Quyết định 1169/QĐ-TTg năm 2017 về phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1169/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/08/2017
Ngày có hiệu lực 10/08/2017
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1169/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 8 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BỘ MÁY VÀ TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ CÁN BỘ QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG TỪ TRUNG ƯƠNG ĐẾN ĐỊA PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2017 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030” với những nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Đảm bảo việc kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường một cách tập trung, thống nhất đầu mối, chặt chẽ; có sự phân công, phân cấp rõ ràng, cụ thể, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp từ trung ương đến địa phương, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.

2. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính hài hòa về cơ cấu, cân đối theo đặc thù lĩnh vực, vùng, miền và gắn liền với yêu cầu của công việc theo tinh thần cải cách hành chính; đảm bảo các điều kiện cần thiết cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường có đủ phẩm chất, trình độ và năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, sự nghiệp phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

3. Việc thực hiện cần có bước đi cụ thể, phù hợp với điều kiện trong từng giai đoạn, đảm bảo thiết thực, hiệu quả và khả thi.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương theo hướng quản lý tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp hợp lý, cụ thể và rõ ràng.

b) Kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, theo hướng tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

c) Đảm bảo đội ngũ cán bộ, công chức các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có cơ cấu hợp lý; sắp xếp, bố trí lại số biên chế hiện có và bổ sung kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể, đặc thù của các cơ quan bảo vệ môi trường ở trung ương và địa phương.

d) Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ môi trường, quản lý nhà nước, ngoại ngữ, tin học và các yêu cầu khác đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

đ) Điều kiện, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương được bổ sung, tăng cường nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong tình hình mới.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ trung ương đến địa phương theo hướng tập trung, thống nhất một đầu mối, có phân công, phân cấp phù hợp, cụ thể giữa các cơ quan trung ương và giữa trung ương với địa phương.

a) Rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trung ương và địa phương theo trách nhiệm quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Đa dạng sinh học.

[...]