Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 104/2009/QĐ-UBND về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 104/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/09/2009
Ngày có hiệu lực 04/10/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Trịnh Duy Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------------------

Số: 104/2009/QĐ-UBND

Hà Nội, ngày 24 tháng 09 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH “QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI”

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;
Căn cứ Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành “Quy định quản lý SX,KD rau, quả và chè an toàn”;
Căn cứ Quyết định số 2083/QĐ-UBND ngày 05/5/2009 của UBND Thành phố ban hành Đề án sản xuất và tiêu thụ Rau an toàn thành phố Hà Nội 2009-2015;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình 215/TTr-SNN ngày 19/8/2009 về việc ban hành “Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”; Ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 1301/STP-VBPQ ngày 31/7/2009 về góp ý dự thảo văn bản,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý sản xuất và kinh doanh Rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 130/2004/QĐ-UB ngày 20/8/2004 của UBND Thành phố ban hành “Quy định tạm thời về quản lý sản xuất, kinh doanh Rau an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội”.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Thành phố; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Công thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Quy hoạch Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp; Giám đốc Công an Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (để b/c);
- TT Thành ủy, TT HĐND TP (để b/c);
- Đ/c Chủ tịch UBND Thành phố (để b/c);
- Các đ/c PCT UBND Thành phố;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ, Công báo UBND Thành phố;
- VPUB: Các PVP, các phòng CV, TH;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trịnh Duy Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ SẢN XUẤT VÀ KINH DOANH RAU AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 104/2009/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2009 của UBND Thành phố Hà Nội)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.

1. Quy định này quy định về điều kiện và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, kinh doanh rau an toàn (RAT); thanh kiểm tra và xử lý vi phạm trong sản xuất, sơ chế, kinh doanh RAT trên địa bàn thành phố Hà Nội.

2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh RAT và các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. RAT là sản phẩm rau tươi đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng về hàm lượng kim loại nặng, hàm lượng Nitrat (NO3-), vi sinh vật, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) theo quy định hiện hành của nhà nước (tại Quyết định số 99/2008/QĐ-BNN ngày 15/10/2008 của Bộ Nông nghiệp và PTNT); được sản xuất, sơ chế theo quy trình sản xuất, sơ chế RAT; tiến tới sản xuất, sơ chế theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi tại Việt Nam (VietGAP).

2. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau quả tươi của Việt Nam gọi tắt VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices): là những nguyên tắc, trình tự, thủ tục hướng dẫn tổ chức, cá nhân sản xuất, thu hoạch, sơ chế bảo đảm an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo phúc lợi xã hội, sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

3. Quản lý dịch hại tổng hợp (gọi tắt là IPM) là một hệ thống điều khiển dịch hại bằng cách sử dụng hài hòa những biện pháp kỹ thuật một cách thích hợp trên cơ sở phân tích hệ sinh thái đồng ruộng một cách hợp lý để giữ cho chủng quần dịch hại luôn ở dưới ngưỡng gây hại kinh tế.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Điều kiện sản xuất RAT

3.1. Nhân lực:

a. Người sản xuất phải được huấn luyện, đào tạo qua các lớp huấn luyện IPM rau (nếu sản xuất theo VietGAP thì phải được huấn luyện về kỹ thuật sản xuất RAT theo VietGAP) do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đào tạo và cấp Giấy chứng nhận.

b. Người sản xuất phải thực hiện đúng Quy trình kỹ thuật sản xuất RAT.

[...]