Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 480/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 480/QĐ-TTg
Ngày ban hành 18/03/2013
Ngày có hiệu lực 18/03/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 480/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 18 tháng 03 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC KẾ TOÁN - KIỂM TOÁN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược kế toán - kiểm toán đến năm 2020, tầm nhìn 2030” (Chiến lược nhánh của Chiến lược Tài chính đến năm 2020 - đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2012), với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ NHIỆM VỤ CỤ THỂ

1. Quan điểm:

a) Kế toán - kiểm toán là công cụ quản lý kinh tế quan trọng có chức năng tạo lập hệ thống thông tin về kinh tế - tài chính - ngân sách phục vụ cho việc điều hành và quyết định kinh tế của Nhà nước cũng như của mỗi đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp. Vì vậy, cần nâng cao chất lượng thông tin; đồng thời tạo lập đầy đủ hệ thống thông tin kế toán - kiểm toán.

b) Phải thiết lập một hệ thống các giải pháp đồng bộ để thúc đẩy kế toán - kiểm toán phát triển: Từ việc nhận thức đúng và đầy đủ tầm quan trọng của công cụ kế toán, kiểm toán; hoàn thiện khuôn khổ pháp lý hệ thống chuẩn mực, phương pháp nghiệp vụ phù hợp với nền kinh tế thị trường đang phát triển của Việt Nam, hòa nhập với thông lệ quốc tế; đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động, trong đó đặc biệt là hoạt động dịch vụ kế toán - kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật của đơn vị cơ sở; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức tốt hệ thống công nghệ thông tin phục vụ quản lý, giám sát hoạt động kế toán - kiểm toán.

c) Tăng cường và nâng cao vai trò quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kế toán - kiểm toán, đặc biệt là trong việc hoạch định, triển khai, kiểm tra thực thi Pháp luật về kế toán - kiểm toán, trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán trong nền kinh tế quốc dân.

2. Mục tiêu tổng quát:

a) Tạo lập một hệ thống kế toán, kiểm toán hoàn chỉnh, phù hợp với cơ chế quản lý của Nhà nước Việt Nam và phát triển nghề nghiệp kế toán, kiểm toán khu vực và thế giới nhằm thỏa mãn yêu cầu thông tin cho quản lý, điều hành và kiểm kê, kiểm soát các nguồn lực của nền kinh tế, các hoạt động kinh tế - tài chính của đất nước.

b) Xây dựng và phát triển một hệ thống khuôn khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu về cơ bản các thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, chặt chẽ, phù hợp để thúc đẩy hoạt động kế toán, kiểm toán phát triển, đồng thời để quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng, đạo đức nghề nghiệp.

c) Nâng cao vai trò và năng lực quản lý Nhà nước về kế toán, kiểm toán, đẩy mạnh quản lý, giám sát hoạt động kế toán, kiểm toán; kiểm tra, giám sát thực thi pháp luật về kế toán, kiểm toán cũng như hoạt động hành nghề kế toán, kiểm toán; đồng thời với việc đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp về kế toán, kiểm toán nhằm thúc đẩy quản lý nghề nghiệp, hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán.

d) Phát triển mạnh nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán ngang tầm với các nước phát triển trong khu vực cả về số lượng và chất lượng;

đ) Tăng cường quan hệ, hợp tác với các tổ chức quốc tế về kế toán - kiểm toán, tạo lập mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong khu vực, trên thế giới.

3. Nhiệm vụ cụ thể:

a) Nâng cao chất lượng hệ thống thông tin Kinh tế - Tài chính - Ngân sách thông qua việc hoàn thiện và nghiêm túc thực thi các văn bản Luật kế toán, Luật kiểm toán độc lập; cập nhật, hoàn thiện các hệ thống chuẩn mực kế toán, kiểm toán phù hợp với sự đổi mới của chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu quản lý nền kinh tế thị trường của Việt Nam; hoàn thiện và tạo lập đầy đủ khuôn khổ pháp lý về kiểm tra thực thi pháp luật kế toán, kiểm toán; về quản lý, giám sát hoạt động cũng như thị trường kế toán, kiểm toán.

b) Tăng cường quản lý nhà nước về kế toán - kiểm toán trên cơ sở đổi mới cơ chế hoạt động, tăng cường lực lượng cho cơ quan quản lý nhà nước về kế toán, kiểm toán của Bộ Tài chính, đồng thời nâng cao chất lượng quản lý nghề nghiệp phù hợp với thông lệ quốc tế, có sự kết hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức nghề nghiệp; đồng thời thiết lập cơ chế và hệ thống kiểm tra, giám sát của Nhà nước đối với chất lượng công tác kế toán, kiểm toán thông tin trên báo cáo tài chính của các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, qua đó nhằm tăng cường giám sát chất lượng báo cáo tài chính, đảm bảo tính trung thực, hợp lý, minh bạch, xử lý nghiêm các sai phạm về lập và trình bày báo cáo tài chính.

c) Phát triển mạnh mẽ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, tăng nhanh số lượng doanh nghiệp dịch vụ kế toán - kiểm toán và số lượng kiểm toán viên, kế toán viên hành nghề; mở rộng thị trường dịch vụ kế toán - kiểm toán trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán - kiểm toán; đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ kế toán - kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý của nền kinh tế quốc dân.

d) Phát triển nguồn nhân lực về kế toán, kiểm toán đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng trên cơ sở triển khai hiệu quả các nội dung: Đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời kết hợp giữa đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu theo chuyên ngành và đào tạo nâng cao học vấn nhằm tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao. Xây dựng các chương trình và bộ tài liệu chuẩn, phù hợp thông lệ quốc tế về đào tạo, bồi dưỡng, thi lấy các chứng chỉ nghề nghiệp kế toán, kiểm toán.

đ) Tăng cường hội nhập quốc tế, tạo dựng mối liên hệ chặt chẽ, thừa nhận lẫn nhau giữa Việt Nam và các quốc gia trong khu vực, trên thế giới và các tổ chức quốc tế; tham gia với tư cách là thành viên chính thức của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế; tham gia chủ động vào quá trình xây dựng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tể, chuẩn mực kế toán công quốc tế, chuẩn mực kiểm toán quốc tế thông qua các diễn đàn trong khu vực và trên thế giới.

Tăng cường tổ chức hệ thống thông tin thông qua việc thiết lập hệ thống kết nối thông tin trực tuyến giữa các cấp, các ngành với các đơn vị kế toán cấp trên và cấp dưới; các doanh nghiệp dịch vụ kế toán, kiểm toán; tổ chức và phát triển trang điện tử của cơ quan quản lý, giám sát của tổ chức nghề nghiệp, tiến đến tổ chức thực hiện việc đăng ký và quản lý hành nghề trực tuyến.

II. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC

1. Hoàn thiện các văn bản pháp luật về kế toán, kiểm toán

[...]