Chỉ thị 04/2008/CT-TTg về tăng cường chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 04/2008/CT-TTg
Ngày ban hành 25/01/2008
Ngày có hiệu lực 19/02/2008
Loại văn bản Chỉ thị
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
----------------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 04/2008/CT-TTg

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2008

 

CHỈ THỊ

VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH GIẢM NGHÈO

Xoá đói, giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình thực hiện công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước. Với sự tham gia hưởng ứng tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức quốc tế và đông đảo quần chúng nhân dân, trong giai đoạn 2001 - 2005 , thành tựu về xoá đói, giảm nghèo đã đạt dược kết quả tốt, cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, góp phần thực hiện phát triển ổn định và bền vững. Để phát huy các thành quả xoá đói, giảm nghèo đạt được, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010 và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi (Chương trình 135 giai đoạn II). Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh từ 17% năm 2000 xuống còn dưới 7% năm 2005; theo chuẩn mới tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 22% vào đầu năm 2006, đến nay còn khoảng 14,87%; bộ mặt các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt.

Tuy nhiên, công tác giảm nghèo đang còn nhiều khó khăn, thách thức, kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, tỷ lệ tái nghèo hàng năm còn cao, nhất là trong Điều kiện khi có thiên tai, bão lụt xảy ra, khả năng tự ứng cứu và phục hồi tại chỗ rất hạn chế; hàng vạn hộ nghèo còn đang phải sống trong nhà ở dột nát, không an toàn; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các khu vực, vùng khó khăn, vùng nghèo chưa có đủ Điều kiện để đột phá về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chênh lệch rất lớn: đến cuối năm 2006 còn 58 huyện có tỷ lệ nghèo trên 50%, trong đó có 27 huyện trên 60%, 10 huyện trên 70% và 01 huyện trên 80%; còn 3.006 xã có tỷ lệ nghèo trên 25%.

Để khắc phục những hạn chế, tồn tại trên, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, giải pháp giảm nghèo, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn mục tiêu về giảm tỷ lệ hộ nghèo theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã đề ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, thúc đẩy, khuyến khích ý chí quyết tâm vượt nghèo của mọi người dân; tiếp tục nghiên cứu tạo thêm các chính sách khuyến khích các hộ đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhất là ở các xã nghèo, vùng nghèo và từng hộ nghèo, người nghèo.

2. Tăng cường và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cấp xã, huyện, đặc biệt là các xã nghèo, các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Gắn kết thực hiện Chương trình giảm nghèo với thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường phân cấp cho cơ sở, tạo cho cơ sở chủ động trong quá trình lập kế hoạch, Điều hành quản lý các hoạt động của các chương trình giảm nghèo; không lấy lý do năng lực cán bộ xã yếu để trì hoãn việc phân cấp. Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số, phát triển nguồn nhân lực và mạng lưới tổ chức trợ giúp pháp lý tại cơ sở, đặc biệt là tại các xã vùng sâu, vùng xa, các xã đặc biệt khó khăn, bảo đảm người nghèo khi có nhu cầu đều được trợ giúp pháp lý miễn phí, giúp nâng cao nhận thức pháp luật, tích cực tham gia vào công tác giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

3. Đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; tăng cường quản lý đầu tư bằng việc chuyển dần hình thức chỉ định sang thực hiện đấu thầu, bảo đảm minh bạch, tiến tới có 100% số công trình của Chương trình 135 và các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo thực hiện đấu thầu vào năm 2010; phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng nghèo; nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

4. Đa dạng hoá các phương thức huy động nguồn lực và thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và Chương trình 135 giai đoạn II; ưu tiên trong việc bố trí nguồn lực, cấp vốn bảo đảm tiến độ, đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch, không để dàn trải, kéo dài đối với các xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số nghèo để tạo sự chuyển biến rõ nét. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các vùng nghèo, xã nghèo và nhận người nghèo vào làm việc, khuyến khích dạy nghề gắn với tạo việc làm trong nước hoặc xuất khẩu lao động. Lồng ghép mục tiêu giảm nghèo bền vững vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

5. Cải thiện việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo thông qua các chính sách, chương trình y tế, giáo dục, nước sinh hoạt, nhà ở, đất ở, hạ tầng phục vụ dân sinh; từng bước thu hẹp dần chênh lệch trong việc hưởng thụ dịch vụ công và phúc lợi xã hội, trong thu nhập và đời sống giữa thành thị và nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và định kỳ báo cáo sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo: đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; có cơ chế tạo Điều kiện để các tổ chức đoàn thể nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện. Địa phương nào để xảy ra hiện tượng tiêu cực, thất thoát lãng phí trong quản lý và sử dụng vốn của Chương trình, không hoàn thành kế hoạch được giao thì Chủ tịch ủy ban nhân dân địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ.

Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo có trách nhiệm phân công các thành viên theo dõi, giúp đỡ, kiểm tra, đánh giá, chỉ đạo và có biện pháp hỗ trợ một số địa bàn trong các vùng nghèo trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao thực hiện các chương trình giảm nghèo.

7. Tăng cường hợp tác quốc tế để huy động và sử dụng có hiệu quả sự hỗ trợ về kỹ thuật, kinh nghiệm và các nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo.

8. Nhiệm vụ cụ thể của một số Bộ, ngành như sau:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bổ sung kinh phí cho các chương trình giảm nghèo năm 2008 và các năm tiếp, trước hết là các dự án đầu tư cho 58 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 50% nhằm đạt được mục tiêu về đích trước hai năm theo chỉ đạo của Chính phủ;

- Nghiên cứu xây dựng, trình ban hành Chuẩn nghèo mới áp dụng cho các chương trình giảm nghèo giai đoạn 2011 - 2015;

- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan sửa đổi cơ chế, quy trình, thủ tục hỗ trợ dầu tư cơ sở hạ tầng xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; đôn đốc các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình giảm nghèo tập trung chỉ đạo rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách, các dự án, chỉ tiêu thuộc phạm vi Bộ, ngành mình phụ trách để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu của chương trình.

b) Ủy ban Dân tộc:

- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách đang thực hiện của Chương trình 135 giai đoạn II cho phù hợp với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và nâng cao hiệu quả Chương trình;

- Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan rà soát, các chương trình, dự án, cơ chế, chính sách đang triển khai liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đề xuất các Bộ, ngành liên quan sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi Bộ, ngành phụ trách để thực hiện đồng bộ với Chương trình 135 giai đoạn II;

- Tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình 135 giai đoạn II; thực hiện đồng bộ các chương trình, dự án trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi do Uỷ ban Dân tộc quản lý chỉ đạo với Chương trình 135 giai đoạn II; chỉ đạo quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn trong đó có nguồn vốn quốc tế hỗ trợ cho Chương trình.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát các chương trình, cơ chế, chính sách liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, trên cơ sở đó đề xuất sửa đổi, bổ sung những nội dung không còn phù hợp; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng Đề án quy hoạch, sắp xếp lại vùng dân cư, đầu tư các công trình phòng, chống lũ đặc biệt là khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện các chương trình giảm nghèo năm 2008 và các năm tiếp theo nhằm đạt được mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ.

d) Bộ Tài chính cân đối, bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện các chương trình giảm nghèo năm 2008 và các năm tiếp theo nhằm đạt được mục tiêu về đích trước 02 năm theo chỉ đạo của Chính phủ; chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và hoàn thiện cơ chế chuyển từ việc miễn giảm học phí, các khoản đóng góp đối với học sinh nghèo sang cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo.

đ) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành, nghề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006 - 2010; chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất của đồng bào các dân tộc trên địa bàn các xã thuộc Chương trình 135 giai đoạn II.

e) Bộ Y tế chủ trì, sửa đổi cơ chế, chính sách khám, chữa bệnh cho người nghèo theo hướng tăng thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế với thời hạn từ 02 năm trở lên và có cơ chế để hộ mới thoát nghèo trong thời hạn 02 năm đầu tiếp tục được hưởng chế độ ưu đãi về y tế.

g) Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, sửa đổi chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo đối với học sinh thuộc diện hộ nghèo trong Điều kiện đổi mới chính sách học phí và một số chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo ngoài miễn giảm học phí, các khoản đóng góp cho học sinh thuộc diện hộ nghèo ở vùng khó khăn như miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, kiên quyết không để tình trạng trẻ em bỏ học chỉ vì lý do nghèo; chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thực hiện tốt chính sách tín dụng và miễn giảm học phí cho học sinh nghèo theo quy định phân cấp công nhận hộ nghèo (cấp xã công nhận hộ nghèo).

h) Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở (ngoài Chương trình 134) nhất là vùng thường xuyên bị thiên tai; quy hoạch, sắp xếp lại dân cư vùng miền Trung thường xuyên bị thiên tai nhằm phòng tránh, hạn chế thiệt hại trên cơ sở kinh nghiệm, kết quả của chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư vượt lũ vùng đồng bằng sông Cửu Long.

[...]