ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số:
1019/2003/QĐ-UB
|
Hải
Dương, ngày 11 tháng 04 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ CHẤP THUẬN DỰ ÁN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư
và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8/7/1999 và Nghị
định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000, Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003
của Chính phủ;
Căn cứ Chương trình “Thu hút
và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn vốn đầu tư để phát triển giai đoạn 2001-2005”
do Tỉnh ủy Hải Dương ban hành ngày 26/9/2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế
hoạch và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.
Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về trình tự chấp thuận dự án đầu tư
trong nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.
Điều 2.
Quyết định này thay thế Quyết định số 745/2002/QĐ-UB
ngày 25/3/2002 của UBND tỉnh về quy định tạm thời trình tự chấp thuận dự án đầu
tư trong nước trên địa bàn tỉnh Hải Dương và có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3.
Chánh Văn phòng HĐND và UBND tỉnh; Giám đốc các sở,
ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ đầu tư các dự án xin thuê đất
và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- VP Chính phủ (để b/c);
- Bộ KH-ĐT ( nt );
- TT Tỉnh ủy ( nt );
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó CT UBND tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo VP và các CV;
- Lưu VP.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Nguyễn Trọng Nhưng
|
QUY ĐỊNH
VỀ TRÌNH TỰ CHẤP THUẬN ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI
DƯƠNG
(Kèm theo Quyết định số 1019/2003/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2003 của Ủy ban
nhân dân tỉnh)
Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương
khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh
có dự án đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Ủy ban nhân dân tỉnh quy định về
trình tự chấp thuận đầu tư như sau:
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư
là đầu mối để tiếp nhận và hướng dẫn các doanh nghiệp làm thủ tục chấp thuận và
triển khai dự án đầu tư.
Điều 2.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các sở,
ngành, chính quyền địa phương và nhà đầu tư xem xét về vị trí, địa điểm thuê đất
trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh, đồng thời hướng dẫn chủ đầu
tư lập dự án khả thi.
Điều 3.
Quy định này áp dụng với các dự án đầu tư có nhu cầu
thuê đất ngoài Khu công nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Chương 2.
TRÌNH TỰ CHẤP THUẬN ĐẦU
TƯ
Điều 4.
4.1. Các
doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư đến Sở Kế hoạch và Đầu tư nộp hồ sơ dự án (danh
mục hồ sơ như phụ lục 1 kèm theo).
4.2. Nội dung của Dự án đầu tư gồm
các nội dung sau:
- Mục tiêu dự án.
- Quy mô của dự án.
- Địa điểm và diện tích đất xin
thuê để thực hiện dự án.
- Danh mục máy móc thiết bị và
quy trình công nghệ sản xuất.
- Tổng vốn đầu tư và nguồn vốn đầu
tư.
- Hiệu quả đầu tư và các giải
pháp vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ.
4.3. Khi nhận hồ sơ dự án, Sở Kế
hoạch và Đầu tư có phiếu nhận hồ sơ để giao lại cho nhà đầu tư. Trong thời gian
không quá 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ hồ sơ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến
hành thẩm định dự án theo những nội dung quy định ở Phụ lục 2. Ngay sau khi thẩm
định dự án, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Sở Địa chính, Sở Xây dựng và
UBND huyện, thành phố (trong đó có trưởng phòng địa chính huyện hoặc trưởng
phòng quản lý đô thị thành phố và cán bộ địa chính xã, phường) tổ chức xác
định mốc giới và tạm tính diện tích khu đất cho thuê để làm cơ sở chấp thuận đầu
tư.
Trong thời gian 5 ngày làm việc,
sau khi đã có đủ hồ sơ dự án do chủ đầu tư đã chỉnh sửa và số liệu xác định mặt
bằng thuê đất, Sở Kế hoạch và Đầu tư lập tờ trình về những nội dung đã thẩm định
để báo cáo lãnh đạo UBND tỉnh xem xét quyết định chấp thuận đầu tư. Trong thời
gian 5 ngày làm việc, kể từ khi có thông báo ý kiến đồng ý của lãnh đạo UBND tỉnh,
Văn phòng HĐND và UBND tỉnh trình lãnh đạo tỉnh ra Văn bản chấp thuận đầu tư.
Trong trường hợp dự án chưa được
chấp thuận, Văn phòng HĐND và UBND tỉnh có văn bản gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư và
các sở, ban, ngành có liên quan để thông báo và làm việc lại với nhà đầu tư.
Điều 5.
5.1. Sau
khi có Văn bản chấp thuận dự án đầu tư của UBND tỉnh, trong thời gian không quá
10 ngày làm việc, Sở Địa chính chủ trì đo đạc lập bản đồ địa chính và hướng dẫn
chủ đầu tư hoàn chỉnh thủ tục thuê đất (mẫu hồ sơ theo Quyết định 6123/QĐ-UB
ngày 25/12/2002 của UBND tỉnh) để trình UBND tỉnh quyết định thu hồi và
giao đất cho nhà đầu tư.
5.2. Trong thời gian không quá
10 ngày làm việc, kể từ khi có quyết định thu hồi đất, Sở Tài chính Vật giá chủ
trì cùng với các sở, ngành và chính quyền địa phương lập phương án đền bù giải
phóng mặt bằng trình UBND tỉnh phê duyệt.
Điều 6.
6.1. Sở Kế
hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với các sở, ngành và Ban giải phóng mặt bằng của địa
phương tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, thời gian hoàn thành không quá 15
ngày làm việc, từ khi có phương án đền bù giải phóng mặt bằng được duyệt.
6.2. Sau khi đền bù giải phóng mặt
bằng, Sở Địa chính chủ trì cùng với Phòng Địa chính các huyện, Phòng Quản lý đô
thị thành phố và UBND cấp xã tổ chức bàn giao đất cho chủ đầu tư và làm thủ tục
ký kết hợp đồng thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong thời gian
không quá 5 ngày làm việc.
Điều 7.
7.1. Sau
khi có quyết định giao đất, chủ đầu tư tiến hành lập thiết kế tổng mặt bằng và
thiết kế kỹ thuật của các hạng mục công trình theo quy định của Nhà nước trình
Sở Xây dựng thẩm định.
7.2. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm
thẩm định thiết kế tổng mặt bằng và thiết kế kỹ thuật trình lãnh đạo UBND tỉnh
phê duyệt và làm thủ tục cấp giấy phép xây dựng trong thời gian không quá 10
ngày làm việc.
Điều 8.
Việc sử dụng đất phải đảm bảo tiết kiệm, có hiệu quả
và đúng với thời gian quy định trong quyết định giao đất. Sở Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì cùng các sở, ngành và địa phương liên quan có trách nhiệm hướng dẫn,
giám sát quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư theo các nội dung đã được
chấp thuận và thường xuyên báo cáo UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo.
Nếu sau 1 năm kể từ khi có Văn bản
chấp thuận đầu tư, chủ đầu tư không triển khai thực hiện dự án, Sở Kế hoạch Đầu
tư phải báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định thu hồi chấp thuận đầu tư và quyết
định giao đất.
Chương 3.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 9.
Những vấn đề liên quan đến việc chấp thuận các dự án
đầu tư trong nước không đề cập trong bản quy định này đều thực hiện theo đúng
quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP
ngày 8/7/1999, Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 5/5/2000 và Nghị định số
07/2003/NĐ-CP ngày 30/1/2003 của Chính phủ và Luật đất đai.
Điều 10.
UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, giúp
đỡ và giám sát nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư từ khi lập dự án đến khi hoàn
thành việc triển khai xây dựng dự án.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có những nội dung cần sửa đổi, bổ sung, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tổng
hợp trình UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.
PHỤ LỤC 1
HỒ SƠ DỰ ÁN XIN CHẤP THUẬN ĐẦU TƯ
(Kèm theo Quyết định số 1019/2003/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2003 của UBND tỉnh)
Một bộ hồ sơ dự án xin chấp thuận
đầu tư gồm:
1. Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc
báo cáo đầu tư (bản thuyết minh và các bản vẽ).
2. Tờ trình đề nghị xin chấp thuận
dự án đầu tư.
3. Bản sao có công chứng Quyết định
thành lập doanh nghiệp (hoặc biên bản của các sáng lập viên thành lập doanh
nghiệp).
4. Bản sao có công chứng Giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh.
5. Thuyết minh về năng lực tài
chính và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 2 năm gần nhất.
(Chủ
đầu tư nộp 7 bộ hồ sơ dự án về Sở Kế hoạch và Đầu tư)
PHỤ LỤC 2
NỘI DUNG THẨM ĐỊNH DỰ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 1019/2003/QĐ-UB ngày 11 tháng 4 năm 2003 của UBND tỉnh)
1. Sự cần thiết và mục
tiêu dự án
- Sự cần thiết của dự án đầu tư
- Mục tiêu của dự án: loại sản
phẩm, dịch vụ;
2. Quy mô
- Công suất sản phẩm, dịch vụ;
- Tổng vốn đầu tư;
- Số lượng lao động;
3. Vị trí và diện tích đất
xin thuê
- Vị trí thực hiện dự án: Bản vẽ
sơ đồ khu vực xin thuê đất;
- Diện tích đất xin thuê: Bản vẽ
sơ đồ bố trí mặt bằng;
4. Các hạng mục đầu tư xây
dựng
- Danh mục máy móc thiết bị:
Tên, số lượng, thông số kỹ thuật, nước sản xuất, giá trị;
- Sơ đồ và quy trình công nghệ sản
xuất;
- Các hạng mục xây dựng, cấp điện,
cấp thoát nước;
5. Năng lực tài chính của
chủ đầu tư
- Nguồn vốn đầu tư:
+ Vốn tự có: vốn pháp định, tài
sản và tiền vốn hiện có;
+ Vốn huy động: các cam kết của
nguồn tham gia;
+ Vốn vay của các tổ chức tín dụng:
Cam kết hoặc khế ước cho vay.
- Kết quả sản xuất kinh doanh 2
năm gần đây;
6. Hiệu quả của dự án
- Hiệu quả kinh tế-xã hội;
- Hiệu quả tài chính;
- Thời gian hoàn vốn;
7. Tư cách chủ đầu tư
- Tư cách pháp nhân;
- Ngành nghề đăng ký kinh doanh;
8. Thời gian xây dựng và
đưa dự án vào hoạt động
9. Phương án bảo vệ môi
trường
- Xử lý chất thải rắn, khí, lỏng;
- Phòng chống cháy nổ.