Quyết định 111/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt “Đề án xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi An toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2024-2030”

Số hiệu 111/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/04/2024
Ngày có hiệu lực 04/04/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Nguyễn Thế Giang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 04 tháng 04 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT “ĐỀ ÁN XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VÙNG CHĂN NUÔI AN TOÀN DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2024 - 2030”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019; Luật Thú y ngày 19/6/2015; Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018; Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thú y; số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi; số 37/2019/NĐ-CP ngày 07/5/2019 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; số 172/QĐ-TTg ngày 13/2/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Cúm gia cầm, giai đoạn 2019-2025; số 972/QĐ-TTg ngày 07/7/2020 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi, giai đoạn 2020-2025; số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025; số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; số 1814/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 về phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh Viêm da nổi cục trên trâu, bò, giai đoạn 2022 - 2030”; số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại, giai đoạn 2022-2030”;

Căn cứ các Thông tư của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn; số 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 quy định về cơ sở, vùng An toàn dịch bệnh động vật;

Căn cứ Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025;

Căn cứ Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22/5/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (Khóa XVI) về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016-2025;

Căn cứ các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh: Số 03/2020/ NQ-HĐND ngày 05/9/2020 về quy định nội dung chi và mức hỗ trợ cho các hoạt động khuyến nông trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; Số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025; số 20/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 quy định mức hỗ trợ nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước thực hiện một số nhiệm vụ chi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Kết luận số 1527-KL-TU ngày 18/3/2024 của Tỉnh ủy về kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy kỳ thứ 47 (Ngày 18/3/2024);

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 173/TTr-SNN ngày 18/10/2023; đề xuất của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 736/BC-SKH ngày 17/12/2023; giải trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Báo cáo số 15/BC-SNN ngày 11/01/2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi An toàn dịch bệnh (ATDB) động vật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2024-2030”; với những nội dung chủ yếu như sau:

I. QUAN ĐIỂM

Phát huy tiềm năng, lợi thế ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh để phát triển chăn nuôi bền vững, bảo đảm an toàn thực phẩm, ATDB, vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và doanh nghiệp, phù hợp với chủ trương, định hướng của tỉnh.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng thành công vùng chăn nuôi ATDB tại huyện Sơn Dương và Hàm Yên, tiến tới phát triển thêm các vùng chăn nuôi ATDB với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, có chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, thu hút đầu tư chế biến sâu ngay tại địa phương phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Gắn việc xây dựng và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới với việc xây dựng và chứng nhận các vùng chăn nuôi ATDB.

Phấn đấu đến năm 2030, tại các địa phương triển khai thực hiện Đề án tỷ trọng chăn nuôi tập trung, giá trị sản xuất chăn nuôi và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp tăng từ 3 - 5% so với trước khi thực hiện Đề án.

2. Mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2024 - 2030

- Xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với các bệnh đã tiêm phòng đạt tỷ lệ quy định (cơ sở chăn nuôi tập trung tiêm phòng 100%; các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tiêm phòng đạt tỷ lệ 80% số gia súc trong diện tiêm phòng trở lên) tại các huyện Hàm Yên, Sơn Dương và Thành phố Tuyên Quang, trong đó ưu tiên tập trung:

+ Đối với gia súc: Xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng trên trâu, bò tại huyện Hàm Yên; vùng ATDB đối với bệnh Lở mồm long móng và Dịch tả lợn cổ điển tại huyện Sơn Dương.1

+ Đối với gia cầm: Xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh Cúm gia cầm và Dịch tả vịt tại huyện Hàm Yên.

+ Đối với chó, mèo: Xây dựng và chứng nhận vùng ATDB đối với bệnh Dại tại thành phố Tuyên Quang2.

- Đối với các huyện còn lại thực hiện chứng nhận khi các cơ sở, vùng đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Thực hiện chăn nuôi theo hướng ATSH

[...]