Kế hoạch 29/KH-UBND năm 2021 về Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

Số hiệu 29/KH-UBND
Ngày ban hành 24/02/2021
Ngày có hiệu lực 24/02/2021
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Hòa Bình
Người ký Nguyễn Văn Toàn
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 29/KH-UBND

Hòa Bình, ngày 24 tháng 02 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

CHĂM SÓC SỨC KHỎE SINH SẢN, SỨC KHỎE TÌNH DỤC CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH

Căn cứ Quyết định số 3781/QĐ-BYT ngày 28/8/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch hành động Quốc gia về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch Chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, như sau:

I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHOẺ SINH SẢN, SỨC KHOẺ TÌNH DỤC CHO VỊ THÀNH NIÊN, THANH NIÊN

Hoà Bình là một tỉnh miền núi nằm ở vùng Tây Bắc của Việt Nam, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 70 km, diện tích 4.596.4 km2. Hòa Bình hiện có dân số 854.131 người, trên địa bàn tỉnh có 6 dân tộc sinh sống, đông nhất là người Mường chiếm 63,3%; dân tộc khác (Tày, Thái, H.Mông, Hoa...) chiếm 9%; người Kinh chiếm 27,7%. Tổng số vị thành niên tỉnh Hòa Bình (10 - 14 tuổi) là 196.450 người, chiếm khoảng 23% dân số. Tỷ lệ thanh niên (từ 16 đến 30 tuổi) chiếm 29,7% dân số trong toàn tỉnh. Nữ thanh niên có 116.375 người chiếm 49%; thanh niên là người dân tộc thiểu số có 173.850 người chiếm 73,19%. Tỉnh Hòa Bình có 10 huyện/thành phố, với 151 xã phường/thị trấn, 15,7% dân số sống ở đô thị và 84,3% dân số sống ở nông thôn. Hệ thống Y tế được trải rộng từ tỉnh xuống đến xã nhằm chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tại mỗi cơ sở y tế đều có triển khai cung cấp dịch vụ CSSKSS nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nói riêng, có cán bộ được đào tạo về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho vị thành niên, thanh niên (VTN,TN) theo đúng Hướng dẫn Quốc gia về CSSKSS năm 2016.

1. Thực trạng sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của vị thành niên, thanh niên và kết quả thực hiện giai đoạn 2015 - 2020.

Trong giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2020, công tác chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỷ suất sinh ở nữ VTN (15-19 tuổi) theo báo cáo của trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hòa Bình đã giảm đáng kể từ 31 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2016) xuống còn 24 ca sinh/1.000 phụ nữ (năm 2019). Tỷ lệ VTN mang thai/tổng số phụ nữ có thai là 2,1%. Tuổi trung bình lần quan hệ tình dục đầu tiên của VTN ở nhóm tuổi 14-24là 18,7%. VTN có quan hệ tình dục trước hôn nhân là 15%. VTN, TN chưa có kiến thức đầy đủ và thực hành chưa đúng về các vấn đề sức khỏe tình dục, tỷ lệ không sử dụng biện pháp tránh thai là 28%.

Theo số liệu thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Hòa Bình, tình trạng tảo hôn có xu hướng tăng, đa số vị thành niên mang thai, tảo hôn ở tuổi từ 15 trở lên. Tuổi tảo hôn thấp nhất là 13 tuổi, có trường hợp cả cặp vợ chồng trong độ tuổi tảo hôn, có trường hợp chỉ có vợ trong độ tuổi tảo hôn và tảo hôn nữ nhiều hơn tảo hôn nam. Tình trạng tảo hôn đều có ở hầu hết các địa phương trong tỉnh.

Trong tổng số nữ trong độ tuổi 15-24, có 18/1.000 người đã từng phá thai (chiếm 9,2% trong tổng số những người đã từng có thai). Tỉ lệ phá thai đặc biệt cao hơn ở nhóm nữ trong độ tuổi 19-24, dân tộc thiểu số và nữ đã từng kết hôn so với nhóm nữ trong độ tuổi từ 15-18, tình trạng nạo phá thai đang là vấn đề "nóng”. Năm 2019, theo thống kê của hệ thống CSSKSS, tỷ lệ phá thai là 4,9%. Tuy nhiên, tuổi VTN, TN phá thai "chui” tại các cơ sở y tế tư là một thực tế diễn ra khá phổ biến mà hệ thống báo cáo về CSSKSS không thống kê được số ca nạo, phá thai ở độ tuổi VTN, TN.

Tại mỗi cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đều có triển khai cung cấp dịch vụ CSSKSS nói chung và chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên nói riêng, có cán bộ được đào tạo về chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS), sức khỏe tình dục (SKTD) cho vị thành niên, thanh niên (VTN,TN) theo đúng Hướng dẫn Quốc gia. Tuy nhiên hầu như các VTN, TN không tiếp cận do e ngại hoặc là các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) hiện nay tập trung chủ yếu vào những người đã kết hôn. Chương trình SKSS, SKTD cho VTN, TN còn thiếu hụt trong giải quyết các vấn đề của các nhóm thiệt thòi, dân tộc thiểu số.

- Trong những năm qua Sở Y tế Hòa Bình đã phối hợp với Sở giáo dục, Hội phụ nữ tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm, sinh hoạt theo chủ đề về SKSS, SKTD cho VTN, TN trong các trường học và các buổi họp phụ nữ tại huyện, xã.

- Các chương trình thông tin - giáo dục - truyền thông và cung cấp dịch vụ chuyên môn kỹ thuật về SKSS, SKTD cho VTN, TN được triển khai trong chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số - Y tế.

- Triển khai một số nhóm dịch vụ chăm sóc SKSS & SKTD thân thiện dựa trên Hướng dẫn quốc gia như: điểm cung cấp dịch vụ thân thiện VTN, TN; câu lạc bộ SKSS, SKTD cho VTN, TN.

2. Một số nguyên nhân, thách thức ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho vị thành niên, thanh niên

a) Về chế độ, chính sách

- Nội dung các chính sách về SKSS, SKTD cho VTN, TN mặc dù đã được đề cập đến trong một số văn bản chính sách nhưng chưa bao trùm đối tượng một cách toàn diện, cụ thể là chưa bao phủ tới các nhóm VNT-TN, nhóm dân tộc thiểu số, nhóm VTN khuyết tật, nhóm TN trẻ di cư...

- Yêu cầu sự chấp thuận của người giám hộ khi tiếp cận một số dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD (ví dụ phá thai) khi thực hiện các thủ thuật theo quy định của nhà nước.

- Chưa có quy định giáo dục SKSS, SKTD toàn diện cho VTN, TN là yêu cầu bắt buộc cần phải triển khai đồng bộ và toàn diện trong nhà trường.

- Chưa có kế hoạch, hướng dẫn cụ thể để mở rộng triển khai bình đẳng giới, nhạy cảm giới trong chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN; chưa có hướng dẫn cụ thể về nội dung và cách thức vận động tạo môi trường thuận lợi cho lĩnh vực chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN để các ban, ngành cả trung ương và địa phương có thể vận dụng thực hiện, cũng như huy động sự tham gia hiệu quả của khối tư nhân và tổ chức phi chính phủ.

- Chưa có chương trình riêng biệt, đặc thù cung cấp biện pháp tránh thai (BPTT) cho thanh niên chưa kết hôn.

b) Về nhân lực

- Hệ thống tổ chức không ổn định, nhân lực thường biến động cán bộ được đào tạo lại không tham gia lâu dài trong cung cấp dịch vụ SKSS, SKTD cho VTN, TN dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ được đào tạo chuyên sâu về cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD cho VTN, TN. Ngoài ra, nhân lực của khối trường học có khả năng tham gia cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS, SKTD thân thiện với vị thành niên, thanh niên còn hạn chế.

- Cán bộ trực tiếp cung cấp dịch vụ CSSKSS ít được đào tạo về chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên do kinh phí của địa phương cho hoạt động đào tạo hạn chế.

c) Về tài chính

- Thiếu sự cam kết và hạn hẹp nguồn kinh phí dành cho chăm sóc SKSS, SKTD của VTN, TN cả ở tuyến trung ương và địa phương. Hiện tại chưa có dòng ngân sách riêng cho chương trình chăm sóc SKSS, SKTD, vị thành niên, thanh niên trong khi kinh phí ngày càng giảm. Kinh phí phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn từ các chương trình do ngân sách trung ương cấp và không ổn định. Bảo hiểm y tế (BHYT) hiện chưa chi trả cho các gói dịch vụ đặc thù trong chăm sóc SKSS, SKTD của vị thành niên, thanh niên.

d) Về thu thập thông tin

Thiếu hệ thống theo dõi và thu thập số liệu thường quy về các chỉ số cơ bản chăm sóc SKSS, SKTD cho vị thành niên, thanh niên chưa được thu thập một cách hệ thống và toàn diện. Chất lượng lưu trữ và thu thập số liệu rất hạn chế.

[...]