Quyết định 09/2009/QĐ-UBND phê duyệt đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành

Số hiệu 09/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/02/2009
Ngày có hiệu lực 07/03/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Đà Nẵng
Người ký Trần Văn Minh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 09/2009/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 25 tháng 02 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN GIẢM NGHÈO TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG GIAI ĐOẠN 2009 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ
Quyết định số 20/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Chỉ thị số 04/2006/CT-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ Về việc tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo;
Căn cứ Nghị quyết số 68/2008/NQ-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Hội đồng nhân thành phố khóa VII, nhiệm kỳ 2004 - 2009, kỳ họp thứ 12 Về nhiệm vụ năm 2009;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009 - 2015 với các nội dung chủ yếu như sau:

I. MỤC TIÊU, PHẠM VI VÀ QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO

1. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát

Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tốc độ nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân thành phố Đà Nẵng nói chung, những hộ hiện tại có cuộc sống khó khăn với mức thu nhập thấp nói riêng; để đến năm 2015 cơ bản không còn hộ có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng ở thành thị và 400.000 đồng/người/tháng ở nông thôn trở xuống. Theo kết quả điều tra, trong tổng số 170.268 hộ thì có 32.796 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 19,26% (Phụ lục số 1).

Đảm bảo cho mọi người dân có điều kiện tiếp cận, hưởng thụ những thành quả về hạ tầng cơ sở, văn hoá, giáo dục, y tế, an sinh xã hội ... và nâng cao dân trí, góp phần phát triển thành phố Đà Nẵng giàu mạnh, văn minh.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn năm 2009 - 2010

Tập trung các nguồn lực để giải quyết cơ bản một số mục tiêu và nhu cầu cấp bách:

+ Giảm ít nhất 40% số hộ nghèo trong chương trình; tương ứng giảm 3,50% - 4,50% hộ nghèo/tổng số hộ/năm.

+ Xoá ít nhất 80% nhà tạm cho hộ nghèo có đất ở ổn định.

+ Đảm bảo 100% hộ nghèo được tiếp cận hỗ trợ các nguồn lực và dịch vụ, nhất là y tế, giáo dục và vay vốn để làm ăn.

- Giai đoạn năm 2011 - 2015

+ Giảm 2,00% - 3,20% hộ nghèo/năm, đến 2015 cơ bản không còn hộ nghèo.

+ Chất lượng cuộc sống của hộ thu nhập thấp được nâng lên cả về vật chất và tinh thần; là cơ sở vững chắc cho việc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

2. Phạm vi

Về thời gian, Đề án thực hiện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2015; ưu tiên các mục tiêu cơ bản trong giai đoạn 2009 - 2010. Về xã hội, không những chỉ hộ nghèo mà toàn xã hội cần nhận thức một cách đầy đủ về sự nghèo đói và vai trò của công tác giảm nghèo; huy động đầu tư các nguồn lực xã hội, đảm bảo cho người nghèo được thụ hưởng bình đẳng các thành quả chung của xã hội để thoát nghèo bền vững.

3. Quan điểm chỉ đạo

a) Xem Đề án giảm nghèo là một nội dung quan trọng trong kế hoạch dài hạn về phát triển kinh tế - xã hội; mục tiêu của Đề án là mục tiêu chiến lược của quy hoạch kinh tế - xã hội của thành phố.

b) Tập trung trợ giúp cho người nghèo nhằm tạo điều kiện cho họ vượt qua được ngưỡng khó khăn mà tự họ không thể vượt qua trong một điều kiện nhất định, ở một thời điểm nhất định, chứ không trợ giúp lâu dài; người nghèo phải tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

c) Nhà nước có cơ chế, chính sách phù hợp để người nghèo tiếp cận tốt các nội dung hỗ trợ và là đầu mối tập trung hỗ trợ nguồn lực cho hộ nghèo.

d) Huy động các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng, các tổ chức chính trị - xã hội; tranh thủ và phát huy hiệu quả cao nhất mọi nguồn lực của xã hội để đầu tư hỗ trợ người nghèo có trọng tâm, trọng điểm.

đ) Ưu tiên nâng cao chất lượng nguồn lao động của hộ nghèo và nhận thức tự vươn lên của người nghèo; đồng thời, có sự can thiệp, cải thiện điều kiện lao động để cuộc sống của hộ thoát nghèo được ổn định bền vững lâu dài.

[...]