Quyết định 2541/QĐ-UBND-NN năm 2007 phê duyệt kế hoạch thực hiện Quyết định 17/2007/QĐ-BNN quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An do Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành

Số hiệu 2541/QĐ-UBND-NN
Ngày ban hành 23/07/2007
Ngày có hiệu lực 23/07/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nghệ An
Người ký Nguyễn Đình Chi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Số: 2541/QĐ-UBND-NN

Vinh, ngày 23  tháng 07 năm 2007.

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 17/2007/QĐ-BNN NGÀY 27/02/2007 CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP & PTNT QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN ẤP TRỨNG VÀ CHĂN NUÔI THUỶ CẦM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành Quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm; Hướng dẫn số 366/TY-KD ngày 19/3/2007 của Cục Thú y; Hướng dẫn số 508/HD-CN-GSN, ngày 31/5/2007 của Cục Chăn nuôi;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại công văn số 1223/SNN.KT  ngày 20/7/2007 về việc phê duyệt thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quyết định số 17/2007/QĐ-BNN ngày 27/02/2007 của Bộ Nông nghiệp & PTNT quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thuỷ cầm trên địa bàn tỉnh Nghệ An, với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU: Quản lý, giám sát chặt chẽ việc ấp trứng, chăn nuôi, vận chuyển lưu thông thủy cầm nhằm chủ động khống chế và phòng, chống không để tái phát dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

II. NHIỆM VỤ:

- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện tốt các quy định về điều kiện ấp trứng thủy cầm, khai báo, đăng ký ấp trứng thực hiện nghiêm túc quy định về điều kiện chăn nuôi thủy cầm và cách khai báo, đăng ký chăn nuôi thủy cầm nhằm quản lý chặt chẽ việc ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm góp phần tích cực thực hiện thành công trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm, đảm bảo cho ngành chăn nuôi thủy cầm phát triển bền vững;

- Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm theo pháp luật.

III. GIẢI PHÁP:

1. Giải pháp chỉ đạo:

- Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của tỉnh tiếp tục chỉ đạo các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh: Sở  Y tế, Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Khoa học Công nghệ, Hội Nông dân tỉnh, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Tỉnh Đoàn thanh niên, Đài PTTH tỉnh, Báo Nghệ An ... tiếp tục phối hợp với ngành Nông nghiệp & PTNT để thông tin tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, nhằm thực hiện tốt quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm;

- Sở Nông nghiệp & PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò triển khai thực hiện quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm, đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện quy định tại các địa phương;

- UBND các huyện, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch cúm gia cầm các huyện, thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò triển khai việc thực hiện quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi, vận chuyển, buôn bán thủy cầm đến tận UBND các phường, xã, xóm. Đồng thời tổ chức các đoàn kiểm tra nhằm đôn đốc nhắc nhở, hướng dẫn và có biện pháp kiên quyết đối với những địa phương, tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không nghiêm túc;

- UBND xã lập sổ đăng ký để quản lý việc ấp nở, chăn nuôi, buôn bán và thực hiện ký cam kết với người chăn nuôi;

- Tiến hành tổng kết rút kinh nghiệm về công tác quản lý, giám sát, kết quả thực hiện việc ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm.

2. Giải pháp kỹ thuật:

- Tiến hành thống kê lại số lò ấp trứng, số hộ ấp trứng, công suất của từng lò (công suất được tính bằng số con giống xuất bán/1 tháng); số hộ chăn nuôi thủy cầm nhốt, số thủy cầm; Số hộ chăn nuôi thủy cầm thả đồng, số thủy cầm của từng hộ. Dự kiến số lượng vịt nuôi thời vụ Hè Thu và vụ Đông Xuân  hàng năm.

- Tổ chức tập huấn, về: Điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm theo Quyết định 17/2007/QĐ-BNN, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thủy cầm theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học; Quy trình tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, Quy trình vệ sinh tiêu độc; phương pháp thống kê, lập sổ đăng ký, biểu mẫu báo cáo...

- Tổ chức cho các hộ chăn nuôi, các chủ lò ấp trứng thuỷ cầm đăng ký với UBND xã.

- In ấn, cấp phát sổ đăng ký chăn nuôi vịt chạy đồng.

3. Giải pháp xử lý các trường hợp vi phạm:

- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 47/2005/NĐ-CP ngày 08/4/2005 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi và Nghị định số 129/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ về xử lý phạt vi phạm hành chính trong công tác Thú y và các quy định khác của Pháp luật;

- Tổ chức, cá nhân tự nguyện, tự  giác tiêm phòng trực tiếp báo cáo cán bộ thú y, UBND xã để được tổ chức tiêm phòng cho đàn thuỷ cầm của mình. Khi đã tiêm phòng mà lại bị phát dịch cúm gia cầm sẽ được hỗ trợ theo chế độ của tỉnh. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý như nêu trên, đồng thời không được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh.

IV. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:

Bước 1. Thực hiện công tác thống kê theo các chỉ tiêu đã nêu:  Giao UBND xã, phường, thị trấn thống kê toàn bộ cơ sở ấp trứng; số hộ chăn nuôi vịt chạy đồng; số vịt chăn nuôi theo hình thức chạy đồng, tổng đàn thủy cầm hiện có; dự kiến tình hình chăn nuôi vịt thả đồng vụ Hè Thu năm 2007 và Đông Xuân năm 2008 trên địa bàn, báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm huyện (qua Trạm thú y) để tổng hợp báo cáo về Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh ( qua Chi cục thú y);

Bước 2. Tập huấn và triển khai: (Từ ngày 27/7/2007đến ngày 7/8/2007): Tập huấn hướng dẫn thực hiện nội dung Quyết định 17/2007/QĐ-BNN Quy định về điều kiện ấp trứng và chăn nuôi thủy cầm, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chăn nuôi thủy cầm theo hướng tập trung, đảm bảo an toàn sinh học; Quy trình tiêm phòng vacxin cúm gia cầm…cho cán bộ Thú y cấp huyện và Thú y trưởng cấp xã.

[...]