Quyết định 05/2006/QĐ-BLĐTBXH về thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành

Số hiệu 05/2006/QĐ-BLĐTBXH
Ngày ban hành 10/07/2006
Ngày có hiệu lực 04/08/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
Người ký Nguyễn Thị Hằng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
*****

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 05/2006/QĐ-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 2006

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23 tháng 6 năm 1994, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về thủ tục thành lập và đăng ký hoạt động dạy nghề đối với trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ đăng Công báo.

Các trường dạy nghề được thành lập trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì đến trước ngày 31 tháng 12 năm 2006 phải hoàn thành việc chuyển thành trường trung cấp nghề theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.

Đối với những trường đủ điều kiện theo quy định, thì nâng cấp thành trường cao đẳng nghề theo Quy định ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 3. Thủ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Người đứng đầu cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội có trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề trực thuộc; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội; Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Công báo;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL Bộ Tư pháp;
- Lưu: VT, TCDN (10b).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Thị Hằng

 

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề thuộc các loại hình công lập và tư thục; không áp dụng đối với các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 2. Nguyên tắc thành lập

1. Việc thành lập và cho phép thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề và nhu cầu phát triển nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, dịch vụ của thị trường lao động.

2. Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, hình thức sở hữu có đủ điều kiện theo quy định đều có quyền thành lập trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề.

THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ, TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ

MỤC I: THỦ TỤC THÀNH LẬP TRƯỜNG CAO ĐẲNG NGHỀ

Điều 3. Hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề

Hồ sơ thành lập trường cao đẳng nghề gồm:

1. Văn bản đề nghị thành lập trường của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của Tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) đối với trường cao đẳng nghề công lập (theo mẫu số 1a); đơn đề nghị thành lập trường của tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân đối với trường cao đẳng nghề tư thục (theo mẫu số 1b).

2. Đề án thành lập trường cao đẳng nghề (theo mẫu số 2).

Đề án thành lập trường phải đảm bảo các yêu cầu sau:

a) Phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường cao đẳng nghề;

b) Quy mô đào tạo tối thiểu là 700 học sinh, sinh viên;

c) Số lượng nghề đào tạo ở trình độ cao đẳng nghề tối thiểu là 3 nghề;

d) Có cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với ngành nghề, quy mô và trình độ đào tạo. Đất sử dụng tối thiểu 20.000m2 đối với khu vực đô thị, 40.000m2 đối với khu vực ngoài đô thị và được thiết kế xây dựng theo Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam TCXD VN 60:2003 "Trường dạy nghề - Tiêu chuẩn thiết kế" được ban hành kèm theo Quyết định số 21/2003/QĐ-BXD ngày 28/7/2003 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng;

đ) Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đạt tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật;

[...]