Quyết định 12/2007/QĐ-UBND về Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục - Đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 12/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/07/2007
Ngày có hiệu lực 30/07/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Công Thuật
Lĩnh vực Giáo dục

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2007/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 20 tháng 7 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;

Để triển khai thực hiện Chương trình hành động số 05-CTr/TU ngày 18/9/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình số 1004/TT-SGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả Giáo dục - Đào tạo, tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện Chương trình này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ban VHXH - HĐND tỉnh;
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo Quảng Bình;
- Đài PT-TH Quảng Bình;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu VP, NC-VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

CHƯƠNG TRÌNH

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2007/QĐ-UBND ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Phần thứ nhất

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

Quán triệt sâu sắc quan điểm “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước, trong những năm qua, giáo dục và đào tạo Quảng Bình có nhiều tiến bộ, công tác đào tạo bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.

I – NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

1. Hệ thống giáo dục - đào tạo ổn định, phát triển. Quy mô mạng lưới trường lớp từng bước được củng cố, mở rộng và hoàn thiện, ngày càng đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân và người lao động; đã xóa được xã trắng về giáo dục mầm non (MN) và tiểu học (TH). Việc thành lập trường Đại học Quảng Bình (10/2006) tạo nên một hệ thống cơ sở giáo dục - đào tạo hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học, bao gồm 632 trường học, cơ sở giáo dục và 143 Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ). Năm học 2005- 2006, toàn tỉnh có gần 27 vạn học sinh, sinh viên; tỷ lệ huy động học sinh tăng bình quân 5% đến 10%/năm.

2. Chất lượng giáo dục - đào tạo đã có tiến bộ. Hiệu quả giáo dục và đào tạo tăng, bình quân từ 1% đến 3%/năm; tỷ lệ học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia lớp 12 giữ vững ở mức cao, có học sinh đạt giải khu vực và quốc tế các bộ môn văn hóa, nghệ thuật và thể thao; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường CĐ, ĐH năm 2005 là 16,57%, tăng 3,3% so với năm 2003.

Chất lượng đào tạo trong các trường chuyên nghiệp từng bước được cải thiện, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thực tế sản xuất và đời sống xã hội. Chất lượng giáo dục thường xuyên có chuyển biến, công tác quản lý và tổ chức liên kết đào tạo vừa làm vừa học, đào tạo từ xa có tiến bộ, chú trọng đào tạo các ngành nghề kỹ thuật, phục vụ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu nguồn nhân lực địa phương.

3. Giáo dục miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc được chú trọng và từng bước phát triển; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục có tiến bộ. Việc đa dạng hóa các loại hình trường, lớp, hình thức và phương thức học tập, đào tạo, đã góp phần tích cực vào phong trào xây dựng “cả nước trở thành một xã hội học tập”.

Kết quả phổ cập giáo dục tiểu học - chống mù chữ (PCGDTH-CMC), phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi (PCGDTH ĐĐT) tiếp tục được duy trì, củng cố. Cuối năm 2005, có 100% xã, phường, thị trấn và 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGDTH-CMC; 146/159 xã, phường, thị trấn và 6/7 huyện, thành phố đạt chuẩn PCGDTH ĐĐT; Quảng Bình là tỉnh thứ 29 trong cả nước đạt chuẩn Quốc gia phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGD THCS) với 150/159 xã, phường, thị trấn và 7/7 huyện, thành phố đạt chuẩn, tạo tiền đề quan trọng triển khai phổ cập giáo dục trung học (PCGDTrH).

4. Công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, cơ bản bảo đảm đủ số lượng, đồng bộ cơ cấu, chất lượng ngày càng được nâng cao. Toàn tỉnh hiện có 14.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên, có 79,3% giáo viên MN; 96,5% giáo viên TH, 91,7% giáo viên trung học cơ sở (THCS), 95,4% giáo viên trung học phổ thông (THPT), 100% giáo viên các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) và đại học (ĐH) đạt chuẩn đào tạo; trong đó có 6,1% giáo viên MN, 26,3% giáo viên TH, THCS, 1,07% giáo viên THPT, 8% giáo viên TCCN và 45% giáo viên ĐH đạt trình độ đào tạo trên chuẩn.

[...]