Quyết định 1049/QĐ-UBND năm 2021 Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 1049/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/05/2021
Ngày có hiệu lực 06/05/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Lắk
Người ký H'Yim Kđoh
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK LẮK
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1049/QĐ-UBND

Đắk Lắk, ngày 06 tháng 5 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN TỈNH ĐẮK LẮK, GIAI ĐOẠN 2021-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2020-2025;

Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số 54/TTr-SYT ngày 02/04/2021 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch hoạt động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025 tỉnh Đắk Lắk.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021-2025.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, các hội, đoàn thể có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Tổng cục DS-KHHGĐ (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- UBMTTQVN tỉnh;
- HLHPN tỉnh, Tỉnh Đoàn;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử của tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (Th.30b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




H’Yim Kđoh

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG VỀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025 TỈNH ĐẮK LẮK
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1049/QĐ-UBND ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh Đắk Lắk)

Sức khỏe sinh sản (SKSS) và sức khỏe tình dục (SKTD) là những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định tới sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của vị thành niên, thanh niên (VTN, TN). Đầu tư cho chăm sóc SKSS, SKTD là đầu tư cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước.

Đến nay, Chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN ở Việt Nam vẫn còn một số những bất cập như: Kiến thức, kỹ năng về chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN còn hạn chế; giáo dục về SKSS, SKTD chưa tiếp cận được ở diện rộng; việc cung cấp thông tin, dịch vụ thân thiện về SKSS, SKTD chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của VTN, TN; tình trạng quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai không an toàn, nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục… của VTN, TN vẫn chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu; ở nhóm VTN, TN yếu thế (dân tộc thiểu số, khuyết tật, đồng giới nam…).

Tỉnh Đắk Lắk, mặc dù đã ban hành kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho VTN, TN giai đoạn 2013 - 2015, nhưng đến nay việc triển khai thực hiện vẫn còn rất nhiều hạn chế, đặc biệt là đối với các nhóm VTN, TN đặc thù như: Đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn... Các dịch vụ thân thiện cho VTN vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu cho nhóm đối tượng này. Cán bộ y tế, Cán bộ làm công tác liên quan như Đoàn thanh niên, các Trường PTTH, THCS vẫn chưa thật sự đáp ứng được nhu cầu tư vấn chuyên biệt cho VTN, TN. Các cấp, các ngành chưa dành sự quan tâm đúng mức cho công tác này, nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình còn hạn chế. Do vậy, các hoạt động triển khai vẫn còn rời rạc, chưa bao phủ, chất lượng chưa cao.

Những tồn tại trên cho thấy công tác Chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN, TN chưa được quan tâm đúng mức. Để khắc phục, cải thiện tình trạng trên, nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, thái độ và hành vi của VTN, TN tăng cường sự hỗ trợ từ gia đình, nhà trường, dịch vụ y tế và các nguồn lực khác, công tác Chăm sóc SKSS/SKTD cho VTN, TN cần được quan tâm sâu sát, tạo điều kiện về nhân lực và kinh phí để triển khai, mở rộng hoạt động, giúp số VTN, TN được trang bị kiến thức và tiếp cận dịch vụ ngày càng nhiều hơn.

Xây dựng kế hoạch CSSKSS/SKTD cho VTN, TN giai đoạn 2021 - 2025 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp thiết hiện nay cho nhóm đối tượng này.

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN/SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO VTN, TN

1. Thực trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của VTN, TN Việt Nam:

Theo kết quả điều tra quốc gia về SKSS, SKTD (năm 2015) cho thấy ngày nay VTN, TN được thụ hưởng chất lượng cuộc sống cao hơn, có điều kiện tiếp cận thông tin dễ dàng, hơn 90% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 cho biết đã trao đổi và tiếp cận thông tin thông qua các kênh hiện đại như Internet, truyền hình và tin nhắn SMS trên điện thoại di động.

Tuy nhiên, tình trạng SKSS, SKTD của VTN, TN vẫn đang tồn tại những vấn đề rất đáng quan tâm, cụ thể như sau:

Sức khỏe tình dục: Tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên ở nhóm tuổi 14-24 là 18,7 (2017). Khoảng 13% thanh thiếu niên đã từng có quan hệ tình dục và trung bình họ đã có 2 bạn tình, 15% TN có quan hệ tình dục trước hôn nhân. VTN, TN Việt Nam chưa có kiến thức đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục. 27,8% đối tượng nữ công nhân di cư ở tuổi TN không sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT).

Hôn nhân, mang thai, phá thai, sinh con: Tỷ lệ nhóm dân tộc thiểu số kết hôn sớm nhiều gấp 6 lần so với dân tộc Kinh (8,4% so với 1,4%). Chỉ 17% thanh thiếu niên trong độ tuổi 10-24 có kiến thức về mang thai. Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 9,2% người đã từng phá thai. Tỉ lệ phá thai đặc biệt cao hơn ở nhóm nữ trong độ tuổi 19-24, dân tộc thiểu số và nữ đã từng kết hôn so với nhóm nữ trong độ tuổi từ 15-18, người Kinh và người chưa từng kết hôn. Tình trạng sinh con ở tuổi chưa thành niên vẫn còn tồn tại.

HIV và nhiễm khuẩn đường sinh sản: Chỉ có 21% nam trong độ tuổi 10-24 có thể nêu được một triệu chứng của các viêm nhiễm đường sinh sản và tỷ lệ này ở nữ là 19%.

Sự hỗ trợ của cha mẹ và thầy cô giáo về SKSS, SKTD: Việc trao đổi với người lớn về các chủ đề SKSS, SKTD còn hạn chế, thanh thiếu niên thích hỏi các nhân viên y tế hơn.

[...]