QUY ĐỊNH
VỀ VIỆC MỨC HỖ TRỢ KHÁM, ĐIỀU TRỊ NGHIỆN CÁC CHẤT DẠNG THUỐC PHIỆN BẰNG
THUỐC THAY THẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Kèm theo Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND
ngày 14/4/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy định này quy định cụ thể mức hỗ
trợ và công tác quản lý, sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước trong hỗ trợ khám, điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế trên địa bàn tỉnh Đồng
Nai.
2. Trường hợp các đơn vị sử dụng vốn
viện trợ không hoàn lại hoặc nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và
ngoài nước thì thực hiện theo hướng dẫn riêng của nhà tài trợ hoặc theo quy định
của cơ quan chủ quản sau khi có sự thỏa thuận của đại diện nhà tài trợ và Bộ
Tài chính (nếu có); trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện nhà tài trợ và Bộ Tài
chính không có quy định riêng thì áp dụng theo Quy định này.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc
phiện trong cơ sở điều trị nghiện ma túy, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo
dưỡng, trại giam, trại tạm giam.
2. Người tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc
phiện tại các cơ sở điều trị công lập gồm:
a) Thương binh;
b) Người bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ thương
tật trên 81%;
c) Người nghèo;
d) Người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa;
đ) Trẻ em mồ côi;
e) Người khuyết tật nặng và đặc biệt.
Chương II
NỘI DUNG, MỨC HỖ
TRỢ, LẬP, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ
Điều 3. Nội dung hỗ trợ
1. Khám sức khỏe (khám bệnh, kiểm tra sức khỏe và thực hiện các xét nghiệm cần
thiết) trước và trong quá trình điều trị
nghiện theo quy trình điều trị nghiện do
Bộ trưởng Bộ Y tế quy định và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, điều trị nghiện
do cơ quan có thẩm quyền quyết định đối với cơ sở y tế công lập.
2. Thuốc điều trị nghiện theo chỉ định
của bác sĩ, phù hợp với hướng dẫn về chuyên môn của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 4. Mức hỗ trợ
1. Ngân sách Nhà nước hỗ trợ:
a) 100% chi phí khám sức khỏe, thuốc
điều trị nghiện cho các đối tượng là người tham gia điều trị nghiện trong cơ sở
điều trị điều trị nghiện ma túy, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, trại
giam, trại tạm giam được quy định tại Khoản 1, Điều 2 Quyết
định này.
b) 95% chi phí khám sức khỏe, thuốc
điều trị nghiện cho các đối tượng là người tham gia điều trị nghiện tại các cơ
sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế công lập thuộc các
đối tượng quy định tại Khoản 2, Điều 2 Quyết định này.
c) Mức chi phí khám sức khỏe được thực
hiện theo quy định hiện hành.
2. Ngân sách Nhà nước không tiếp tục
hỗ trợ các đối tượng quy định tại Điều 2 trong trường hợp:
a) Người bệnh không tuân thủ quy định
chuyên môn của cơ sở điều trị;
b) Người đang
tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có hành vi vi phạm quy chế, nội
quy của cơ sở điều trị, người đứng đầu cơ sở điều trị có trách nhiệm nhắc nhở
hoặc phê bình người đó;
c) Người đang
tham gia điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện có xét nghiệm dương tính với chất
dạng thuốc phiện từ 02 lần trở lên (trừ thuốc điều trị thay thế) sau khi đã đạt
liều điều trị duy trì từ 12 tháng trở lên thì bị chấm dứt điều trị nghiện chất
dạng thuốc phiện;
d) Được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khác
trong cùng một nội dung chi.
Điều 5. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí bố trí trong dự toán chi
ngân sách Nhà nước hàng năm của các đơn vị, trong đó:
a) Bố trí trong dự toán chi sự nghiệp
đảm bảo xã hội đối với các cơ sở điều trị do cơ quan lao động thương binh xã hội
quản lý;
b) Bố trí trong dự toán chi quốc
phòng, an ninh đối với các cơ sở điều trị do cơ quan công an, quốc phòng quản
lý;
c) Bố trí trong dự toán chi sự nghiệp
y tế đối với các cơ sở điều trị do ngành y tế và các ngành khác quản lý (trừ
trường hợp nêu tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1 Điều này).
2. Kinh phí thực hiện Chương trình mục
tiêu Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015.
3. Nguồn vốn viện trợ không hoàn lại
hoặc nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Điều 6. Lập, phân
bổ, chấp hành và quyết toán
1. Lập, phân bổ và giao dự toán:
a) Hàng năm, cùng thời gian quy định
lập dự toán ngân sách Nhà nước, căn cứ vào nội dung, mức hỗ trợ quy định tại
Quy định này và dự kiến số người đăng ký tham gia điều trị nghiện (bao gồm cả đối
tượng chuyển tiếp từ các cơ sở điều trị khác), các cơ sở điều trị lập dự toán
kinh phí khám sức khỏe, điều trị nghiện gửi cơ quan chủ quản cấp trên để:
- Tổng hợp vào dự toán chi Chương trình mục tiêu Quốc gia phòng chống HIV/AIDS
giai đoạn 2012 - 2015 theo quy định tại Thông tư Liên tịch
số 163/2012/TTLT-BTC-BYT ngày 08/10/2012 của Bộ Tài chính, Bộ Y tế quy định quản
lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc
gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012 - 2015;
- Tổng hợp trong dự toán ngân sách địa
phương gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp,
trình cấp có thẩm quyền quyết định.
b) Căn cứ dự toán kinh phí được giao,
Sở Tài chính thực hiện phân bổ, giao dự toán cho các cơ sở điều trị trực thuộc
theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn luật.
2. Quyết toán kinh phí:
Hàng năm, cùng thời gian quy định lập,
gửi báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước, các cơ sở điều trị có trách nhiệm lập
và gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan chủ quản cấp trên; cơ quan chủ quản có
trách nhiệm xét duyệt và tổng hợp vào quyết toán chung của cơ quan mình để quyết
toán với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 7. Trách nhiệm
của các sở, ban, ngành
1. Sở Y tế
a) Chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện.
b) Chủ trì, phối
hợp với các sở, ban, ngành và các đơn vị, tổ chức có liên quan vận động, huy động
các nguồn vốn khác để hỗ trợ cho các đối tượng khám, điều trị nghiện các chất dạng
thuốc phiện bằng thuốc thay thế.
2. Sở Tài chính
Bố trí kinh phí thực hiện chương
trình theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước hiện hành.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành
liên quan, các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở điều trị nghiện ma túy, cơ sở cai
nghiện tự nguyện thuộc thẩm quyền quản lý tuyên truyền vận động các đối tượng
tham gia chương trình điều trị sau khi ra trại tái hòa nhập cộng đồng. Giới thiệu
người sau cai đến các điểm triển khai trên địa bàn tỉnh để người bệnh được biết
và chủ động tham gia.
b) Phối hợp với Sở Y tế tổ chức điều
trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế (Methadone) cho các đối tượng nghiện tại cơ sở điều trị nghiện ma túy thuộc
quyền quản lý.
4. Công an tỉnh
a) Phối hợp chỉ đạo công an các huyện,
thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa trong việc tuyên truyền, vận động đối
tượng tham gia chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Phối hợp
với ngành y tế và lao động - thương binh và xã hội, các cơ sở điều trị Methadone
giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại các địa bàn có cơ sở điều trị.
b) Chỉ đạo các lực lượng liên quan nắm
chắc tình hình, phát hiện các trường hợp vi phạm để kịp thời xử lý theo pháp luật
hiện hành.
5. Các đơn vị, cơ sở điều trị nghiện
a) Tổ chức điều
trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế theo hướng dẫn chuyên môn
do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.
b) Tham mưu cho
đơn vị chủ quản, Sở Y tế và các ban, ngành liên quan bổ sung
cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân sự phù hợp với nhu cầu công việc.
6. UBND các huyện, thị xã Long Khánh
và thành phố Biên Hòa
a) Chỉ đạo các Phòng Y tế, Phòng Lao
động - Thương binh và Xã hội, Công an và các ban, ngành có
liên quan trong việc quản lý, xác minh đối tượng nghiện chích ma túy tại cộng đồng.
b) Tổ chức kiểm tra hoạt động của cơ
sở điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện thuộc thẩm quyền quản lý.
c) Đầu tư kinh phí cho việc cải tạo,
sửa chữa phòng làm việc, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở điều trị thay thế,
cơ sở cấp phát thuốc.
Điều 8. Chế độ
báo cáo
Thực hiện chế độ báo cáo việc quản
lý, sử dụng nguồn kinh phí theo quy định hiện hành.
Điều 9. Việc sửa
đổi, bổ sung
Trong quá trình triển khai thực hiện Quy
định này nếu phát sinh khó khăn vướng mắc, các sở, ban, ngành, UBND các huyện,
thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đơn vị liên quan gửi ý kiến bằng văn
bản tới Sở Y tế tổng hợp, đề xuất báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ
sung cho phù hợp./.