ĐỀ ÁN
HỖ TRỢ ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ THUỘC CÁC CƠ SỞ CUNG ỨNG DỊCH
VỤ NGOÀI CÔNG LẬP
(Kèm theo Quyết định số 09/2007/QĐ-UBND ngày 14/3/2007 của UBND tỉnh)
Xã hội hóa là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước,
thực hiện tốt công tác xã hội hóa là góp phần vào việc thực hiện thắng lợi công
cuộc cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước.
Công tác xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế,
văn hoá thông tin, lao động - thương binh và xã hội, thể dục thể thao trên địa
bàn tỉnh trong thời gian qua bước đầu đã thu được những kết quả khả quan, đã
phát huy được sự đóng góp của xã hội và đang được thực hiện theo đúng chủ
trương của Đảng và Nhà nước.
Để hoạt động xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo
dục, y tế, văn hóa thông tin, lao động - thương binh và xã hội, thể dục thể
thao trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được kết quả tốt hơn nữa trong thời gian tới,
nhằm tạo ra được các sản phẩm, dịch vụ thực sự có chất lượng thì cần phải tăng
cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý
và cán bộ chuyên môn thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, đảm bảo
đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ theo quy định của ngành nghề hoạt động.
Với mục đích hỗ trợ cho các cơ sở cung ứng dịch
vụ ngoài công lập trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ,
UBND tỉnh xây dựng “Đề án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở cung
ứng dịch vụ ngoài công lập” nhằm làm cơ sở thực hiện, với những nội dung chính
sau:
1. Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 của
Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục
- thể thao.
2. Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của
Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ
ngoài công lập.
3. Thông tư số 91/2006/TT-BTC ngày 02/10/2006 của
Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 của
Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ
ngoài công lập.
4. Quyết định số 108/2006/QĐ-UBND ngày
01/11/2006 của UBND tỉnh ban hành Quy định về trình tự, thủ tục mở lớp đào tạo,
bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng.
Hỗ trợ về chủ trương mở lớp, cử cán bộ đi đào tạo,
bồi dưỡng và hỗ trợ về tài chính cho các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn, tạo
điều kiện để các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ cho cán bộ, đảm bảo đáp ứng yêu cầu về nghiệp vụ theo quy định của
ngành nghề hoạt động; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ sở cung ứng
dịch vụ ngoài công lập, góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả công cuộc cải
cách hành chính Nhà nước của tỉnh.
III. KHÁI QUÁT ĐẶC ĐIỂM TÌNH
HÌNH TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC CƠ SỞ CUNG ỨNG DỊCH VỤ NGOÀI CÔNG LẬP TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA
1. Lĩnh vực Lao động -Thương binh và Xã hội
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 02 cơ sở cung ứng
dịch vụ ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội
gồm: Trường Dạy nghề tư thục tỉnh (đóng trên địa bàn huyện Đồng Phú) và Trung
tâm dạy nghề Hà Long (đóng trên địa bàn huyện Lộc Ninh).
* Trường Dạy nghề tư thục tỉnh: tổng cộng có 24
cán bộ, nhân viên (02 cán bộ quản lý, 22 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ).
* Trung tâm Dạy nghề Hà Long: tổng cộng có 06
cán bộ, nhân viên (01 cán bộ quản lý, 05 cán bộ chuyên môn nghiệp vụ).
2. Lĩnh vực Văn hóa Thông tin
Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đang
hoạt động trong lĩnh vực Văn hóa Thông tin gồm: 50 cơ sở kinh doanh băng đĩa nhạc,
sân khấu, 37 cơ sở bán, cho thuê băng đĩa phim, 187 cơ sở kinh doanh Karaoke,
02 cơ sở tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, biểu diễn nghệ thuật.
Theo pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ
cấu tổ chức nhân sự cũng như chưa quy định tiêu chuẩn trình độ của đội ngũ cán
bộ quản lý và cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ sở cung ứng dịch vụ
ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực Văn hoá Thông tin.
3. Lĩnh vực Thể dục Thể thao
Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đang
hoạt động trong lĩnh vực Thể dục Thể thao gồm có 27 cơ sở là các câu lạc bộ võ
thuật, thể hình, hồ bơi, câu lạc bộ cầu lông, patin, thể dục thẩm mỹ.
Cơ cấu tổ chức nhân sự: 27 cán bộ quản lý, 49
cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ.
Cán bộ quản lý các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài
công lập hoạt động trong lĩnh vực Thể dục Thể thao là các huấn luyện viên hoặc
chủ nhà kiêm nhiệm; hiện tại pháp luật chưa quy định tiêu chuẩn trình độ đối với
cán bộ quản lý các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập hoạt động trong lĩnh vực
này, đối với cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ phải là các huấn luyện viên, hướng dẫn
viên.
4. Lĩnh vực Y tế
Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đang
hoạt động trong lĩnh vực Y tế gồm: 352 cơ sở hành nghề y tư nhân, 69 cơ sở hành
nghề y dược học cổ truyền tư nhân, 203 cơ sở hành nghề dược tư nhân và 01 cơ sở
hành nghề văcxin, sinh phẩm y tế tư nhân. Trong đó có 02 cơ sở hoạt động theo
hình thức doanh nghiệp (hoạt động theo Luật Doanh nghiệp), còn lại các cơ sở
cung ứng dịch vụ ngoài công lập khác hoạt động theo hình thức hộ kinh doanh cá
thể.
5. Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo
Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đang
hoạt động trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo gồm: 01 Trường Trung học Dân lập
Kinh tế - Kỹ thuật (gồm 01 Hiệu trưởng, 14 giáo viên cơ hữu và 18 giáo viên hợp
đồng); 16 cơ sở dạy tin học, ngoại ngữ (trong đó, mỗi cơ sở có 01 cán bộ quản
lý, cơ sở dạy ngoại ngữ có từ 01 đến 02 giáo viên, cơ sở dạy tin học có từ 02
giáo viên trở lên) và 12 trường, cơ sở giáo dục mầm non thuộc hệ tư thục, dân lập
(với tổng số 70 cán bộ quản lý và chuyên môn).
* Nhận xét chung
- Về hoạt động: Nhìn chung, bước đầu công tác xã
hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và thể dục thể thao trên địa
bàn tỉnh đã thu được những kết quả khả quan, đã phát huy được sự đóng góp của
xã hội. Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập hoạt động dưới nhiều hình thức
đa dạng, phong phú. Công tác xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục,
y tế, văn hóa xã hội và thể dục thể thao trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện
theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Về tổ chức nhân sự: Đội ngũ cán bộ quản lý và
chuyên môn, nghiệp vụ đang làm việc trong các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công
lập thuộc các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa xã hội và thể dục thể thao trên
địa bàn tỉnh hầu hết đã được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với
lĩnh vực công tác.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của
công tác chuyên môn thì đội ngũ cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài
công lập cần phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, cụ thể là đào tạo,
bồi dưỡng về trình độ quản lý cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý và đào tạo,
bồi dưỡng cập nhật, nâng cao trình độ về chuyên môn, nghiệp vụ, những tiến bộ
khoa học kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ chuyên môn.
Mặc dù theo quy định của nhà nước, các cơ sở
cung ứng dịch vụ ngoài công lập hoạt động trên nguyên tắc tự bảo đảm kinh phí bằng
vốn ngoài ngân sách nhà nước. Song, để tạo điều kiện cho các cơ sở cung ứng dịch
vụ ngoài công lập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nhằm nâng cao trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu công tác, tạo ra các sản phẩm, dịch vụ
có chất lượng, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung thì tỉnh cần
thiết phải có chính sách cụ thể để hỗ trợ thêm.
Các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập được
thành lập và hoạt động theo quy định tại Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày
25/5/2006 của Chính phủ, bao gồm: cơ sở dân lập và tư nhân (tư thục) hoạt động
trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa thông tin, thể thao, khoa học
công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp, thoát nước và hoạt động môi trường
khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô đơn, người tàn tật, cơ sở cai nghiện
ma túy), cơ sở dân số, gia đình và trẻ em.
Chính sách hỗ trợ theo Đề án này không áp dụng đối
với các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập do tổ chức, cá nhân thành lập hoạt
động theo Luật Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn
hóa thông tin, thể thao, khoa học công nghệ, môi trường (vệ sinh môi trường, cấp,
thoát nước và hoạt động môi trường khác), xã hội (cơ sở chăm sóc người già cô
đơn, người tàn tật, cơ sở cai nghiện ma túy), cơ sở dân số, gia đình và trẻ em.
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao
trình độ, đáp ứng yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định của ngành nghề hoạt
động, các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các sở quản lý chuyên ngành đối
với cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập (sau đây gọi tắt là các sở quản lý
chuyên ngành) xây dựng kế hoạch, chủ động thực hiện các hình thức đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, UBND tỉnh có
chính sách hỗ trợ để đào tạo, bồi dưỡng, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ về chủ trương mở lớp
a) Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có
sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước:
Căn cứ vào nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ,
các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các sở quản lý chuyên ngành xây dựng
kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm gửi về Sở Nội vụ trước tháng 9 hàng
năm, Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh quyết định
về chủ trương. Trên cơ sở chủ trương của UBND tỉnh, các cơ sở cung ứng dịch vụ
ngoài công lập, các Sở quản lý chuyên ngành chủ động tổ chức thực hiện việc đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ngoài ra, UBND tỉnh có thể hỗ trợ việc tổ chức đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong trường
hợp các lớp đào tạo, bồi dưỡng do tỉnh mở phù hợp với nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
b) Đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
không sử dụng kinh phí hỗ trợ của Nhà nước:
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ
nhằm nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ theo quy định của ngành, nghề
hoạt động, các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các sở quản lý chuyên
ngành chủ động tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ.
2. Hỗ trợ về tài chính
a) Mức hỗ trợ kinh phí mở lớp đào tạo, bồi dưỡng:
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và
nhu cầu hỗ trợ kinh phí để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở
cung ứng dịch vụ ngoài công lập, các sở quản lý chuyên ngành xây dựng kế hoạch
đào tạo, bồi dưỡng và dự kiến kinh phí đào tạo, bồi dưỡng theo từng năm gửi Sở
Nội vụ vào tháng 9 hàng năm. Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định kế hoạch đào tạo,
bồi dưỡng, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng
đã được UBND tỉnh phê duyệt, tỉnh sẽ có chính sách hỗ trợ kinh phí để các sở quản
lý chuyên ngành và các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập chủ động thực hiện
kế hoạch. Mức hỗ trợ cụ thể như sau:
Hỗ trợ 50% kinh phí mở lớp đào tạo, bồi dưỡng
cho cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, phần còn lại do cơ
sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập chi trả (chi phí này được tính vào chi phí hợp
lệ của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo quy định) hoặc do học
viên tự chi trả. Kinh phí mở lớp này bao gồm:
- Chi thù lao giảng viên; chi cho việc đi lại,
ăn ở của giảng viên;
- Chi tài liệu học tập;
- Chi tổ chức lớp học như: tiền thuê hội trường,
phòng học, thiết bị phục vụ học tập; biên soạn chương trình, giáo trình giảng dạy;
chi ra đề thi, coi thi, chấm thi; tiền điện, tiền nước, văn phòng phẩm, chi phục
vụ trông xe; chi tổ chức cho học viên đi khảo sát, thực tế; chi tiền thuốc y tế
thông thường cho học viên; chi phí ăn ở cho cán bộ quản lý lớp của cơ sở đào tạo
trong trường hợp phải tổ chức lớp ở xa cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
b) Mức hỗ trợ kinh phí cử cán bộ đi đào tạo (chỉ
áp dụng đối với trường hợp cử cán bộ đi đào tạo sau đại học)
Trường hợp các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công
lập có nhu cầu cử cán bộ đi đào tạo trình độ sau đại học sẽ được tỉnh hỗ trợ
50% tiền học phí (theo phiếu thu của cơ sở đào tạo).
Điều kiện hưởng trợ cấp: cán bộ đi học phải được
UBND tỉnh ra quyết định cử đi học theo đúng quy trình tại Quy định về trình tự,
thủ tục mở lớp đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo,
bồi dưỡng (ban hành kèm theo Quyết định 108/2006/QĐ-UBND ngày 01/11/2006 của
UBND tỉnh); có cam kết phục vụ lâu dài tại cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập
trước khi đi học (thời gian phục vụ sau khi tốt nghiệp ít nhất phải gấp 03 lần
thời gian đào tạo). Trong thời gian đi học, nếu học viên tự ý bỏ học hoặc sau
khi tốt nghiệp ra trường mà tự ý bỏ việc khi chưa hết thời hạn cam kết phục vụ
thì phải bồi thường kinh phí đào tạo theo quy định hiện hành của Nhà nước.
c) Phương thức hỗ trợ
Căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập hàng năm do các sở quản lý
chuyên ngành lập (sau khi đã được UBND tỉnh phê duyệt), Sở Tài chính bố trí
ngân sách và giao dự toán để hỗ trợ chi phí đào tạo, bồi dưỡng cho các cơ sở
cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong năm theo kế hoạch.
Căn cứ vào dự toán chi đào tạo, bồi dưỡng được
thông báo hỗ trợ hàng năm, cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập ứng chi phí
đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động do cơ sở trả lương khi cử đi học. Căn cứ
vào số chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công
lập thực tế phát sinh theo yêu cầu, hàng quý, năm cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài
công lập gửi báo cáo cơ quan Tài chính cùng cấp đề nghị hỗ trợ kinh phí đào tạo,
bồi dưỡng.
Sở Tài chính, Phòng Tài chính căn cứ vào đề nghị
của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trình cấp có thẩm quyền cấp hỗ trợ
kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập theo chế
độ hiện hành của Nhà nước.
d) Nguồn kinh phí hỗ trợ: từ nguồn kinh phí đào
tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh.
Để triển khai thực hiện tốt việc hỗ trợ cho các
cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
theo nội dung Đề án này, cần thực hiện tốt hai giải pháp chính như sau:
1. Tăng cường tính chủ động của các cơ sở cung ứng
dịch vụ ngoài công lập, các Sở quản lý chuyên ngành trong công tác lập quy hoạch,
kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ
ngoài công lập.
2. Cân đối, bố trí và phân bổ hợp lý nguồn kinh
phí hỗ trợ cho các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, đảm bảo đủ kinh phí để
hỗ trợ các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập trong công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ.
1. Sở Nội vụ: chịu trách nhiệm tổng hợp,
thẩm định, tham mưu UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hàng
năm của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập; tham mưu UBND tỉnh trong việc
cử cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập đi học sau đại học.
2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư
Sở Tài chính và Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách
nhiệm cân đối kinh phí, tổ chức phân bổ kinh phí hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho
các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập, đảm bảo nguồn kinh phí cho việc thực
hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài
công lập.
3. Các sở quản lý chuyên ngành
Căn cứ vào Đề án này, các Sở quản lý chuyên
ngành chủ động chỉ đạo các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập thực hiện tốt
công tác lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo cán bộ; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi
dưỡng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; chủ động tổ chức thực hiện các hình thức
đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thuộc các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo về UBND tỉnh để có hướng xử lý.
Việc sửa đổi, bổ sung Đề án này do Giám đốc Sở Nội
vụ, Giám đốc Sở Tài chính và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng các
ngành liên quan trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.