UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1163/QĐ-UBND
|
Lai Châu, ngày
16 tháng 10 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG CÔNG TÁC
ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH LAI CHÂU”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND, ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13, ngày 20
tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng
6 năm 2006;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007
của Chính phủ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 14/4/2015
của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu về việc ban hành Đề án thực hiện Nghị quyết
số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông
tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế tỉnh Lai Châu giai
đoạn 2015-2020”;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án "Ứng dụng công nghệ thông tin trong công
tác đăng ký, quản lý hộ tịch và xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa
bàn tỉnh Lai Châu”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Tư pháp, Nội vụ,
Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan
và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục Hộ tịch, Quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp);
- TT.HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Lưu: VT, NC.
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đỗ Ngọc An
|
ĐỀ ÁN
ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG
CÔNG TÁC ĐĂNG KÝ, QUẢN LÝ HỘ TỊCH VÀ XÂY DỰNG CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH LAI CHÂU
(Kèm theo Quyết định số:1163 /QĐ-UBND, ngày 16 tháng 10 năm
2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu)
Phần
I:
CƠ SỞ PHÁP LÝ
VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN
I. CƠ
SỞ PHÁP LÝ CỦA VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
1. Luật Hộ tịch được Quốc hội nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 8, thông
qua ngày 20/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày
01/01/2016.
2. Quyết định số 896/QĐ-TTg, ngày
08 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tổng thể đơn giản
hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý
dân cư giai đoạn 2013 – 2020.
3. Luật Giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006.
4. Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của
Chính phủ về Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước; Nghị
định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu
tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
5. Nghị Quyết 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính
phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2011
– 2020.
6. Quyết định số 246/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005
của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển công nghệ thông tin và truyền
thông Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Quyết định số
1605/QĐ-TTg ngày 27/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình quốc
gia về Ứng dụng Công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước giai
đoạn 2011 -2015; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông
tin và truyền thông”.
7. Quyết định số 331/QĐ-UBND ngày 14/4/2015 của UBND
tỉnh Lai Châu về việc Ban hành Đề án thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ
Chính trị về “Đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu
phát triển bền vững và hội nhập quốc tế tỉnh Lai Châu giai đoạn 2015 – 2020”.
II. SỰ CẦN
THIẾT
Đăng ký hộ tịch là việc cơ
quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận và ghi vào hệ thống đăng ký các
thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân, tạo cơ sở để xác lập mối quan hệ
giữa cá nhân với Nhà nước (quan hệ Nhà nước – công dân), là cơ sở
pháp lý quan trọng để cá nhân thực hiện các quyền, nghĩa vụ dân sự khác
của mình. Thông tin hộ tịch cơ bản, sau khi được đăng ký, trở thành dữ liệu
đầu vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Vì thế, theo Luật Hộ tịch, đây
là dữ liệu gốc, mang tính nguồn hoặc tính đối chiếu xác thực của
bất kỳ hệ thống cơ sở dữ liệu nào liên quan đến dân cư.
Trong bối cảnh hiện nay, khoa
học công nghệ phát triển nhanh và mạnh, yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý và giải quyết thủ tục hành chính,
nhu cầu về khai thác, quản lý, sử dụng các thông tin hộ tịch cá nhân
của các ngành, lĩnh vực khác ngày càng tăng. Do đó đòi hỏi ngày
càng cao về quy mô dữ liệu, tốc độ đáp ứng và tính khoa học, đồng
bộ. Các ngành, lĩnh vực khác cũng đang đẩy mạnh việc ứng dụng công
nghệ thông tin trong quản lý, điều hành. Vì vậy, việc đăng ký và quản
lý các thông tin hộ tịch của cá nhân (đăng ký và quản lý hộ tịch)
một cách thủ công trên hệ thống sổ, hồ sơ giấy như bấy lâu nay sẽ là
lạc hậu, không phù hợp tiến trình phát triển và yêu cầu đáp ứng của
xã hội.
Đối với tỉnh Lai Châu,
việc triển khai ứng dụng công nghệ thông
tin trong đăng ký hộ tịch tại các huyện,
thành phố thiếu đồng bộ, đặc biệt là đối với cấp xã (theo báo cáo của các huyện,
thành phố thì có 97% các xã công chức tư pháp – hộ tịch không được trang bị máy
vi tính riêng, phải dùng chung với văn phòng hoặc bộ phận một cửa), do đó,
trên địa bàn tỉnh, cơ bản đến nay vẫn áp dụng mô hình xác lập, thu thập, lưu
trữ thông tin dữ liệu hộ tịch theo phương pháp truyền thống: đăng ký và quản lý
hộ tịch thông qua hệ thống biểu mẫu, sổ sách, hồ sơ một cách thủ công, phần lớn
vẫn là viết tay, việc ứng dụng công nghệ thông tin mới chỉ dừng ở mức in biểu
mẫu hộ tịch từ máy tính. Các cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu
tuy đã được đầu tư phần mềm đăng ký quản lý hộ tịch theo mẫu quy định tại Nghị
định 158/CP nhưng đến nay không còn phù hợp với các quy định của Luật Hộ tịch
(chủ yếu ở mức độ đăng ký riêng lẻ từng loại việc, chưa có sự liên thông, thống
nhất giữa các sự kiện hộ tịch của cùng một cá nhân, chưa kết nối giữa các cơ
quan đăng ký hộ tịch với nhau và với cơ quan quản lý hộ tịch cấp trên). Việc ứng dụng và cài đặt các phần mềm này mới chỉ
dừng lại ở mức độ hỗ trợ công chức thực hiện nghiệp vụ đăng ký hộ tịch, chưa đáp ứng
yêu cầu cung cấp dịch vụ công trực tuyến,
chưa có sự kết nối thông tin nhằm đáp
ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay về việc phát triển Chính phủ điện tử -
cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Dẫn đến khả năng phục vụ nhu cầu tra cứu, xác
minh thông tin hộ tịch của người dân và yêu cầu quản lý nhà nước còn nhiều hạn
chế. Mặt khác, do không được trang bị máy vi tính riêng cho công chức tư pháp –
hộ tịch, vì vậy phần mềm do tỉnh trang bị cho cơ quan đăng ký hộ tịch trên địa
bàn tỉnh đến nay đa số đã bị hỏng không còn sử dụng được.
Để bảm bảo việc
triển khai Luật Hộ tịch có hiệu quả trên địa bàn tỉnh Lai Châu
thì việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm đăng ký hộ tịch
là cần thiết và là biện pháp số hóa (điện tử hóa) thông tin hộ tịch
của cá nhân, trong đó có thông tin khai sinh – là thông tin hộ tịch gốc.
Theo Đề án 896, Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân, đây là thông tin đầu
vào của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bên cạnh đó, những thông tin hộ tịch
khác về kết hôn, ly hôn, thay đổi cải chính hộ tịch, xác định lại dân tộc, xác
định lại giới tính, khai tử... được cập nhật vào hệ thống dữ liệu, được coi
là thông tin “động”, có giá trị làm cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư luôn
sống. Vì vậy, để xây dựng được Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử của tỉnh Lai Châu
góp phần xây dựng dữ liệu hộ tịch quốc gia thì chúng ta phải nhanh chóng đầu tư
hạ tầng cơ sở, đảm bảo các cơ quan đăng ký hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở đều được
trang bị phần mềm và máy vi tính riêng để phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý
hộ tịch.
Phần II:
NỘI DUNG CỦA ĐỀ
ÁN
I. MỤC TIÊU CỦA
ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu tổng quát
Ứng dụng đồng bộ công nghệ thông tin
trong đăng ký và quản lý hộ tịch trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tập trung, góp phần nâng cao hiệu quả trong
công tác quản lý, nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất từ tỉnh đến cơ sở và có sự
phân quyền, phân cấp hợp lý giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch theo đơn vị hành
chính, theo cấp quản lý; bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, đáp ứng yêu cầu giải
quyết thủ tục hành chính, từng bước hiện đại hóa công tác đăng ký hộ tịch, tiến
tới đăng ký trực tuyến; bảo đảm kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản
của cá nhân cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành
có liên quan.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Giai đoạn 2015- 2016:
- Thực hiện rà soát đội ngũ công chức
làm công tác hộ tịch tại địa phương, xây dựng kế hoạch, lộ trình đào tạo, bồi
dưỡng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch. Bổ sung nguồn nhân lực cho công tác
đăng ký và quản lý hộ tịch tại địa phương.
- Đầu tư cơ sở vật chất, phần mềm quản
lý hộ tịch cho cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch từ tỉnh đến cơ sở (mua sắm
máy vi tính, máy in, phần mềm quản lý hộ tịch, sổ hộ tịch, biểu mẫu hộ tịch từ
tỉnh đến cơ sở và các điều kiện khác phục vụ cho công tác đăng ký, quản lý hộ
tịch).
- Tổ chức triển khai, thực hiện Luật
Hộ tịch và tiến hành đăng ký các sự kiện hộ tịch mới được chuyển giao theo quy
định tại Ủy ban nhân dân cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã.
b) Giai đoạn 2017 -2020:
- Hoàn thành việc xây dựng cơ sở vật
chất, phần mềm quản lý hộ tịch thống nhất và nguồn nhân lực tại cơ quan đăng ký
và quản lý hộ tịch.
- Ban hành các văn bản hướng dẫn triển
khai thực hiện Luật Hộ tịch, quy định cơ chế phối hợp; cơ chế kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch của tỉnh với Cơ
sở hộ tịch của quốc gia và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; phân quyền quản lý
Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
- Đăng ký các sự kiện hộ tịch mới,
từng bước cập nhật thông tin từ cơ sở dữ liệu giấy vào Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử (số hoá, nhập dữ liệu hộ tịch từ các sổ giấy hiện đang được lưu trữ tại các
địa phương).
- Cung cấp, trao đổi thông tin hộ tịch
điện tử giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch; hiện đại hóa công tác đăng
ký và cấp các giấy tờ hộ tịch (đăng ký hộ tịch trực tuyến theo từng cấp độ).
- Kết nối, chia sẻ thông tin từ Cơ
sở dữ liệu hộ tịch điện tử với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu
chuyên ngành khác có liên quan.
c) Giai đoạn từ 2020 trở đi: Thực hiện
đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử, giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến.
II. GIẢI PHÁP
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Giải pháp về hạ tầng kỹ thuật
- Trang bị cho công chức làm công tác
đăng ký, quản lý hộ tịch từ cấp tỉnh đến cấp xã (Sở Tư pháp và 108 xã,
phường, thị trấn) 01 bộ máy tính (máy tính và máy in)/đơn vị có kết nối mạng Internet, phục vụ
riêng cho công tác hộ tịch.
- Đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin,
đảm bảo đồng bộ gồm đường truyền, phần mềm đăng ký hộ tịch điện tử, máy tính, máy
in đào tạo, bồi dưỡng cho người sử dụng duy tu, bảo trì dài hạn và bảo đảm an
toàn thông tin cho từng bản ghi dữ liệu cũng như sự an toàn cho toàn bộ hệ thống.
- Thuê đường truyền và duy tu, bảo trì nâng cấp, duy trì thuê bao phần mềm hàng năm.
2. Giải pháp về phần mềm
Phần mềm đăng ký hộ tịch phải đáp ứng
mọi yêu cầu đăng ký hộ tịch và cấp giấy tờ hộ tịch cho người dân và cơ quan, tổ
chức có yêu cầu theo Luật Hộ tịch; có
khả năng đăng ký hộ tịch trực tuyến đủ cấp độ theo lộ trình cụ thể; có khả năng
kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và
cơ sở dữ liệu điện tử chuyên ngành khác; đáp ứng yêu cầu quản lý, tra cứu, khai
thác sử dụng của 4 cấp từ Trung ương đến cấp xã; bảo đảm an ninh và bảo mật
thông tin, bí mật đời tư cá nhân, sự an toàn cho toàn bộ Cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử; kết nối được với phần mềm đăng ký hộ tịch của Trung ương.
3. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Sử dụng tối đa năng lực của đội ngũ
công chức làm công tác hộ tịch hiện nay, trên cơ sở cân đối bố trí đủ biên chế,
căn cứ vào nhu cầu đăng ký hộ tịch, đặc điểm tình hình thực tế của từng địa
phương.
- Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng
nghiệp vụ cho đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch (ở cả ba cấp tỉnh, huyện,
xã), kể cả về chuyên môn, nghiệp vụ hộ tịch và kiến thức tin học, kỹ năng sử
dụng phần mềm, quản trị hệ thống, bảo mật thông tin, an toàn dữ liệu.
4. Giải pháp tổ chức, triển khai
- Tạo lập cơ chế chỉ đạo, điều hành
thống nhất từ tỉnh đến xã; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các sở, ngành,
cơ quan, đơn vị có liên quan để bảo đảm sự thành công của Đề án.
- Khảo sát trực tiếp và yêu cầu các
huyện, thành phố báo cáo để đánh giá tổng thể về thực trạng nguồn nhân lực, hạ
tầng kỹ thuật và trình độ tin học của đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch, từ
đó có những giải pháp tích cực, phù hợp.
5. Giải pháp tài chính
Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, công
nghệ thông tin, máy tính, phần mềm được bảo đảm kinh phí từ nguồn ngân sách của
tỉnh để triển khai thành công Đề án.
III. NHIỆM VỤ
VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Giai đoạn 2015-2016: Trong giai đoạn này dự kiến sẽ tiến hành những hoạt động như sau:
a) Xây dựng Kế hoạch triển khai thi
hành Luật Hộ tịch trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
b) Khảo sát, đánh giá về cơ sở vật
chất, hạ tầng để phục vụ công tác đăng
ký, quản lý hộ tịch tại địa phương (số
lượng, chất lượng máy tính, hạ tầng
mạng, phần mềm đang sử dụng); Tiến hành rà soát đội ngũ công chức làm công tác
hộ tịch, khảo sát, đánh giá trình độ
tin học, trình độ chuyên môn của công chức Tư pháp - hộ tịch (độ tuổi, số năm
công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trình độ tin học thực tế...), xây dựng
lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch.
Đối với những địa phương chưa được
trang bị máy tính, kết nối internet thì dự kiến kinh phí để mua sắm hoàn thiện cơ
sở hạ tầng.
c) Xây dựng phương án mua sắm, đầu
tư hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, máy tính, phần mềm hộ tịch trang bị cho
cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch từ tỉnh đến xã.
d) Bố trí đủ trang thiết bị,
phương tiện làm việc cho các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch để thực hiện
nhiệm vụ xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu hộ tịch; Cài đặt, đào tạo sử dụng phần
mềm đăng ký hộ tịch điện tử, cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu hộ tịch
điện tử; Kết nối dữ liệu hộ tịch của tỉnh với dữ liệu hộ tịch quốc gia;
2. Giai đoạn 2017-2020: Trong giai đoạn này dự kiến sẽ tiến
hành các hoạt động như sau:
a) Đánh giá kết quả triển khai thực
hiện tại giai đoạn 2015-2016, rút kinh nghiệm, điều chỉnh phần mềm đăng ký hộ
tịch theo quy định của Luật Hộ tịch
và các văn bản hướng dẫn thi hành.
b) Bố trí đủ biên chế công chức làm
công tác hộ tịch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tế của địa phương, có tính toán
tới đội ngũ dự bị.
c) Kết nối, vận hành phần mềm đăng
ký hộ tịch điện tử, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử đồng bộ với cơ sở dữ liệu hộ tịch
quốc gia.
d) Xây dựng văn bản quy định về việc
kết nối, chia sẻ, cung cấp, trao đổi thông tin giữa Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện
tử của tỉnh và cơ sở dữ liệu hộ tịch quốc gia; phân cấp, phân quyền khai thác,
sử dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử; bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin trong
cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử.
đ) Tập trung số
hoá, cập nhật toàn bộ dữ liệu hộ tịch giấy hiện đang được lưu trữ tại các địa
phương để phục vụ tốt công tác tra cứu, thống kê số liệu hộ tịch (nhiệm vụ này
có thể kéo dài trong giai đoạn tiếp theo, tuỳ thuộc số lượng dữ liệu hộ tịch
đang được lưu trữ).
e) Thực hiện kết
nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa cơ sở
dữ liệu hộ tịch điện tử với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên cơ sở các văn
bản quy định của Trung ương.
Phần III:
TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Tư
pháp
Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh trong việc triển khai thực hiện Đề án; Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
chính trong việc xây dựng phương án, kinh phí mua sắm, đầu tư hạ tầng kỹ thuật,
công nghệ thông tin, máy tính, phần mềm hộ tịch trang bị cho cơ quan đăng ký,
quản lý hộ tịch từ tỉnh đến xã và chi phí thuê
đường truyền, duy tu, bảo trì nâng cấp, duy trì thuê bao phần mềm hàng năm.
2. Sở Tài
chính
Sở Tài chính có trách nhiệm tham mưu,
trình UBND tỉnh quyết định phân bổ kinh phí để đảm bảo việc triển khai thực
hiện Đề án có hiệu quả.
3. Sở Thông tin
và Truyền thông
Sở Thông tin và Truyền có trách nhiệm
phối hợp với Sở Tư pháp trong việc triển khai thực hiện Đề án.
4. Sở Nội vụ
Sở Nội Vụ chủ trì, phối hợp với Sở
Tư pháp trong việc đánh giá, bổ sung nguồn nhân lực và xây dựng kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng cho đội ngũ công chức tư pháp – hộ tịch.
5. Ủy ban nhân
dân các huyện, thành phố
Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ trong việc rà soát, bố trí đội ngũ công chức
tư pháp - hộ tịch đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định, đồng thời thực hiện và
chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến việc
triển khai, thực hiện Đề án./.