Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1198/2005/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng do Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành

Số hiệu 1198/2005/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/06/2005
Ngày có hiệu lực 19/06/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cao Bằng
Người ký Lô Ích Giang
Lĩnh vực Thương mại,Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------

Số: 1198/2005/QĐ-UBND

Cao Bằng, ngày 09 tháng 06 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, KINH DOANH CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 27/CP ngày 20 tháng 4 năm 1995 của Chính phủ về quản lý sản xuất, cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29 tháng 3 năm 2005 của Bộ Công nghiệp Hướng dẫn quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp tại Tờ trình số 206/TT-CN ngày 13 tháng 5 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Điều 2. Giao cho Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm trong việc thực hiện Quy định này và các văn bản quy định của Nhà nước về quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.     

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế quyết định 625/UB-QĐ-CN ngày 06 tháng 6 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng V/v “Quy định việc quản lý sản xuất kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng”.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Công an tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT HĐND Tỉnh (báo cáo);
- Bộ Công nghiệp (báo cáo);
- Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh,
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh,
- Các Sở: Lao động – TB&XH, Tư pháp, Thương mại – Du lịch, Giao thông – VT,
- VP: các Phó VP, các CV: CN, NC, TM, GT, TH,
- Lưu: VT (Đ40b). 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Lô Ích Giang

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ, SẢN XUẤT, KINH DOANH CUNG ỨNG VÀ SỬ DỤNG VẬT LIỆU NỔ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1198/2005/QĐ-UBND ngày 09 tháng 6 năm 2005 của UBND tỉnh Cao Bằng)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

- Quy định này quy định việc quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng vật liệu nổ công nghiệp (sau đây viết tắt là VLNCN) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

- Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân quản lý, sản xuất, kinh doanh cung ứng và sử dụng VLNCN trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

Điều 2. Các thuật ngữ dùng trong quy định này gồm: Vật liệu nổ công nghiệp, kinh doanh cung ứng VLNCN, sản xuất VLNCN, sử dụng VLNCN, bảo quản VLNCN, nghiên cứu chế thử VLNCN, thử nghiệm VLNCN, dịch vụ nổ mìn, người chỉ huy nổ mìn được giải thích tại mục II phần A của Thông tư số 02/2005/TT-BCN ngày 29/3/2005 của Bộ Công nghiệp trong đó:

1. “Vật liệu nổ công nghiệp” bao gồm thuốc nổ và các loại phụ kiện nổ sử dụng trong công nghiệp, nghiên cứu khoa học và các mục đích dân dụng khác.

a) “Thuốc nổ” là hóa chất đặc biệt hoặc hỗn hợp các hóa chất đặc biệt mà khi có tác động cơ học, hóa học, nhiệt học đạt đến một liều lượng nhất định sẽ gây ra phản ứng hóa học biến chúng thành năng lượng nổ và phá hủy môi trường xung quanh.

b) “Phụ kiện nổ” bao gồm dây cháy chậm, dây nổ, dây đầu nổ, các loại kíp nổ, mồi nổ, hạt nổ, rơle nổ, các loại đạn chuyên dụng và các loại phụ kiện nổ khác.

2. “Kinh doanh cung ứng VLNCN” là hoạt động mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, bảo quản VLNCN.

3. “Sử dụng VLNCN ” là hoạt động dùng VLNCN trong thăm dò, khai thác mỏ, xây dựng, điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học và các lĩnh vực khác theo quy trình đã được xác định.

4. “Bảo quản VLNCN” là hoạt động cất giữ VLNCN trong kho hoặc trong quá trình vận chuyển đến nơi sử dụng theo những quy định riêng nhằm đảm bảo nguyên vẹn chất lượng, số lượng VLNCN và không để xảy ra cháy, nổ.

5 “Dịch vụ nổ mìn” là hoạt động nổ mìn của bên có chức năng tiến hành nổ mìn nhằm thực hiện hợp đồng với bên có nhu cầu nổ mìn đáp ứng một mục đích nhất định được pháp luật cho phép.

6. “Người chỉ huy nổ mìn” là người chịu trách nhiệm tổ chức và trực tiếp chỉ huy đơn vị thực hiện việc nổ mìn theo thiết kế hoặc phương án nổ mìn đã được phê duyệt, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đầy đủ các quy định về kỹ thuật và an toàn trong quá trình nổ mìn.

[...]