ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
110/2003/QĐ.UB
|
Nghệ An, ngày
18 tháng 12 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH NGHỆ AN
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ GIAI ĐOẠN 2001- 2005.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
- Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi)
được Quốc hội thông qua ngày 21 tháng 6 năm 1994;
- Căn cứ Nghị quyết 07/NQ-TU ngày 08- 8-2001
của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển dạy nghề thời kỳ 2001-2005;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động Thương
binh và xã hội tại Công văn số 1145/ LĐTBXH ngày 24-11-2003, Sở Tài chính tại
Công văn số 343/TC-HCVX ngày 19-9-2003, Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số
1768/ SKH-VX ngày 18-11-2003;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số
chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề giai đoạn 2001-2005.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 32/2002/QĐ-UB ngày 15-3-2002 của UBND tỉnh.
Điều 3. Các ông: Chánh Văn phòng HĐND-UBND
tỉnh; Giám đốc sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng
các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 3.
- Lưu VT.
|
TM/UBND TỈNH NGHỆ AN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Trung
|
QUY ĐỊNH
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ GIAI
ĐOẠN 2001-2005.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 110/ 2003/QĐ-UB
ngày 18 tháng 12 năm 2003 của UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Quy định này cụ thể hóa Nghị quyết 07/NQ-TU ngày
8/8/2001 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về khuyên khích phát triển dạy nghề phục vụ
cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An giai đoạn 2001-2005.
Điều 2. Chính sách quy định trong văn bản này gồm:
1. Chính sách
đối với cơ sở dạy nghề công lập thuộc Sở, Ban, Ngành cấp tỉnh và UBND các
huyện, thành, thị quản lý.
2. Chính sách
đối với người học nghề thuộc diện phân luồng sau tốt nghiệp trung học cơ sở;
Người học nghề cấp độ 2.
3. Chính sách
đối với giáo viên dạy nghề giỏi, cán bộ chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao
đẳng, đại học trở lên công tác ở các ngành, các huyện, thành, thị; thợ bậc cao,
nghệ nhân tham gia dạy nghề, truyền nghề đáp ứng yêu cầu của các cơ sở đào tạo
nghề.
4. Chính sách
đối với các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp,
tại các làng nghề và người học nghề ở cơ sở dạy nghề ngoài công lập.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề:
1. Trên cơ sở
quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề được UBND tỉnh phê duyệt; Các cơ sở dạy
nghề công lập được giao đất, thuê đất ở vị trí thuận lợi và được miễn giảm thuế
sử dụng đất theo quy định của Nghị định số 73/1999/NĐ-CP ngày 19/8/1999 về
chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo
dục, y tế, văn hóa, thể thao; Được đáp ứng yêu cầu theo quy định chung của Nhà
nước về: Xây dựng cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, máy móc, dụng cụ dạy
nghề.
2. Hàng năm
trên cơ sở các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh, UBND tỉnh quyết định
giao chỉ tiêu đào tạo nghề dài hạn và ngắn hạn có ngân sách bảo đảm theo định
mức Nhà nước quy định cho các cơ sở dạy nghề. Định mức kinh phí đào tạo cho dạy
nghề dài hạn quy định theo năm; Định mức kinh phí đào tạo cho dạy nghề ngắn hạn
tính theo tháng đào tạo của khóa học.
3. Các cơ sở
dạy nghề phải tổ chức thực hiện tốt chỉ tiêu đào tạo được UBND tỉnh giao. Xem
đây là chỉ tiêu pháp lệnh bắt buộc phải thực hiện. Ngoài ra nếu có điều kiện cơ
sở vật chất, đội ngũ giáo viên thì cơ sở dạy nghề có thể được tổ chức đào tạo
bồi dưỡng ngắn hạn, dài hạn phục vụ nhu cầu xã hội bằng nguồn kinh phí thu của
người học hoặc đóng góp của cơ sở gửi người đi học (kể cả liên kết đào tạo đội
ngũ cán bộ kỹ thuật tỉnh có nhu cầu).
Mức học phí
thu được của người học đối với chỉ tiêu không được cấp kinh phí từ nguồn ngân
sách Nhà nước áp dụng khung học phí quy định cho dạy nghề hệ bán công theo quy
định hiện hành của UBND tỉnh.
4. Các cơ sở
đào tạo nghề có xưởng thực hành gắn với sản xuất dịch vụ được hoàn thuế để bổ
sung nguồn lực cho dạy nghề của đơn vị. Các trường dạy nghề, các Trung tâm dạy
nghề phải quản lý sử dụng nguồn kinh phí này đúng mục đích và nguyên tắc quản
lý tài chính hiện hành.
Điều 4. Chính sách đối với cơ sở dạy nghề ngoài công lập,
cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, tại các làng nghề và người học nghề ở cơ
sở dạy nghề ngoài công lập.
1. Tỉnh khuyến
khích các cá nhân, tổ chức có điều kiện đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề ngoài
công lập phục vụ cho nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
2. Các cơ sở
dạy nghề ngoài công lập, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, tại các làng nghề
được hưởng các chính sách ưu tiên về cơ sở vật chất, đất đai; Về thuế,
các loại phí và lệ phí theo quy định tại Nghị định 73/1999 NĐ-CP, ngày
19/8/1999 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt
động trong lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao và Thông tư hướng dẫn số
18/2000/TT BTC, ngày 01/3/2000 của Bộ Tài chính.
3. Các cơ sở
dạy nghề ngoài công lập, cơ sở dạy nghề tại các doanh nghiệp, tại các làng nghề
được hỗ trợ một phần kinh phí phục vụ cho việc tập huấn, bồi dưỡng kiến thức
chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên dạy nghề từ nguồn kinh phí quản lý
hoạt động sự nghiệp về dạy nghề hàng năm, và được ngân sách hỗ trợ phần kinh
phí miễn giảm cho các đối tượng quy định tại khoản a, b mục 4 điều 4.
4. Những người
là đối tượng chính sách học nghề tại các cơ sở dạy nghề ngoài công lập được
miễn giảm học phí (theo mức đóng góp quy định tại Quyết định hiện hành của UBND
tỉnh) như sau:
a) Miễn 100%
học phí đối với các đối tượng học nghề là thương binh, người hưởng chính sách
như thương binh, bệnh binh, con liệt sỹ, con thương binh, bệnh binh mất sức lao
động từ 61% trở lên.
b) Giảm 50%
học phí đối với các đối tượng học nghề là: Con thương binh, người hưởng chính sách
như thương binh mất sức lao động từ 21% đến 60%; Con của người bị nhiễm chất
độc hóa học hưởng trợ cấp thường xuyên; Đối tượng học nghề thường trú tại các
xã đặc biệt khó khăn, thuộc hộ gia đình nghèo.
Điều 5. Chính sách đối với người học nghề, thuộc diện phân
luồng theo chỉ tiêu sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở.
1. Được ưu
tiên xét tuyển vào học những nghề thích hợp ở các cơ sở dạy nghề công lập của
tỉnh.
2. Người học
nghề được ngân sách hỗ trợ 30% mức học phí quy định tại Quyết định hiện hành của
UBND tỉnh Nghệ An (ngoài chế độ miễn giảm chung của Nhà nước quy định tại Thông
tư số 54/1998/TTLT, ngày 31/ 8/1998 của Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Tài chính).
Người học nghề có nhu cầu thì được vay vốn tín dụng để chi phí học nghề.
Điều 6. Chính sách đối với người học nghề cấp độ 2:
Người học nghề
ở cấp độ 2 là những người đã có trình độ công nhân kỹ thuật lành nghề có nhu
cầu đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và kiến thức quản lý để mở
doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, tổ hợp làm nghề, được Nhà nước hỗ trợ 50%
kinh phí đào tạo tính theo quy định ở khoản 2 điều 3.
Điều 7. Chính sách đối với người đã có bằng nghề, chứng
chỉ nghề (bao gồm cả người đã học nghề ở cấp độ 2).
1. Được ưu
tiên bố trí việc làm đúng nghề đào tạo trong các cơ sở sản xuất kinh doanh của
Nhà nước, được vay vốn tín dụng và quỹ giải quyết việc làm để mở nghề tự
tạo việc làm cho bản thận, cho xã hội.
2. Được đào
tạo bồi dưỡng nâng cao, được tổ chức luyện tay nghề thi thợ giỏi, suy tôn, khen
thưởng và phong tặng các danh hiệu (Danh hiệu Nhà nước quy định).
Điều 8. Chính sách thu hút giáo viên dạy giỏi, cán bộ,
chuyên môn kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học trở lên công tác ở các ngành,
các huyện, thành, thị, công nhân kỹ thuật bậc cao, nghệ nhân tham gia dạy nghề,
truyền nghề.
1. Được hưởng
các chế độ khuyến khích lợi ích vật chất quy định tại Quyết định số
30/2001/QĐ-UB ngày 7/3/2001 của UBND tỉnh Nghệ An về việc ban hành quy định
chính sách thu hút lao động có trình độ cao ở Nghệ An (cho các đối tượng đủ
tiêu chuẩn theo Quyết định trên).
2. Đối với
giáo viên dạy giỏi được tỉnh khen thưởng như sau:
Mức thưởng giá
trị bằng một tháng lương cơ bản hiện hưởng cho giáo viên đạt danh hiệu dạy giỏi
cấp tỉnh.
Mức thưởng có
giá trị bằng hai tháng lương cơ bản hiện hưởng cho giáo viên đạt danh hiệu dạy
giỏi cấp quốc gia.
3. Giáo viên
dạy nghề là cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đẳng, đại học trở lên cộng tác tại
các ngành, các huyện, thành, thị; thợ bậc cao, nghệ nhân làm việc ở các doanh
nghiệp, làng nghề tham gia dạy nghề ở các cơ sở dạy nghề được trả thù lao ở mức
80.000-100.000 đồng/buổi (4 tiết).
Điều 9. Nguồn
kinh phí các cơ sở dạy nghề được sử dụng:
1. Nguồn Nhà
nước cấp theo kế hoạch.
2. Đóng góp
của các cơ sở cử người đi học nghề.
3. Người học
đóng góp theo quy định.
4. Kinh phí
thu từ dịch vụ sản xuất kinh doanh của cơ sở dạy nghề (kể cả phần hoàn thuế).
5. Tài trợ của
các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước (nếu có).
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10.
1. Sở Lao động
Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính Vật giá
hướng dẫn thực hiện quy định này; Hàng năm thống nhất về chỉ tiêu và ngành nghề
đào tạo, kế hoạch kinh phí trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt.
2. Sở Lao động
Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp Ban Tổ chức chính quyền tỉnh theo dõi,
kiểm tra việc thực hiện chế độ đối với giáo viên dạy giỏi, giáo viên là cán bộ
kỹ thuật làm việc ở các ngành, các huyện, thành, thị; Thợ bậc cao, nghệ nhân
tham gia dạy nghề, truyền nghề.
3. Trong quá
trình thực hiện có gì vướng mắc, các cấp, các ngành, các cơ sở dạy nghề phản
ánh về Sở Lao động Thương binh và Xã hội để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét
quyết định.