Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Kế hoạch 2270/KH-UBND năm 2013 phát triển dạy nghề tỉnh Bến Tre giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020.

Số hiệu 2270/KH-UBND
Ngày ban hành 24/05/2013
Ngày có hiệu lực 24/05/2013
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bến Tre
Người ký Trương Văn Nghĩa
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2270/KH-UBND

Bến Tre, ngày 24 tháng 5 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN DẠY NGHỀ TỈNH BẾN TRE GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Bến Tre là một tỉnh nông nghiệp thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất còn hạn chế, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, lao động sống ở nông thôn chiếm gần 90%. Các lĩnh vực kinh tế, công thương nghiệp, dịch vụ trên địa bàn còn chậm phát triển. Tỷ lệ qua đào tạo đạt 44,5%, trong đó đào tạo nghề chỉ đạt 18%. Mặc dù, trong những năm qua tỉnh đã tập trung đầu tư cho công tác dạy nghề nhưng vẫn còn bất cập, đó là lực lượng lao động qua đào tạo nghề và đội ngũ công nhân có trình độ chuyên môn kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh do có sự mất cân đối về số lượng, chất lượng, trình độ và cơ cấu ngành nghề, trong khi đó công tác đào tạo nghề còn nhiều hạn chế, cơ sở dạy nghề chưa được đầu tư, xây dựng, trang thiết bị chưa đầy đủ; đội ngũ giáo viên thiếu và yếu; ngành nghề còn ít, quy mô tuyển sinh trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề chưa đáp ứng nhu cầu xã hội.

Thực hiện Quyết định 630/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020” là một quyết sách nhằm tháo gỡ những khó khăn và đổi mới cơ bản, mạnh mẽ về dạy nghề nhằm tạo động lực phát triển dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập để nâng cao chất lượng, phát triển quy mô, cân đối trình độ đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu lao động.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch phát triển dạy nghề giai đoạn 2013-2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung cụ thể như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG DẠY NGHỀ

1. Thực trạng công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh:

Hiện nay, Bến Tre có 18 cơ sở dạy nghề, gồm 14 cơ sở dạy nghề công lập và 05 cơ sở dạy nghề tư nhân. Trong đó, cơ sở dạy nghề công lập có 01 trường Cao đẳng nghề Đồng Khởi thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; 02 Trường Trung cấp nghề Bến Tre thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; 07 Trung tâm dạy nghề các huyện; 02 Trung tâm dạy nghề của tổ chức chính trị, xã hội và 02 cơ sở tham gia dạy nghề là Trung tâm Giới thiệu việc làm Bến Tre và Trường Cao đẳng Bến Tre thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

Trong những năm qua, các cơ sở dạy nghề công lập được đầu tư xây dựng và đầu tư cơ sở vật chất. Hiện tại, các cơ sở dạy nghề công lập đã xây dựng, sửa chữa và nâng cấp các phòng học, xưởng, văn phòng và các công trình phụ khác là 18.263 m2 trên tổng diện tích đất là 199.817 m2.

Đầu tư trang thiết bị cho các trường cao đẳng nghề và trung cấp nghề đủ điều kiện đào tạo trình độ nghề tương đương, tập trung cho các nghề như: cắt gọt kim loại; điện công nghiệp; điện tử công nghiệp; điện tử dân dụng; kế toán doanh nghiệp; quản trị mạng máy tính; công nghệ ô tô; may và thiết kế thời trang; kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; kỹ thuật xây dựng; hàn; chế biến thủy sản; quản trị doanh nghiệp vừa và nhỏ; hướng dẫn viên du lịch… Các trung tâm dạy nghề đầu tư cho các nghề có trình độ sơ cấp như: nhóm nghề trồng trọt; nhóm nghề chăn nuôi, thú y; chế biến thức ăn; điện cơ; hàn, tiện; sửa chữa máy nổ; nghề lắp đặt điện nội thất; may công nghiệp; sửa chữa máy kéo công suất nhỏ; sơ chế và bảo quản sản phẩm cây lương thực...

Về đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề các cơ sở dạy nghề công lập có tổng số là 543 người. Phân theo nhóm đào tạo cụ thể: cán bộ quản lý dạy nghề là 121 người (trình độ đại học và sau đại học là 95 người, trình độ cao đẳng và trung cấp là 26 người); Giáo viên dạy nghề là 422 người: Giáo viên cơ hữu là 226 người, giáo viên hợp đồng là 196 người (trình độ sau đại học và đại học là 279 người, trình độ cao đẳng và trung cấp là 68 người, trình độ khác là 75 người). Trong đó, trình độ đạt chuẩn là 339 người.

Nếu chỉ tính riêng các cơ sở dạy nghề thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội thì tổng số cán bộ quản lý và giáo viên dạy nghề là: 464 người. Trong đó cán bộ quản lý là 105 người; giáo viên là 359 người có 182 giáo viên cơ hữu, có 06 giáo viên có trình độ thạc sĩ.

Về quy mô đào tạo: Bình quân mỗi năm, các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh đào tạo gần 9.000 người, được phân chia cụ thể như: trình độ cao đẳng nghề khoảng 250 người, trung cấp nghề 500 người, còn lại là đào tạo sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng.

Chương trình, giáo trình dạy nghề trình độ cao đẳng và trung cấp nghề được xây dựng và ban hành trên cơ sở chương trình khung của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Các chương trình sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, các cơ sở dạy nghề ban hành dựa vào các quy định và điều kiện thực tế.

2. Đánh giá chung:

* Những mặt làm được:

- Các cơ sở dạy nghề được bố trí đều trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước được đầu tư sửa chữa, nâng cấp và xây mới, được đầu tư trang thiết bị, quy mô và chất lượng đào tạo được nâng lên; dạy nghề đã một phần đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội và giúp người lao động tìm việc làm, ổn định được cuộc sống.

* Hạn chế:

- Cơ cấu đào tạo chưa hợp lý về ngành nghề, (các nghề kế toán doanh nghiệp, nhóm nghề tin học chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số đào tạo cao đẳng nghề và trung cấp nghề); chênh lệch về trình độ nghề (trình độ cao đẳng nghề chiếm gần 2,7%; trung cấp nghề 5,5% sơ cấp và ngắn hạn chiếm 91,8%). Các cơ sở dạy nghề tập trung đào tạo theo chỉ tiêu phân bổ và các ngành nghề truyền thống, đào tạo theo tư duy cũ chưa có nghề mới để đáp ứng được nhu việc làm và thị trường lao động.

- Cơ sở vật chất và trang thiết bị đầu tư chưa đồng bộ, thiếu các nhà xưởng, đặc biệt là các phòng học lý thuyết, do vậy chưa phát huy hết hiệu quả các trang thiết bị hiện có.

- Bộ máy các cơ sở dạy nghề hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu, đội ngũ giáo viên còn thiếu, cán bộ quản lý chưa bố trí kịp thời. Nhà nước có chủ trương, chính sách xã hội hóa dạy nghề nhưng các thành phần kinh tế tham gia còn ít và quy mô nhỏ.

* Nguyên nhân hạn chế:

- Thời gian qua chưa tập trung nhiều cho đầu tư công tác dạy nghề cũng như cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy chưa tương xứng với nhu cầu đào tạo hiện nay, nên năng lực các cơ sở dạy nghề chưa cao.

- Nhận thức của người dân trong đào tạo nghề nghiệp còn hạn chế, điều kiện kinh tế còn khó khăn dẫn đến người dân chưa quan tâm đến việc học nghề để có tay nghề và có việc làm ổn định.

- Người học nghề xong khó tìm việc làm, dạy nghề chưa gắn với nhu cầu của thị trường lao động để tạo việc làm cho người học sau đào tạo.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

1. Căn cứ pháp lý:

Từ thực trạng dạy nghề trong những năm qua trên địa bàn tỉnh như đã nêu trên có những mặt thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn nhất định. Do đó Kế hoạch phát triển dạy nghề được xây dựng căn cứ vào:

[...]