KẾ HOẠCH
VỀ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI
VỚI CÔNG TÁC TƯ PHÁP NĂM 2006
(Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2006/QĐ-UBND ngày 27/3/2006 của UBND tỉnh
)
Thực hiện Chỉ thị số
01/2006/CT-BTP ngày 14/02/2006 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Nghị quyết về phương
hướng nhiệm vụ năm 2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và kế hoạch phát triển kinh tế-xã
hội 2006-2010, UBND tỉnh đề ra kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm quản lý
nhà nước đối với công tác tư pháp năm 2006 như sau:
I. Mục đích,
yêu cầu:
- Quán triệt nhận thức sâu sắc
đối với các cấp, các ngành về chủ trương, đường lối của Đảng về công tác tư
pháp, đặt biệt là Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải
cách tư pháp đến 2020, qua đó đề cao vai trò trách nhiệm phối hợp thực hiện đồng
bộ, hiệu quả từng chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách đề ra.
- Không ngừng củng cố, nâng cao
kỷ cương, hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực tư pháp đáp ứng kịp thời yêu
cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tỉnh.
- Ra sức kiện toàn tổ chức,
nâng cao năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ công chức tư pháp ở các cấp và bổ
trợ tư pháp ngày càng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
II. Những
nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung thực hiện:
1. Quán triệt sâu sắc Nghị quyết
số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chương trình
hành động của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh, xây dựng và triển khai tổ chức
thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp giai đoạn 2006-2010 của UBND tỉnh; Sở Tư
pháp, Công an tỉnh, UBND huyện thị xây dựng kế hoạch xác định nhiệm vụ, giải
pháp và bước đi cụ thể của từng ngành, từng địa phương mình; cấp tỉnh triển
khai trong tháng 3, cấp huyện tháng 4/2006.
2. Tiếp tục đẩy mạnh, nâng
cao chất lượng công tác xây dựng thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn
bản quy phạm pháp luật.
2.1. Tập trung nguồn lực ở các
Sở, ngành thực hiện hoàn thành dự kiến chương trình lập quy năm 2006 của UBND tỉnh
ban hành (16 Chỉ thị, 71 Quyết định) đảm bảo về chất lượng, tiến độ soạn thảo,
thẩm định theo đúng trình tự, quy định pháp luật, hợp hiến, hợp pháp và đảm bảo
tính khả thi. Sở Tư pháp, Văn phòng UBND tỉnh chủ trì hàng quý tổ chức sơ kết
rút kinh nghiệm, đề xuất điều chỉnh bổ sung chương trình lập quy cho phù hợp với
yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhằm từng bước giảm dần tỷ lệ và
tiến tới chấm dứt việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật ( QPPL)
nằm ngoài dự kiến chương trình lập quy đã thông qua. Từng ngành phải có kế hoạch
và biện pháp cụ thể củng cố nâng cao năng lực đội ngũ pháp chế ngành, cán bộ
chuyên trách gắn với sử dụng, phát huy đội ngũ cộng tác viên có trình độ chuyên
môn cao, kinh nghiệm trong thực tiễn vào công tác soạn thảo thẩm định văn bản
quy phạm pháp luật.
2.2. Tăng cường củng cố kiện
toàn về tổ chức và hoạt động rà soát, kiểm tra xử lý văn bản QPPL ở các cấp các
ngành theo tinh thần Chỉ thị số 02/2006/CT-UBND ngày 12/01/2006 của UBND tỉnh.
Sở Tư pháp chủ trì phối hợp các ngành cấp tỉnh và UBND huyện-thị tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 726/2006/QĐ-UBND ngày 03/3/2006 của
UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch rà soát văn bản QPPL giai đoạn 2001-2005; Quyết
định số 4877/2005/QĐ-UBND ngày 14/12/2005 về ban hành Kế hoạch rà soát văn bản
QPPL dân sự; Quyết định số 486/2004/QĐ-UB ngày 10/12/2004 về rà soát văn bản
QPPL kinh tế phục vụ việc gia nhập WTO. Đồng thời, tập trung kiểm tra và tự kiểm
tra các văn bản QPPL theo chuyên đề, lĩnh vực bức xúc như lĩnh vực đầu tư, đất
đai, bồi thường, giải tỏa…; thông qua đó kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị xử lý
những văn bản QPPL có mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp với tình hình kinh tế
xã hội, văn bản trái luật.
3. Tăng cường đẩy mạnh công
tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hướng xuống cơ sở, thật sự đi vào
cuộc sống, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ và nhân dân.
3.1. Thường xuyên củng cố kiện
toàn về tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác
phổ biến giáo dục pháp luật ở các cấp; chú trọng xây dựng 100% xã phường thị trấn
trong tỉnh đều có Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Tiếp
tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 2047/2004/QĐ-UB ngày 11/6/2004 của UBND
tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị 21-CT/TU của Tỉnh ủy về tăng cường sự
lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật; Quyết định
3841/2003/QĐ-UB ngày 03/11/2003 của UBND tỉnh ban hành chương trình phổ biến
giáo dục pháp luật giai đoạn 2003-2007. Trong quý II/2006, các cấp trong tỉnh
phải tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện 4 Đề án của chương
trình hành động quốc gia phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành
pháp luật cho cán bộ, nhân dân nhất là cán bộ, nhân dân ở xã phường thị trấn.
3.2. Các ngành phối hợp chặt chẽ
với đoàn thể ở các cấp tăng cường đổi mới các hình thức tuyên truyền phổ biến
giáo dục pháp luật. Tổ chức hội thi báo cáo viên giỏi ở từng cấp. Triển khai kịp
thời và tổ chức hội thi tìm hiểu các văn bản pháp luật mới. Tăng cường chuyên mục
pháp luật trên hệ thống phát thanh, truyền hình nhất là truyền thanh ở cơ sở. Tổ
chức rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hiệu quả về quản lý, khai thác tủ
sách pháp luật ở xã -phường -thị trấn. Đồng thời mở rộng xây dựng tủ sách, ngăn
sách pháp luật đều khắp ở các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị vũ
trang.
3.3. Tiếp tục thực hiện chương
trình quốc gia phòng chống tội phạm, trước mắt xây dựng theo hướng mỗi phường,
thị trấn đều có câu lạc bộ phòng chống tội phạm. Tổ chức thực hiện tốt chính
sách cho công tác hoà giải ở cơ sở theo Quyết định số 3870/2005/QĐ-UBND ngày
12/10/2005 của UBND tỉnh đảm bảo nâng cao tỷ lệ các vụ việc hòa giải thành từ
75% trở lên.
4- Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ
trong công tác thi hành án dân sự (THADS):
4.1. Tiếp tục củng cố nâng cao
vai trò của Ban chỉ đạo thi hành án dân sự ở các cấp, tham mưu cấp ủy Đảng,
chính quyền tăng cường chỉ đạo thực hiện có hiệu quả THADS theo tinh thần Chỉ
thị số 17-CT/TU ngày 08/9/2003 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Quyết định số
3840/2003/QĐ-UB ngày 10/11/2003 của UBND tỉnh.
4.2. Sở Tư pháp và các cơ quan
THADS phải chủ động, tích cực tham mưu UBND các cấp tổ chức thực hiện cao điểm
vận động quần chúng THADS từ 15/3-30/6/2006, nhằm huy động sức mạnh tổng hợp của
cả hệ thống chính trị tập trung giải quyết cơ bản số án dân sự tồn đọng, cần tập
trung tổ chức thi hành những vụ việc phức tạp, nổi cộm; giải quyết dứt điểm từng
đợt những vụ việc THADS thuộc diện được miễn giảm án phí, tiền phạt; triển khai
thực hiện hỗ trợ tài chính để THADS và mạnh dạn giải quyết vụ việc theo luật định.
Đảm bảo năm 2006 phải đạt chỉ tiêu 95% án có điều kiện thi hành được đưa ra thi
hành, trong đó thi hành xong hoàn toàn 75% về việc và 55% về tiền.
4.3. Xây dựng và triển khai thực
hiện tốt quy chế phối hợp giữa Giám đốc Sở Tư pháp và UBND huyện, thị trong
công tác quản lý cán bộ và hoạt động THADS nhằm từng bước kiện toàn tổ chức và
nâng cao hiệu quả hoạt động đội ngũ THADS, khắc phục tình trạng hụt hẫng, thiếu
cán bộ hiện nay ở các cơ quan THADS huyện thị.
5. Tăng cường quản lý nhà nước
và đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp:
5.1. Sở Nội vụ phối hợp cùng
các ngành chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức kiểm tra, khảo sát đánh giá rút kinh
nghiệm, đề xuất khắc phục những vấn đề vướng mắc, bất cập, bổ sung ngày càng
hoàn thiện cơ chế 1 cửa ở cấp huyện và xã (trong đó có lĩnh vực tư pháp).
5.2. Sở Tư pháp và Công an tỉnh
phối hợp hướng dẫn UBND các cấp tập trung giải quyết cơ bản vấn đề hộ tịch, quốc
tịch, hộ khẩu đối với Việt Kiều từ CPC trở về nước và phụ nữ CPC lấy chồng là bộ
đội Việt Nam theo Quyết định số 4576/QĐ-UBND ngày 24/11/2005 của UBND tỉnh,
hoàn thành trong quý I/2006.
5.3. Sở Tư pháp khẩn trương
tham mưu UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị định số
158/2005/NĐ-CP về đăng ký và quản lý hộ tịch có hiệu lực thi hành từ 01/4/2006.
Tổ chức tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ công chức tư pháp làm nhiệm vụ
hộ tịch ở cấp tỉnh, huyện, xã trong quý I/2006. Phối hợp Sở Nội vụ xây dựng đề
án kiện toàn tư pháp huyện, xã theo yêu cầu nhiệm vụ mới.
5.4. Sở Tư pháp, Công an tỉnh
và UBND các cấp tăng cường quản lý nhà nước về hôn nhân, gia đình có yếu tố nước
ngoài, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ kiên quyết loại trừ các hoạt động môi giới
trái pháp luật. Sở Nội vụ, Sở Tư pháp phối hợp và hỗ trợ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh
xúc tiến thành lập Trung tâm hỗ trợ kết hôn trong quý II/2006.
6. Về công tác bổ trợ tư
pháp:
6.1-. Sở Tư pháp phải
nâng cao vai trò quản lý nhà nước về tổ chức và hoạt động luật sư; phối hợp Ban
chủ nhiệm Đoàn luật sư xây dựng và triển khai đề án phát triển đội ngũ luật sư
giai đoạn 2006-2010 đáp ứng với yêu cầu cải cách tư pháp của tỉnh thời gian tới.
Phối hợp Sở Tài chính và Sở Nội
vụ tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ trên
lĩnh vực bán đấu giá tài sản theo quy định của Nghị định số 05/2005/NĐ-CP, đồng
thời kiện toàn củng cố tổ chức hoạt động Trung tâm dịch vụ bán đấu giá, phát
triển đội ngũ đấu giá viên để đáp ứng nhu cầu của xã hội.
6.2. Sở Tài nguyên và Môi trường
phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Nội vụ và các cơ quan hữu quan tham mưu UBND tỉnh tổ
chức triển khai thực hiện Thông tư số 05/2005/TTLT-BTNMT-BTP về đăng ký giao dịch
bảo đảm ngay trong tháng 5/2006, đồng thời kiến nghị các ngành TW sửa đổi những
quy định không phù hợp.
6.3. Tập trung chấn chỉnh và
tăng cường công tác quản lý nhà nước về giám định tư pháp theo tinh thần Pháp lệnh
giám định tư pháp và Nghị định số 67/2005/CP ngày 19/5/2005 của Chính phủ. Sở
Tư pháp phối hợp Sở Văn hoá -Thông tin nghiên cứu đề xuất giải thể Tổ chức giám
định tư pháp lĩnh vực văn hóa, đồng thời miễn nhiệm Giám định viên Trưởng của tổ
chức này. Sở Y tế phối hợp Sở Tư pháp thống nhất về mô hình tổ chức giám định
tư pháp trình UBND tỉnh thành lập Trung tâm Pháp y của tỉnh hoặc Phòng giám định
Pháp y của tỉnh cho phù hợp với điều kiện khả năng hiện nay.
Gắn với kiện toàn về tổ chức, Sở
Y tế, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh phối
hợp Sở Tư pháp tập trung rà soát củng cố và xây dựng đội ngũ giám định viên tư
pháp để đáp ứng yêu cầu hoạt động tố tụng; nơi nào đã hình thành đội ngũ này
thì rà soát làm thủ tục bổ nhiệm lại, đề nghị Bộ Tư pháp cấp thẻ theo quy định
pháp luật, nơi chưa có thì khẩn trương lựa chọn, bố trí nhân sự và đề nghị bổ
nhiệm giám định viên.
6.4. Tập trung thực hiện về quản
lý nhà nước trên lĩnh vực tư vấn pháp luật theo Nghị định số 65/2003/NĐ-CP ngày
11/6/2003 của Chính phủ, Sở Tư pháp phải thường xuyên tổ chức tập huấn nghiệp vụ
để công nhận tư vấn viên pháp luật, đồng thời tăng cường kiểm tra, hướng dẫn và
tạo điều kiện cho các tổ chức đang tồn tại đăng ký hoạt động theo đúng pháp luật,
tổ chức nào không đủ điều kiện và tiêu chuẩn thì kiên quyết đình chỉ.
6.5. Các Sở ngành cấp tỉnh,
UBND huyện, thị xã tiếp tục tổ chức quán triệt cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh
nhận thức về nội dung ba Nghị định số 59, 60, 61/CP của Chính phủ về thi hành
biện pháp giáo dục tại xã phường thị trấn; thi hành hình phạt cải tạo không
giam giữ và thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo. Sở Tư pháp phối hợp Công
an tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và các ngành liên quan xây dựng quy chế
phối hợp thực hiện trách nhiệm của gia đình, UBND xã, phường, thị trấn và tổ chức
xã hội trong việc tổ chức thi hành ba nghị định trên. Trước mắt tổ chức thí điểm
ở một số xã, phường, thị trấn, sau đó rút kinh nghiệm nhân ra toàn tỉnh.
7. Công tác trợ giúp pháp
lý:
7.1. Tổ chức tổng kết 8 năm thực
hiện Quyết định số 734/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và 3 năm thực hiện Chỉ thị
20/2003/CT-UB của UBND tỉnh về tăng cường hoạt động trợ giúp pháp lý cho người
nghèo và đối tưọng chính sách.
7.2. Tiếp tục kiện toàn tổ chức,
phát triển mạng lưới công tác viên trợ giúp pháp lý ở các cấp, các ngành; chú
trọng bồi dưỡng, hướng dẫn về nghiệp vụ không ngừng nâng cao vai trò và năng lực
tổ trợ giúp pháp lý các huyện, thị. Đa dạng hóa loại hình hoạt động trợ giúp
pháp lý, mở rộng đối tượng, địa bàn ở cơ sở, đặc biệt đối tượng là công nhân ở
các khu công nghiệp.
III. Tổ chức
thực hiện:
Trên cơ sở nội dung nhiệm vụ được
phân công, các Sở ngành, UBND huyện thị cụ thể hóa, bổ sung vào chương trình kế
hoạch công tác năm 2006 của ngành, địa phương và triển khai thực hiện.
Những nhiệm vụ có liên quan đến
Sở ngành khác thì đơn vị được phân công chủ trì phải chủ động xây dựng kế hoạch
phối hợp với Sở ngành tổ chức thực hiện đồng bộ, chặt chẽ.
Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc,
các tổ chức Đoàn thể, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp tham gia phối hợp cùng
các Sở ngành thực hiện có hiệu quả nội dung nhiệm vụ công tác tư pháp trên.
Sở Tư pháp có trách nhiệm theo
dõi, hướng dẫn,đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch nầy, kịp thời đề xuất
UBND tỉnh để xử lí vướng mắc và định kỳ báo cáo UBND tỉnh./.