ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2007/QĐ-UBND
|
Vị Thanh, ngày 19
tháng 4 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG VÀ CHĂN NUÔI THỦY CẦM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND
ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh giống vật nuôi
năm 2004 và Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2005 về xử phạt vi
phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y năm 2004 và
Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Quyết định số
17/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông
thôn ban hành Quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định điều
kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.
Điều 2: Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự
tỉnh và các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh ở gia súc, gia cầm tỉnh,
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, UBND xã, phường thị trấn và các tổ chức cá
nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo HG;
- Đài PT-TH tỉnh;
- Sở Tư pháp (Phòng VB-TT);
- Chi cục Thú y tỉnh;
- Lưu: VT,NCTH (1).HĐ
D:2007\QD/SNN\QD quy dinh dieu kien ap trung thuy cam
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thành Lập
|
QUY ĐỊNH
ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG VÀ CHĂN NUÔI THỦY CẦM
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 05/2007/QĐ-UBND ngày tháng 4 năm 2007 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Hậu Giang)
I. PHẠM VI, ĐỐI
TƯỢNG ÁP DỤNG:
1. Áp dụng trong lĩnh vực ấp trứng
thương mại và chăn nuôi thủy cầm bao gồm vịt, vịt xiêm, ngỗng.
2. Đối tượng áp dụng: bao gồm các
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ấp trứng
thương mại, chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.
II. ẤP TRỨNG THỦY
CẦM
1. Điều kiện ấp trứng
Tổ chức, cá nhân ấp trứng thủy cầm
cần phải bảo đảm các điều kiện sau:
1.1. Địa điểm của cơ sở ấp trứng
- Không được nằm trong nội thành, nội
thị (thực hiện theo Quyết định số 2086/QĐ-UBND ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Hậu Giang về việc quy định vùng cấm nuôi gia cầm trên địa bàn
tỉnh Hậu Giang).
- Phải cách biệt nơi ở, trường học, bệnh
viện, chợ, công sở và các nơi công cộng khác bằng tường bao quanh nhằm bảo đảm
điều kiện cách ly về an toàn sinh học.
* Đối với các cơ sở không ấp trứng chỉ
thu gom, buôn bán trứng thủy cầm vẫn không được nằm trong nội thành, nội thị; đồng
thời, phải thực hiện theo đúng quy định thú y trước khi vận chuyển.
* Đối với các hộ bán lẻ trứng gia cầm
phải được xông tiêu độc và có dấu kiểm soát trứng theo quy định thú y.
1.2. Vệ sinh thú y:
- Trứng ấp có nguồn gốc từ cơ sở chăn
nuôi sản xuất trứng giống đã khai báo, đăng ký, đã được tiêm phòng cúm đầy đủ,
còn trong thời gian miễn dịch và được kiểm dịch của cơ quan thú y.
- Trứng ấp được thú y khử trùng trước
khi đưa vào ấp.
- Cơ sở ấp trứng phải có nguồn nước sạch.
- Lối ra vào cơ sở ấp trứng có hố khử
trùng tiêu độc.
- Phương tiện vận chuyển trứng giống,
đàn thủy cầm phải được thú y thực hiện khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần
vận chuyển.
- Dụng cụ ấp trứng, nhà xưởng phải được
vệ sinh, khử trùng tiêu độc trước và sau mỗi lần ấp.
- Có nơi xử lý thủy cầm con chết, loại
thải, trứng hỏng, vỏ trứng và chất thải khác bảo đảm vệ sinh thú y.
1.3. Sổ theo dõi xuất thủy cầm sau
khi ấp
Cơ sở ấp trứng tự lập sổ theo dõi nhập
trứng giống, xuất bán thủy cầm sau khi ấp, ghi rõ ngày xuất, số lượng con, người
mua, địa chỉ người mua (theo hướng dẫn của ngành thú y).
2. Khai báo, đăng ký ấp trứng
Tổ chức, cá nhân hội đủ các điều kiện
ấp trứng thủy cầm như trên thực hiện việc khai báo, đăng ký như sau:
2.1. Tổ
chức, cá nhân thuộc đối tượng đăng ký kinh doanh phải đăng ký kinh doanh với Ủy
ban nhân dân huyện, thị xã (theo Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm
2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh) sau khi được ngành thú y thẩm định và
cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y.
2.2. Hộ
gia đình ấp trứng khai báo tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.
2.3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh
doanh khi cơ sở ấp trứng được Chi cục Thú y cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ
sinh thú y.
III. CHĂN NUÔI THỦY
CẦM
1. Điều kiện chăn nuôi thủy cầm
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi thủy cầm
phải bảo đảm các điều kiện sau:
1.1. Điều kiện chung:
- Con giống có nguồn gốc từ các cơ sở
sản xuất giống hoặc cơ sở ấp trứng đã khai báo, đăng ký và được kiểm dịch của
cơ quan thú y.
- Thực hiện đầy đủ các quy định về
tiêm vắc xin phòng bệnh cúm H5N1 cho đàn thủy cầm.
- Không nuôi chung thủy cầm với các
loại gia súc, gia cầm khác.
- Cơ sở chăn nuôi phải cách biệt nơi ở,
trường học, bệnh viện, chợ, công sở và các nơi công cộng khác nhằm bảo đảm điều
kiện cách ly về an toàn sinh học.
- Thực hiện các quy định về vệ sinh
thú y theo Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y.
1.2. Các điều kiện khác cho từng đối
tượng chăn nuôi thủy cầm:
* Đối với chăn nuôi vịt chạy đồng:
người chăn nuôi vịt chạy đồng phải bảo đảm các điều kiện
sau:
- Người chăn nuôi phải khai báo, đăng
ký với Ủy ban nhân dân sở tại.
- Sau khi đăng ký, người chăn nuôi được
Ủy ban nhân dân sở tại cấp miễn phí sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng theo mẫu
do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định:
+ Người chăn nuôi kê khai đầy đủ
thông tin trong sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng riêng biệt cho mỗi đàn vịt.
+ Mỗi lần di chuyển đàn vịt đến một huyện
mới, người chăn nuôi vịt phải xuất trình sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng với
Ủy ban nhân dân sở tại nơi đến để được xác nhận, giám sát dịch bệnh và thực hiện
tiêm vắc xin phòng bệnh cúm nếu đến thời hạn tiêm chủng theo quy định.
* Đối với chăn nuôi thủy cầm tập
trung (thuộc công ty, doanh nghiệp,..) và chăn nuôi thủy cầm thuộc hộ gia đình
(nhỏ lẻ): Thực hiện việc đăng ký và tiêm phòng đúng
quy định.
2. Khai báo, đăng ký chăn nuôi thủy
cầm:
Tổ chức, cá nhân hội đủ các điều kiện
chăn nuôi thủy cầm thực hiện việc khai báo, đăng ký như sau:
2.1. Hộ
chăn nuôi thủy cầm khai báo tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư
trú.
2.2. Tổ
chức, cá nhân chăn nuôi thủy cầm loại hình nuôi nhốt có quy mô từ 1.000 con trở
lên phải đăng ký với Chi cục Thú y tỉnh để được thẩm định và cấp giấy chứng nhận
đủ điều kiện vệ sinh thú y.
3. Vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ
thủy cầm:
Tổ chức, cá nhân thực hiện việc
chăn nuôi thủy cầm theo đúng Quy định này và Pháp luật hiện hành được vận chuyển,
lưu thông, tiêu thụ thủy cầm trên thị trường.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Trách
nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã để chỉ đạo thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng
02 năm 2007 của Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quy định về điều
kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm.
2. Trách nhiệm của Chi cục Thú
y Hậu Giang.
- Chỉ đạo Trạm Thú y huyện, thị xã thống
kê số lượng cơ sở ấp trứng, số hộ chăn nuôi vịt chạy đồng để triển khai Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy định này cho các tổ chức cá nhân có liên
quan đến việc ấp nở, chăn nuôi thủy cầm; đồng thời, tăng cường công tác tuyên
truyền đến các hộ chăn nuôi nhận thức về các quy định ấp nở, chăn nuôi thủy cầm.
- Dự trù số lượng và đặt in sổ đăng ký chăn nuôi vịt để phân phối cho Ủy ban nhân dân xã cấp cho
người chăn nuôi vịt chạy đồng.
- Xây dựng quy trình, thủ tục đăng ký
và tổ chức thẩm định, chứng nhận vệ sinh thú y đối với các cơ sở ấp trứng làm
cơ sở cho Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
- Chỉ đạo các Trạm Thú y huyện, thị
xã phối hợp với các Ban ngành địa phương thành lập các đoàn khảo sát các cơ sở
kinh doanh ấp trứng gia cầm trong nội thành nội thị để có kiến nghị về Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã có hướng xử lý.
- Tổ chức tập huấn về cách ghi
chép sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng cho các xã, phường, thị trấn.
- Xây dựng và
triển khai kế hoạch phòng chống cúm gia cầm, chỉ đạo các Trạm Thú y huyện, thị
xã, thú y cơ sở phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức tiêm phòng vắc xin cúm
gia cầm cho đàn thủy cầm theo quy định, giám sát dịch bệnh, kiểm soát vệ sinh
thú y cơ sở ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm, kiểm soát vận chuyển, tổ chức kiểm dịch.
3. Trung tâm Khuyến nông tỉnh:
- Hướng dẫn quy trình kỹ
thuật ấp trứng, chăn nuôi thủy cầm cho hộ nông dân và doanh nghiệp.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng một số mô hình nuôi thủy
cầm thâm canh và bán thâm canh để rút kinh nghiệm và nhân rộng.
4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân
các cấp:
4.1. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã.
- Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở ấp trứng
hiện có trong nội thành, nội thị để sắp xếp, quy hoạch phù hợp.
- Có chính sách khuyến khích ấp trứng,
chăn nuôi, giết mổ thủy cầm theo hướng tập trung, bảo đảm an toàn sinh học.
- Chỉ đạo các Ban ngành liên quan tổ chức thực hiện
Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 02 năm 2007 của Bộ
nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quy định này tại địa phương; đồng
thời, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nêu trên.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thường
xuyên rà soát, kiểm tra các đàn thủy cầm đang nuôi tại địa phương. Nếu phát hiện
đàn không đăng ký và chưa tiêm phòng thì tịch thu tiêu hủy không hỗ trợ.
4.2. Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn.
- Tổ chức thực hiện kiểm kê đàn thủy cầm có tại xã:
Trưởng ấp có trách nhiệm thống kê số hộ chăn nuôi và số lượng đàn vịt chạy đồng
tại địa phương.
- Có trách nhiệm tổ chức quản lý và cấp phát miễn
phí sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng cho người chăn nuôi:
+ Phân công cán bộ phụ trách việc quản lý, cấp phát
sổ đăng ký, mở sổ theo dõi việc cấp sổ đăng ký (theo mẫu). Thực hiện ghi chép đầy
đủ, đúng theo quy định của sổ đăng ký.
+ Mỗi lần đăng ký, Ủy ban nhân dân xã cấp một
sổ (có thể từ 1 đến 3 đàn), khi nuôi mới thêm phải cấp một sổ khác, không được
ghi thêm vào sổ cũ và phải đóng dấu giáp lai.
- Chịu trách nhiệm tổ chức tịch thu tiêu hủy đối với
những đàn thủy cầm đang nuôi tại địa phương nhưng không đăng ký và không tiêm phòng
bệnh cúm.
4.3. Trách nhiệm của cơ sở ấp trứng thủy cầm:
Phải đảm bảo tuân thủ đầy đủ các điều kiện tại
Chương II thuộc quy định về điều kiện ấp trứng và nuôi mới thủy cầm (ban hành
kèm theo Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 02 năm
2007 và Quy định này); đồng thời, thực hiện các hướng dẫn do Chi cục Thú
y Hậu Giang đề ra.
a. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu thành lập cơ sở ấp
trứng phải đăng ký với Chi cục Thú y Hậu Giang theo quy định. Hồ sơ bao gồm:
* Về địa điểm:
- Đơn xin thẩm định vị trí xây dựng cơ sở ấp trứng
(theo mẫu, có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn).
- Có hồ sơ thiết kế kỹ thuật, công suất của cơ sở.
- Các giấy tờ liên quan đến việc thành lập cơ sở
(giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đúng mục đích hoặc hợp đồng thuê mặt bằng,
…).
Hồ sơ hợp lệ sẽ được trả lời kết quả trong 7 ngày.
Nếu được cho phép thì chủ cơ sở mới được tiến hành xây dựng.
* Về điều kiện vệ sinh thú y:
Trước khi đưa cơ sở vào hoạt động 15 ngày phải đăng
ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y với Chi cục Thú y tỉnh. Hồ sơ đăng ký bao gồm:
Giấy đăng ký kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y theo
mẫu quy định (do Trạm Thú y huyện, thị xã hướng dẫn).
+ Nếu cơ sở đảm bảo yêu cầu về điệu kiện, tiêu chuẩn
vệ sinh thú y - vệ sinh môi trường, Chi cục Thú y có công văn trả lời; đồng thời,
cấp chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y trong 2 năm cho cơ sở.
Khi có giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y, chủ
cơ sở tiến hành đăng ký kinh doanh với Ủy ban nhân dân huyện, thị xã nơi
cư trú.
+ Nếu
cơ sở không đảm bảo yêu cầu về điệu kiện, tiêu chuẩn vệ sinh thú y, vệ sinh môi
trường thì chủ cơ sở tổ chức sửa chữa, khắc phục những nội dung chưa đạt yêu cầu
và đề nghị kiểm tra lại.
b. Trường hợp cơ sở tạm ngừng hoạt động, chủ cơ sở
phải thông báo với trạm thú y huyện, thị xã sở tại; đồng thời, Trạm Thú y huyện,
thị xã có trách nhiệm thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y giao về
Chi cục Thú y Hậu Giang.
c. Trước khi hết thời hạn của chứng nhận điều kiện
vệ sinh thú y hoặc trường hợp cơ sở tạm ngừng hoạt động từ 03 tháng trở lên,
khi hoạt động trở lại, chủ cơ sở phải đăng ký trước ít nhất 15 ngày với Chi cục
Thú y để kiểm tra lại điều kiện vệ sinh thú y đối với cơ sở.
4.4. Trách nhiệm của người chăn nuôi thủy cầm:
Phải đăng ký với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
và tiêm vắc xin phòng bệnh cúm cho đàn thủy cầm. Những đàn thủy cầm không đăng
ký hoặc không tiêm phòng sẽ bị tiêu hủy không được hỗ trợ.
V. XỬ LÝ VI PHẠM:
Tổ chức, cá nhân vi phạm Quy định này
sẽ bị xử phạt theo các quy định tại Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08 tháng 4
năm 2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật
nuôi và Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về
xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y và các quy định khác của Pháp
luật./.