Quyết định 1188/QĐ-BTC năm 2014 phê duyệt Đề án Tổng Kế toán nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 1188/QĐ-BTC
Ngày ban hành 30/05/2014
Ngày có hiệu lực 30/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Đinh Tiến Dũng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1188/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔNG KẾ TOÁN NHÀ NƯỚC”

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Luật Kế toán số 03/2003/QH11 ngày 17/6/2003;

Căn cứ Nghị định số 215/2008/NĐ-CP ngày 23/12/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 128/2004/NĐ-CP ngày 31/05/2004 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều trong lĩnh vực kế toán Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 108/2009/QĐ-TTg ngày 13/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Kho bạc Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 480/QĐ-TTg ngày 18/03/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-BTC ngày 10/9/2013 về việc phê duyệt kế hoạch triển khai “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Tổng Kế toán nhà nước (Tổng KTNN) nhằm thực hiện chức năng Tổng Kế toán nhà nước của Kho bạc Nhà nước (KBNN) với các nội dung cơ bản sau:

1. Khái niệm, phạm vi Tổng kế toán nhà nước

Tổng KTNN là mô hình tổ chức, vận hành các yếu tố cấu thành nên KTNN, nhằm đạt mục tiêu tổ chức công tác hạch toán kế toán, tổng hợp và trình bày thông tin báo cáo tài chính nhà nước của Chính phủ trên phạm vi toàn quốc và báo cáo của chính quyền địa phương trên từng địa bàn. Các nguyên tắc ghi chép và tổng hợp thông tin báo cáo tài chính của Tổng KTNN, một mặt cần đảm bảo phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế về kế toán công, mặt khác cần phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Phạm vi của báo cáo Tổng KTNN là toàn bộ thông tin về tài chính nhà nước, bao gồm: tài sản của Nhà nước, nguồn lực và nghĩa vụ của Nhà nước, các thông tin về NSNN, các quỹ ngoài ngân sách, vốn nhà nước tại các doanh nghiệp,…

2. Mục tiêu của Tổng kế toán nhà nước

2.1. Mục tiêu tổng quát:

Xây dựng hệ thống kế toán nhà nước thống nhất, trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo yêu cầu quản lý ngân sách và tài chính công nhằm ghi nhận, tổng hợp và trình bày hệ thống thông tin tài chính nhà nước dưới hình thức báo cáo tài chính của Chính phủ (chính quyền địa phương), bao gồm đầy đủ các đối tượng KTNN… đảm bảo tính kịp thời, đầy đủ, công khai, minh bạch, phù hợp thông lệ quốc tế.

2.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đến hết năm 2015, hoàn thành các nội dung cụ thể sau đây:

+ Về khung pháp lý: Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cần thiết để thực hiện chức năng Tổng KTNN của Kho bạc Nhà nước (KBNN) trên cơ sở thống nhất, tập trung dữ liệu của các đơn vị KTNN; thống nhất về kế toán đồ và phương pháp kế toán phù hợp với thông lệ quốc tế; hướng dẫn đến kế toán dồn tích đối với một số đối tượng KTNN. Đảm bảo tổng hợp đầy đủ thông tin về các đối tượng kế toán gồm: tình hình hiện có và sự vận động tài sản nhà nước; nguồn hình thành tài sản nhà nước; số liệu thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN); nguồn vốn, quỹ của Nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước (TCNN), các đơn vị hành chính sự nghiệp và các đơn vị khác; tình hình vay nợ của Chính phủ và các chính quyền địa phương,...

+ Về công tác tổ chức: Tổ chức công tác kế toán tại các đơn vị KTNN (KBNN và các đơn vị khác) phù hợp với điều kiện thực tế. Tổ chức bộ máy kế toán tại các đơn vị hiệu quả, phù hợp với tổ chức bộ máy hành chính và cơ chế quản lý tài chính - ngân sách trên cơ sở phân định rõ chức năng, nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (Vụ Chế độ Kế toán và Kiểm toán, Vụ NSNN, KBNN), giữa Bộ Tài chính (KBNN) với các Bộ, ngành và địa phương trong việc xây dựng cơ chế chính sách về kế toán; trình bày các thông tin báo cáo về NSNN và tài chính nhà nước.

+ Về hệ thống thông tin: Triển khai xây dựng hệ thống thông tin trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo tổng hợp nhanh chóng, chính xác các thông tin tài chính nhà nước một cách hiệu quả, kịp thời, đầy đủ theo yêu cầu quản lý.

- Từ năm 2016 đến năm 2020, tổ chức triển khai thực hiện trên toàn quốc:

+ Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức vận hành hệ thống thông tin của Tổng KTNN. Việc vận hành hệ thống thông tin của Tổng KTNN cần đảm bảo tính bảo mật và an toàn dữ liệu kế toán.

+ Tổng hợp, trình bày các báo cáo tài chính của Chính phủ (các cấp chính quyền địa phương), đáp ứng yêu cầu quản lý, phù hợp với thông lệ quốc tế. Xây dựng hệ thống thông tin kế toán nhà nước; các chỉ tiêu tài chính phục vụ cho quản lý điều hành, phân tích dự báo trong việc đánh giá hiệu quả thu, chi NSNN; yêu cầu lập và phân bổ NSNN; đánh giá hiệu quả chi tiêu công, tiềm lực và nghĩa vụ tài chính nhà nước,… nhằm nâng cao hiệu quả việc sử dụng mọi nguồn lực tài chính nhà nước và hoạch định chính sách kinh tế.

[...]