ngày 25/12/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn về phát triển nông lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025. Trong đó tập trung phát triển mô hình: (1) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất bí xanh thơm tại xã Yến Dương, xã Địa Linh gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; (2) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất và chế biến chè tại xã Mỹ Phương gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; (3) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng hồng không hạt tại xã Quảng Khê huyện Ba Bể gắn với tuyến du lịch hồ Ba Bể; (4) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng trồng cây ăn quả xã Quang thuận, huyện Bạch Thông gắn với tuyến du lịch trải nghiệm, thăm quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc và du lịch hồ Ba Bể; (5) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng sản xuất chè Shan tuyết tại xã Bằng Phúc gắn với thăm quan rừng đặc dụng Nam Xuân Lạc, hồ Ba Bể; (6) Mô hình du lịch trải nghiệm vùng đào, lê, dẻ huyện Ngân Sơn gắn với tuyến du lịch Ba Bể - Pác Bó - thác Bản Dốc.

- Xây dựng mô hình sản phẩm OCOP điểm “Phát triển dược liệu theo chuỗi giá trị gắn với văn hóa, tri thức bản địa của người Dao xã Vi Hương, huyện Bạch Thông tỉnh Bắc Kạn”.

- Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

d) Điều chỉnh, bổ sung điểm 6.2 tiểu mục 6 Mục III Phần thứ hai, như sau:

Nội dung đã phê duyệt tại Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021

Sau điều chỉnh

6.2. Cơ sở dữ liệu OCOP

- Mục tiêu: Xây dựng, duy trì và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP trên quy mô toàn tỉnh (Website, phần mềm quản lý, bản đồ số,...), đồng bộ dữ liệu quản lý sản phẩm với các website hiện có trong tỉnh và cơ sở dữ liệu OCOP quốc gia.

- Nội dung: Xây dựng phần mềm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu OCOP từ cấp tỉnh đến cơ sở.

- Thời gian: Từ năm 2021.

- Trách nhiệm thực hiện:

+ Chủ trì: Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới.

+ Phối hợp: Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

6.2. Tăng cường chuyển đổi số

- Mục tiêu: Xây dựng, duy trì và quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu OCOP trên quy mô toàn tỉnh (Website, phần mềm quản lý, bản đồ số,...), đồng bộ dữ liệu quản lý sản phẩm với các website hiện có trong tỉnh và cơ sở dữ liệu OCOP quốc gia.

- Nội dung: Xây dựng phần mềm hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu OCOP từ cấp tỉnh đến cơ sở.

+ Sử dụng hiệu quả phần mềm sohoaocop.vn trong công tác xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, đánh giá, phân hạng sản phẩm đồng bộ từ cấp tỉnh đến địa phương.

+ Đề xuất nhiệm vụ khoa học “Chuyển đổi số trong quản lý và phát triển chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn” số hóa sản phẩm và xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị sản phẩm OCOP; xây dựng cổng thông tin OCOP tỉnh Bắc Kạn với các nội dung đăng tải (giới thiệu chương trình OCOP; tin tức - sự kiện; danh mục sản phẩm OCOP theo 06 nhóm ngành; bản đồ OCOP, sản phẩm OCOP, chủ thể OCOP, thị trường tiêu thụ; bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm…) hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu về chương trình OCOP.

+ Thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream), đặc biệt cho các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương.

- Trách nhiệm thực hiện: Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; các sở, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.

2. Lý do điều chỉnh: Để phù hợp với Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Các nội dung không điều chỉnh, bổ sung tại Quyết định này thực hiện theo Quyết định số 386/QĐ-UBND ngày 19/3/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn.

Giao Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh có trách nhiệm theo dõi, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện các nội dung bổ sung, điều chỉnh Đề án; chủ động tham mưu, đề xuất các nội dung theo thẩm quyền, quy định.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh, Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ