Quyết định 06/2007/QĐ-UBND Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 06/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/01/2007
Ngày có hiệu lực 01/02/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Nguyễn Hữu Tín
Lĩnh vực Bất động sản,Bộ máy hành chính,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
*******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 06/2007/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 01 năm 2007

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại các Công văn số 7785/STC-BVG ngày 07 tháng 9 năm 2006, số 8112/STC-BVG ngày 15 tháng 9 năm 2006, số 10416/STC-BVG ngày 21 tháng 11 năm 2006; của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 5925/SKHĐT-KT ngày 23 tháng 11 năm 2006; của Sở Thương mại tại Công văn số 5265/STM-QLTMDV ngày 17 tháng 11 năm 2006; của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 11066/TNMT-ĐKKTĐ ngày 17 tháng 11 năm 2006; của Sở Tư pháp tại Công văn số 4059/STP-VB ngày 19 tháng 12 năm 2006 và của Ủy ban nhân dân các quận - huyện về ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc đầu tư xây dựng chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
,

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái bố trí khi di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quy hoạch trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Danh sách các chợ phải chấm dứt hoạt động hoặc đầu tư xây dựng chợ, do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Đối với mười (10) chợ bán buôn nông sản thực phẩm di dời theo Quyết định số 1549/QĐ-UB ngày 21 tháng 4 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố vẫn tiếp tục áp dụng theo chính sách quy định tại Quyết định số 83/2003/QĐ-UB ngày 20 tháng 5 năm 2003 của Ủy ban nhân dân thành phố, không áp dụng hoặc điều chỉnh theo Quy định của Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Thương mại, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Giao thông - Công chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Công an thành phố, Giám đốc Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức khác, các cá nhân kinh doanh tại các chợ phải di dời chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Tín

 

QUY ĐỊNH

VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI BỐ TRÍ KHI DI DỜI, CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG HOẶC CẢI TẠO, ĐẦU TƯ XÂY DỰNG LẠI CHỢ THEO QUY HOẠCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
 (Ban hành kèm theo Quyết định số 06/2007/QĐ-UBNDngày 22 tháng 01 năm 2007 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương 1:

PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG VÀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ

1. Phạm vi: Áp dụng cho các chợ phải di dời, chấm dứt hoạt động hoặc cải tạo, đầu tư xây dựng lại chợ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

2. Đối tượng được bồi thường, hỗ trợ:

- Cán bộ, công nhân viên thuộc Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ.

- Các bộ phận phục vụ khác: các đơn vị, cá nhân hoạt động dịch vụ cân hàng hóa, bốc xếp, thu viên.

- Các đơn vị, cá nhân có điểm kinh doanh cố định (quầy hàng, sạp hàng, ki ốt, cửa hàng được bố trí cố định trong phạm vi chợ), thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và có mã số thuế.

- Ngoài các trường hợp nêu trên, tùy tình hình cụ thể của địa phương Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện xem xét, quyết định phương án hỗ trợ phù hợp cho các đối tượng khác (như là người buôn bán nhỏ, lẻ không có điểm kinh doanh cố định nhưng đã trực tiếp kinh doanh ổn định với thời gian liên tục từ 02 năm trở lên, có thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước,...).

3. Đối tượng không được bồi thường, hỗ trợ:

Các đơn vị, cá nhân không thuộc đối tượng được bồi thường, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều này.

1. Đối các chợ được xây dựng trên đất do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc xây dựng trên đất do Nhà nước đã giao cho đơn vị của Nhà nước hoặc cho Ban Quản lý chợ hoặc doanh nghiệp quản lý chợ mà không phải nộp tiền sử dụng đất, khi Nhà nước thu hồi sẽ không tính bồi thường, hỗ trợ về đất.

2. Đối với những chợ được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc do nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường, hỗ trợ về đất theo quy định của pháp luật hiện hành.

1. Đối với giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh:

a) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác được đầu tư bằng nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước: không tính bồi thường, hỗ trợ.

b) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác do các đơn vị, cá nhân tự đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn không thuộc ngân sách Nhà nước, không thể tháo rời và di chuyển thì tính bồi thường cho đơn vị, cá nhân đó. Trường hợp do các đơn vị, cá nhân góp vốn thì tính bồi thường, hỗ trợ cho các đơn vị, cá nhân góp vốn đó theo quy định.

c) Đối với các điểm kinh doanh, nhà lồng chợ và tài sản khác có thể tháo dỡ và di chuyển được, thì chỉ tính bồi thường chi phí tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại và thiệt hại khi tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt lại.

d) Việc tính bồi thường, hỗ trợ đối với giá trị xây dựng nhà lồng chợ, điểm kinh doanh được xác định theo đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình do Ủy ban nhân dân thành phố ban hành hoặc theo giá trị quyết toán công trình.

- Mức bồi thường các điểm kinh doanh của các hộ tiểu thương tự xây dựng được tính bằng 100% đơn giá xây dựng mới của nhà, công trình theo quy định.

- Đối với nhà lồng chợ thì mức bồi thường được xác định theo hiện trạng bằng tỷ lệ (%) giá trị còn lại nhân với đơn giá xây dựng mới theo quy định.

[...]