Quyết định 109/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 109/QĐ-TTg
Ngày ban hành 27/01/2024
Ngày có hiệu lực 27/01/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Trần Hồng Hà
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 109/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 27 tháng 01 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỈNH ĐIỆN BIÊN THỜI KỲ 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 15 tháng 6 năm 2018; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10 tháng 02 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Căn cứ Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch; Nghị định số 58/2023/NĐ-CP ngày 12 tháng 8 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quy hoạch;

Căn cứ Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2022 của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 301/QĐ-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Báo cáo thẩm định số 9331/BC-HĐTĐ ngày 07 tháng 11 năm 2023 của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về hồ sơ Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Theo đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên tại Tờ trình số 341/TTr-UBND ngày 22 tháng 01 năm 2024 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 11082/BKHĐT-QLQH ngày 29 tháng 12 năm 2023 về tổng hợp ý kiến rà soát hồ sơ Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung sau:

I. PHẠM VI, RANH GIỚI QUY HOẠCH

Bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh Điện Biên với quy mô khoảng 9.539,92 km2, gồm 10 đơn vị hành chính: Thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay, huyện Mường Nhé, huyện Mường Chà, huyện Tủa Chùa, huyện Tuần Giáo, huyện Mường Ảng, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông và huyện Nậm Pồ.

Vị trí địa lý: Phía Bắc giáp tỉnh Lai Châu và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); phía Đông giáp tỉnh Sơn La; phía Nam giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và tỉnh Sơn La; phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.

Tỉnh Điện Biên có tọa độ địa lý từ 20054’ - 22033’ vĩ độ Bắc và 102010’ - 103036’ kinh độ Đông.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU VÀ CÁC ĐỘT PHÁ PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển

Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Điện Biên phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng trung du miền núi phía Bắc. Phát triển nhanh gắn liền với tăng trưởng xanh, hiệu quả và bền vững; nâng cao chất lượng, năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học - công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số và tăng cường năng lực tiếp cận Cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong sản xuất. Tập trung đầu tư có trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh với nông, lâm nghiệp là nền tảng; xây dựng là động lực và du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn dựa trên 03 trụ cột chính là du lịch lịch sử - văn hóa, du lịch sinh thái, khám phá cảnh quan thiên nhiên và du lịch nghỉ dưỡng, giải trí, chăm sóc sức khỏe.

Phát huy tối đa yếu tố con người; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới gắn với đào tạo đội ngũ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật; coi trọng giáo dục phổ cập để nâng cao trình độ dân trí của dân cư, đặc biệt là dân cư vùng nông thôn, miền núi.

Tập trung đầu tư phát triển và quản lý đô thị theo hướng xanh, thông minh, bản sắc và tiết kiệm tài nguyên. Phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh, phát huy nội lực, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển tỉnh; tập trung đầu tư đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng liên thông và đa mục tiêu; liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong tỉnh, tạo dựng các liên kết phát triển với các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc; tận dụng các lợi thế về giao thương quốc tế thông qua các cửa khẩu quốc tế với các tỉnh Bắc Lào, Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN.

Tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội và bảo vệ môi trường; quản lý tài nguyên khoáng sản, sử dụng bền vững các tài nguyên và giữ cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với củng cố quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội; chủ động hội nhập và hợp tác quốc tế để có cơ chế, chính sách khai thác có hiệu quả thời cơ và lợi thế trong kỳ quy hoạch, khắc phục các tác động tiêu cực của kinh tế quốc tế và khu vực; đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

2. Mục tiêu phát triển đến năm 2030

a) Mục tiêu tổng quát

Đến năm 2030, Điện Biên trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực trung du và miền núi phía Bắc; là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ, y tế của vùng. Phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ hiện đại, có năng suất và chất lượng cao kết hợp với công nghiệp chế biến, du lịch; kinh tế số đóng vai trò quan trọng trong phát triển tỉnh; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại. Ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới.

[...]
10
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ