Quyết định 05/2014/QĐ-UBND về Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015

Số hiệu 05/2014/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/01/2014
Ngày có hiệu lực 01/02/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Ninh Thuận
Người ký Trần Xuân Hòa
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/2014/QĐ-UBND

Phan Rang - Tháp Chàm, ngày 22 tháng 01 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH NINH THUẬN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Nghị quyết số 08/2013/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc thông qua Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 10/TTr-SNNPTNT ngày 14 tháng 01 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2015, với các nội dung chính sau:

1. Mục tiêu, nhiệm vụ:

a) Mục tiêu:

- Công tác quản lý, bảo vệ rừng:

+ Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 199.336 ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp đến năm 2015; nâng tỷ lệ độ che phủ của rừng đến năm 2015 đạt 45%, giảm thiểu tình trạng khô hạn cả về diện rộng và độ dài thời gian.

+ Phát triển lâm nghiệp toàn diện theo hướng xã hội hoá. Đẩy mạnh trồng rừng gắn chặt với quản lý bảo vệ rừng. Bảo tồn và phát huy giá trị của 2 Vườn Quốc gia (Phước Bình và Núi Chúa); phát triển rừng phòng hộ, nhất là những nơi rất xung yếu và xung yếu, trồng rừng trên các vùng đất cát ven biển, chống sa mạc hoá.

+ Nâng cao hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp thông qua việc cải thiện một cách hợp lý cơ cấu cây trồng lâm nghiệp trong rừng sản xuất.

+ Phấn đấu giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản là 5 - 6%, đến năm 2015 tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản đạt 25%.

b) Nhiệm vụ

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường rừng) từ 5 đến 6%/năm. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 25% trong GDP.

- Phấn đấu đến năm 2015, diện tích cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt bằng các loài cây có giá trị kinh tế cao (cao su, điều, cây lâm nghiệp…) là 3.984 ha.

- Khai thác gỗ hàng năm 10.000 - 12.000m3, 5.000 - 6.000 tấn củi đảm bảo cung cấp các nhu cầu gỗ, củi phục vụ xây dựng cơ bản và dân sinh.

- Chế biến lâm sản với công suất đến năm 2015 bằng 50% sản lượng khai thác gỗ của tỉnh.

- Nâng cao nguồn thu từ các giá trị môi trường rừng thông qua chi trả dịch vụ môi trường rừng, cơ chế phát triển sạch (CDM), du lịch sinh thái, phòng hộ chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước, ...

- Hợp đồng giao khoán quản lý bảo vệ rừng cho các tổ chức, hộ gia đình hàng năm khoảng 60.000 ha, qua đó tạo thêm 15.000 việc làm mới trong lâm nghiệp (bao gồm cả khu vực chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ).

2. Chỉ tiêu kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng trong kỳ kế hoạch 2011 - 2015:

a) Quy hoạch ba loại rừng đến năm 2015:

Quy hoạch đất lâm nghiệp ổn định đến năm 2015 của tỉnh là 199.336 ha (chiếm 100%), rừng đặc dụng là 42.185 ha (chiếm 21,2%), rừng phòng hộ là 115.280 ha (chiếm 57,8%) và rừng sản xuất là 41.871 ha (chiếm 21,1%).

[...]