Quyết định 111/QĐ-UBND năm 2023 về Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 111/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/02/2023
Ngày có hiệu lực 13/02/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ngãi
Người ký Đặng Văn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 111/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 13 tháng 02 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;

Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;

Căn cứ Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30/6/2010 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Căn cứ Thông tư số 71/2022/TT-BTC ngày 22/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021- 2025 và Chương trình số hóa di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030;

Căn cứ Quyết định số 626/QĐ-UBND ngày 05/9/2017 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 2381/TTr-SVHTTDL ngày 21/12/2022 về việc đề nghị ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài Chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thủ trưởng các sở, ban ngành, hội đoàn thể tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- TT Tỉnh ủy; TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Cục Di sản văn hóa;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- BTT UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đài PT&TH tỉnh, Báo Quảng Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP, CBTH;
- Lưu: VT, KGVXthiên64

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đặng Văn Minh

 

ĐỀ ÁN

BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT BÀI CHÒI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2023 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 111/QĐ-UBND ngày 13 tháng 02 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi)

I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ BAN HÀNH ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết xây dựng Đề án

Bài chòi là loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo, hình thành và phát triển trong quá trình lao động sản xuất, giao lưu văn hóa, có từ lâu ở các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Ngãi. Bài chòi là một loại hình văn hóa phi vật thể có tính sáng tạo, nghệ thuật diễn xướng mang tính ngẫu hứng, vừa là trò chơi dân gian vui nhộn, đầy trí tuệ, kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất vừa mang đậm tính giáo dục về nhân cách, lối sống, hướng con người đến những giá trị, chuẩn mực đạo đức cao đẹp.

Nghệ thuật Bài chòi là sản phẩm văn hóa tinh thần, là một đặc trưng quý báu vùng đất Trung bộ nói chung, Quảng Ngãi nói riêng. Bài chòi là sự sáng tạo thích nghi và trở thành một loại hình văn hóa nghệ thuật dân gian mang đậm chất sân khấu, đầy tính ngẫu hứng được nhiều người dân vùng nông thôn hưởng ứng. Cách thức và không gian trình diễn trong sinh hoạt Bài chòi mỗi nơi có lối thức riêng, mang truyền thống của từng vùng, miền, nhưng tựu chung vẫn thể hiện đầy đủ các yếu tố giải trí, cầu may mắn và sự kết nối cộng đồng. Chơi Bài chòi trở thành tập quán đầu xuân của người dân Quảng Ngãi, người ta đến với Bài chòi trong dịp năm mới để khai lộc đầu xuân và giao lưu giải trí. Tính chất dân gian của nghệ thuật Bài chòi Quảng Ngãi rất đậm nét, thể hiện nhiều khía cạnh, từ nội dung sáng tác đến diễn xuất, trang điểm đều xuất phát từ quan điểm dân gian tạo ra. Nghệ thuật Bài chòi là nghệ thuật tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng nên dễ đi sâu vào đời sống cộng đồng dân cư. Đây là một loại hình diễn xướng dân gian đặc sắc, vui tươi, hấp dẫn và mang tính đại chúng rất cao. Tất cả mọi đối tượng đều có thể tham gia chơi Bài chòi, không phân biệt giới tính, độ tuổi.

Qua những thăng trầm của lịch sử, Nghệ thuật Bài chòi đã thấm đẫm trong tâm hồn và đời sống của nhiều thế hệ cộng đồng dân cư khu vực Trung bộ. Từ các làn điệu, lời ca bình dị ngọt ngào, gần gũi với đời sống của nhân dân lao động, Bài chòi đã đi vào lòng người, trở thành món ăn tinh thần trong đời sống văn hóa của các tầng lớp Nhân dân.

Ngày 07/12/2017, tại phiên họp Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, di sản Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện vô cùng quan trọng đối với các tỉnh, thành phố có di sản, gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa. Đây là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh, thành Trung bộ, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi.

Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi luôn được Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân quan tâm thực hiện và đạt được nhiều kết quả trên thực tế. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 01 nghệ nhân được công nhận danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, 09 “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Nghệ thuật bài chòi; có Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật dân ca bài chòi và hát hố Quảng Ngãi được thành lập vào năm 2013; có 05 câu lạc bộ Bài chòi ở các huyện, thị xã, thành phố gồm: huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và thị xã Đức Phổ. Một số huyện, thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn và truyền dạy dân ca Bài chòi trong trường học và cộng đồng dân cư; tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp huyện, cấp tỉnh và tham gia Liên hoan cấp khu vực miền Trung.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy Nghệ thuật Bài chòi trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi còn có những khó khăn, tồn tại. Tỉnh Quảng Ngãi chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ câu lạc bộ, nghệ nhân bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Bài chòi; chưa điều tra, khảo sát, kiểm kê đánh giá hệ thống giá trị di sản nghệ thuật Bài chòi; các giá trị truyền thống tốt đẹp của nghệ thuật bài chòi có nguy cơ thất truyền và mai một; việc trao truyền, quảng bá, giới thiệu, tôn vinh giá trị di sản văn hóa Nghệ thuật Bài chòi chưa được quan tâm tương xứng với Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ