Thứ 3, Ngày 29/10/2024

Quyết định 08/2009/QĐ-UBND về đề án quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam đến năm 2015

Số hiệu 08/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 21/04/2009
Ngày có hiệu lực 06/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2009/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 21 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN “QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC LỢ THEO HƯỚNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TẠI QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 224/1999/QĐ-TTg ngày 08/12/1999 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình NTTS đến năm 2010;

Căn cứ Quyết định số 126/2005/QĐ-TTg ngày 01/06/2005 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích phát triển nuôi trồng thuỷ hải sản trên biển và hải đảo;

Căn cứ Quyết định số 10/2006/QĐ-TTg ngày 11/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 2855/QĐ-UBND ngày 12/09/2007 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Căn cứ Nghị quyết 82/2007/NQ-HĐND ngày 25/4/2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh về tiếp tục phát triển kinh tế thủy sản Quảng Nam giai đoạn 2007-2010;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp &PTNT tại tờ tình số: 109/TTr-NN&PTNT ngày 24 tháng 3 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Đề án “Quản lý nuôi trồng thủy sản nước lợ theo hướng dựa vào cộng đồng tại Quảng Nam đến năm 2015”.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở Nông nghiệp &PTNT, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Núi Thành, Tam Kỳ, Thăng Bình, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

ĐỀ ÁN

QUẢN LÝ NUÔI TRỒNG THỦY SẢN NƯỚC LỢ THEO HƯỚNG DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG TẠI QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08/2009/QĐ-UBND ngày 21 / 4 /2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)

SỰ CẦN THIẾT PHẢI XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nuôi thủy sản nước lợ tại Quảng Nam tập trung ở 6 huyện, thành phố ven biển, dọc theo các sông chính: Trường Giang, Thu Bồn và Tam Kỳ. Diện tích nuôi thủy sản nước lợ năm 2005 trên toàn tỉnh khoảng 2.500 ha, trong đó nuôi tôm sú chiếm trên 95% diện tích, còn lại là nuôi các đối tượng khác. Đến năm 2007, diện tích nuôi thủy sản nước lợ còn 2.400 ha và đến năm 2008, diện tích giảm xuống chỉ còn khoảng 2.000 ha. Một trong những nguyên nhân làm giảm diện tích nuôi thủy sản nước lợ là do môi trường nuôi tôm sú bị thoái hoá, xuống cấp nên một số nông hộ không đầu tư nuôi tiếp; mặt khác, một số ao nuôi bị ảnh hưởng do qui hoạch của các ngành kinh tế khác nên đã làm giảm diện tích nuôi thủy sản nước lợ.

Tuy nhiên, từ năm 2007, 2008; những hộ có điều kiện về kinh tế đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng và đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, từ 200 ha nuôi năm 2006, đến năm 2008 diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng là 880 ha, tổng sản lượng NTTS nước lợ đạt 8.500 tấn, đạt 243% kế hoạch năm và doanh thu khoảng 397 tỷ đồng.

Tổng số hộ tham gia vào nuôi tôm nước lợ hiện có khoảng 6.700 hộ với diện tích ao nuôi trung bình từ 3.000 - 4.000 m2/hộ. Những năm qua, nghề nuôi tôm nước lợ đã góp phần không nhỏ vào việc giải quyết công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho cư dân ven sông, ven biển và có rất nhiều hộ giàu lên từ nghề nuôi thủy sản nước lợ, bộ mặt nông thôn ven biển ngày càng có sự thay đổi rõ rệt.

Song, quá trình phát triển nuôi tôm phần nhiều có tính tự phát, vấn đề lấy và xả nước trong thời gian nuôi phần nhiều là mạnh ai nấy làm, việc tranh chấp giữa các nông hộ trong quá trình sản xuất còn xảy ra. Khi ao có tôm nuôi bị dịch bệnh, những nông hộ thường tự ý thải nước ra môi trường bên ngoài mà chưa được xử lý, ...do đó, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất dễ xảy ra đối với tôm nuôi.

Một thực tế hiện nay là những người nuôi tôm của tỉnh Quảng Nam đang gặp nhiều thách thức, đó là:

- Giá trị con tôm sú ngày càng giảm;

- Giá sản phẩm đầu vào tăng cao;

- Chất lượng nguồn nước trong các ao nuôi ngày càng khó kiểm soát;

[...]