Quyết định 1039/QĐ-UBND năm 2021 phê duyệt Đề án “Phát sóng quảng bá kênh truyền hình Ninh Bình tiêu chuẩn HDTV trên vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình Internet giai đoạn 2022-2026” do tỉnh Ninh Bình ban hành

Số hiệu 1039/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/09/2021
Ngày có hiệu lực 17/09/2021
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Bình
Người ký Tống Quang Thìn
Lĩnh vực Công nghệ thông tin

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1039/QĐ-UBND

Ninh Bình, ngày 17 tháng 9 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT SÓNG QUẢNG BÁ KÊNH TRUYỀN HÌNH NINH BÌNH TIÊU CHUẨN HDTV TRÊN VỆ TINH, TRUYỀN HÌNH SỐ MẶT ĐẤT, TRUYỀN HÌNH CÁP, TRUYỀN HÌNH INTERNET GIAI ĐOẠN 2022 - 2026”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Nghị định số 06/2016/NĐ-CP ngày 18/1/2016 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình;

Căn cứ Quyết định số 362/QĐ-TTg ngày 03/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025;

Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTTTT ngày 28/6/2016 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc Quy định về danh mục kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu của quốc gia và của địa phương; Thông tư số 15/2010/TT-BTTTT ngày 01/07/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Quy định về điều kiện, thủ tục phát sóng quảng bá trực tiếp các kênh chương trình truyền hình địa phương trên vệ tinh;

Căn cứ Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND tỉnh Phê duyệt Quy hoạch phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 128/KH-UBND ngày 31/10/2019 triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình;

Căn cứ Quyết định số 26/QĐ-UBND ngày 12/01/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Chương trình công tác năm 2021;

Theo đề nghị của Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình tại Tờ trình số 30/TTr-PTTH ngày 13 tháng 9 năm 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát sóng quảng bá kênh truyền hình Ninh Bình tiêu chuẩn HDTV trên vệ tinh, truyền hình số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình Internet giai đoạn 2022 - 2026” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các đơn vị: Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Lãnh đạo UBND tỉnh;
- Lưu VT, VP5, VP6;
NP_VP6_QĐ

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Tống Quang Thìn

 

ĐỀ ÁN

PHÁT SÓNG QUẢNG BÁ KÊNH TRUYỀN HÌNH NINH BÌNH TIÊU CHUẨN HDTV TRÊN VỆ TINH, TRUYỀN HÌNH SỐ MẶT ĐẤT, TRUYỀN HÌNH CÁP, TRUYỀN HÌNH INTERNET GIAI ĐOẠN 2022 - 2026
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 17/9/2021 của UBND tỉnh Ninh Bình)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Truyền dẫn, phát sóng là công đoạn cuối trong dây chuyền sản xuất, phát sóng của mỗi Đài Truyền hình, kênh truyền hình, trong đó tiêu chuẩn phát sóng ở độ phân giải nào sẽ quyết định đến chất lượng hình ảnh, âm thanh ở máy thu hình và thiết bị xem của khán giả. Tại Việt Nam 100% các Đài truyền hình, kênh truyền hình đã sản xuất chương trình truyền hình có độ phân giải cao HDTV. Đài truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC, kênh truyền hình Nhân dân, kênh truyền hình Quốc hội, kênh truyền hình An Ninh, Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long... đã sản xuất và phát sóng tiêu chuẩn HDTV trên tất cả các hạ tầng truyền dẫn, phát sóng. Hiện chỉ còn Đài Phát thanh và Truyền hình các tỉnh thành phố phát sóng 2 tiêu chuẩn SD và HD trên các hạ tầng khác nhau, tùy vào khả năng bố trí kinh phí để thuê dịch vụ truyền dẫn, phát sóng của mỗi tỉnh.

Hiện nay, những chiếc tivi, điện thoại, máy tính bảng có độ phân giải cao (HD, 4K) có giá thành vừa phải đã trở thành thiết bị thông dụng và có mặt ở rất nhiều hộ gia đình, do đó nhu cầu xem truyền hình có độ phân giải cao trong nhân dân là rất lớn.

Với sự phát triển nhanh chóng của Công nghệ thông tin và Viễn thông nhất là công nghệ trên các thiết bị di động đã kéo theo sự thay đổi nhu cầu của người xem truyền hình. Truyền hình trên Internet, mạng xã hội đang đi trước các Đài Truyền hình và kênh truyền hình chính thống rất sớm về tiêu chuẩn phát sóng HD và 4K. Hiện nay đối thủ cạnh tranh trực tiếp và mạnh mẽ nhất đối với các Đài truyền hình chính là các tập đoàn đa quốc gia với các nền tảng, mạng xã hội như Facebook; Yotube; NetFlix...

Trong sự nỗ lực, cố gắng để rút ngắn khoảng cách giữa một Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương với Đài Truyền hình, kênh truyền hình quốc gia, giữa truyền thông trong nước với truyền thông khu vực và thế giới, đồng thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình, tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, chú trọng việc đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng ngày càng cao nhiệm vụ chính trị được giao, cũng như nhu cầu thông tin của công chúng.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn đang đặt ra nhiều thách thức đối với ngành phát thanh, truyền hình nói chung và hệ thống Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương nói riêng. Không chỉ hạn chế về quy mô, chất lượng chương trình, hạ tầng, thiết bị, nguồn nhân lực, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình vẫn chưa thoát khỏi cách làm phát thanh, truyền hình truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ, tiếp cận những tiến bộ của phát thanh, truyền hình thế giới vào quy trình quản lý, sản xuất, phát sóng vẫn còn yếu và thiếu. Do đó, nội dung và hình thức thể hiện các chương trình phát thanh, truyền hình chưa phong phú, hấp dẫn; thiếu tính cạnh tranh; đi cùng với đó là nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ quảng cáo, các hoạt động kinh tế báo chí cũng giảm sút. Từ thực tiễn khách quan phải đổi mới để tồn tại và xuất phát từ yêu cầu phát triển nội tại của mỗi địa phương, nhu cầu thông tin ngày càng cao, đa chiều và trên nhiều nền tảng để tiếp cận khán giả.

[...]