Quyết định 10/2003/QĐ-UB phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang

Số hiệu 10/2003/QĐ-UB
Ngày ban hành 27/02/2003
Ngày có hiệu lực 14/03/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tiền Giang
Người ký Nguyễn Hữu Chí
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 10/2003/QĐ-UB

Mỹ Tho, ngày 27 tháng 02 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG ĐÔ THỊ VÀ KHU DÂN CƯ NÔNG THÔN TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

- Căn cứ quyết định 173/2001/QĐ-TTg ngày 6/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2001-2005;

- Căn cứ quyết định số 1548/QĐ-TTg ngày 5/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư tôn nền vượt lũ để xây dựng các cụm, tuyến dân cư Vùng ngập lũ ĐBSCL năm 2002;

- Căn cứ hồ sơ đồ án Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang đã được bổ sung hoàn chỉnh và được sự thoả thuận của Bộ xây dựng theo công văn số 54/BXD-KTQH ngày 13/1/2003;

- Xét đề nghị của giám đốc Sở xây dựng tại tờ trình số 54 ngày 19/02/2003 về việc xin phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị và dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Phạm vi và ranh giới lập quy hoạch:

Tỉnh Tiền Giang có diện tích tự nhiên 2366,6km2, gồm 9 đơn vị hành chính: Thành phố Mỹ Tho, Thị xã Gò Công. 7 huyện: Huyện Cái Bè, huyện Cai Lậy, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo, huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phước. Ranh giới lập quy hoạch được xác định như sau:

- Phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Long An và Thành phố Hồ Chí Minh.

- Phía Nam giáp tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long.

- Phía Đông giáp biển Đông

- Phía Tâv giáp tỉnh Đồng Tháp

2. Chức năng:

Tiền Giang là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng Sông Cửu Long giữ vai trò: Là trung tâm kinh tế (trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm); đầu mối giao thông quan trọng của vùng (về đường sông, đường biển và đường bộ và là cửa ngõ phía Bắc của vùng ĐBSCL.

3. Cơ sở hình thành và phát triển hệ thống đô thị và khu dân cư nông thôn

3.1. Cơ sở kinh tế - kỹ thuật:

Dự kiến đến năm 2020 cơ sở kinh tế-kỹ thuật chủ yếu hình thành các đô thị và khu dân cư nông thôn tỉnh Tiền Giang là: Công nghiệp chiếm 32,5%, dịch vụ chiếm 41,2% và nông lâm nghiệp chiếm 26,3%; trong đó:

- Hướng phát triển các cơ sở kinh tế kỹ thuật:

+ Xây dựng các khu công nghiệp tập trung như khu công nghiệp Mỹ Tho, khu công nghiệp trái cây (Ngũ Hiệp), khu công nghiệp Vàm Láng, khu công nghiệp Tân Hương và các cụm điểm công nghiệp khác gồm cụm công nghiệp Mỹ Tho, Gò Công, Tam Long (huyện Cai lậy), Bình Đức, Long Định (huyện Châu Thành), Mỹ Phước (huyện Tân phước); ngoài ra còn có các cụm điểm công nghiệp phân tán tại các huyện: Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông

+ Phát triển dịch vụ thương mại gắn với sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến, du lịch nhằm khai thác các thế mạnh về tài nguyên, thiên nhiên, các di tích lịch sử, truyền thống văn hoá.

+ Phát triển cây công nghiệp và cây ăn quả; khai thác các nguồn tài nguyên mặt nước, sông hồ và vùng nước lợ; phát triển và bảo vệ quỹ rừng.

3.2. Các vùng đặc trưng

Tỉnh Tiền Giang có thể phân thành 3 vùng đặc trưng về mặt kinh tế tự nhiên.

a) Vùng 1: Vùng kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp: Bao gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Chợ Gạo có diện tích tự nhiên 53.908,8ha; chiếm 22,8% diện tích toàn tỉnh.

Vùng 1 giữ vai trò trung tâm phát triển kinh tế - văn hoá - chính trị xã hội và đô thị của tỉnh Tiền Giang với các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở dịch vụ du lịch; đầu mối giao thông cấp vùng và tỉnh như quốc lộ 1, quốc lộ 60, tỉnh lộ 870; tỉnh lộ 864.

[...]