Quyết định 1069/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030

Số hiệu 1069/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/05/2012
Ngày có hiệu lực 29/05/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Phước
Người ký Trương Tấn Thiệu
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1069/QĐ-UBND

Bình Phước ngày 29 tháng 5 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH PHƯỚC GIAI ĐOẠN 2011 - 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/09/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 03/2008/TT-BKH, ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế quản lý cụm công nghiệp;

Căn cứ Quyết định 1548/QĐ-UBND ngày 04 tháng 7 năm 2011 của UBND tỉnh phê duyệt Đề cương, dự toán chi phí quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 381/TTr-SCT ngày 25/04/2012.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 – 2020, tầm nhìn 2030, với các nội dung cụ thể như sau:

1. Tên dự án quy hoạch: Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

2. Đơn vị tư vấn: Công ty cổ phần Đất Việt – TP. Hồ Chí Minh.

3. Chủ đầu tư: Sở Công Thương tỉnh Bình Phước.

4. Quan điểm phát triển:

- Phát triển cụm công nghiệp trên cơ sở phát triển của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại địa phương, sử dụng đất hiệu quả, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung trên địa bàn tỉnh;

- Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải gắn với không gian công nghiệp cả nước, vùng Đông Nam bộ, gắn với các tuyến hành lang kinh tế và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhằm tranh thủ các mối liên kết và tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng và hợp tác với khu vực và quốc tế;

- Phát triển các cụm công nghiệp phải gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng, gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển công nghiệp hợp lý;

- Phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phải lấy mục tiêu khai thác hiệu quả các lợi thế so sánh về tài nguyên, lao động và hạ tầng tại địa phương, ưu tiên phát triển các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý, phục vụ nhu cầu di dời và mở rộng mặt bằng sản xuất để phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản tại khu vực nông thôn;

- Phát triển cụm công nghiệp phải liên kết với các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế, gắn với dịch vụ thương mại; chú ý phát triển hợp lý giữa các vùng, miền, quan tâm phát triển vùng miền hợp lý.

- Phát triển cụm công nghiệp gắn với chế biến nông sản (điều, tiêu, cao su,..) và gắn với phát triển nông thôn mới;

- Đầu tư đồng bộ và hoàn thiện kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp hiện có, mở rộng và thành lập mới một số cụm công nghiệp nằm trong quy hoạch. Ưu tiên phát triển một cách có chọn lọc một số cụm công nghiệp.

5. Mục tiêu phát triển

Mục tiêu chung:

- Xây dựng hệ thống cụm công nghiệp cơ bản đồng bộ về hệ thống hạ tầng, phát huy được lợi thế và nguồn lực của từng địa phương. Tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, tiếp tục nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành;

- Tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nhằm khai thác và sử dụng đất có hiệu quả, đảm bảo môi trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn;

- Động viên, khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng cụm công nghiệp; thu hút, di dời các cơ sở nhỏ lẻ, phân tán đan xen trong khu dân cư, dịch vụ đầu tư vào cụm công nghiệp;

[...]