ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2014/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày
25 tháng 01 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ CHO NGƯỜI BỊ THƯƠNG, CHẾT, BỊ
THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN KHI THAM GIA PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 12
năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 101/2013/NQ-HĐND ngày 06
tháng 12 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai Quy định mức hỗ trợ cho
người bị thương, chết, bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;
Theo đề nghị của Giám đốc Công an tỉnh tại Tờ
trình số 13/TTr-CAT-PV28 ngày 15 tháng 01 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Quy định mức hỗ trợ cho người bị thương, chết, bị
thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh,
Giám đốc các sở: Nội vụ, Tài chính và các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Minh Phúc
|
QUY ĐỊNH
VỀ MỨC HỖ TRỢ CHO NGƯỜI BỊ THƯƠNG, CHẾT, BỊ THIỆT HẠI VỀ TÀI
SẢN KHI THAM GIA PHONG TRÀO TOÀN DÂN BẢO VỆ AN NINH TỔ QUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG
NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2014/QĐ-UBND ngày 25 tháng 01 năm 2014 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về mức hỗ trợ đối với các
tổ chức, cá nhân khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa
bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân
bị thương, chết, bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ
an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Chương II
NỘI DUNG VÀ MỨC HỖ TRỢ
Điều 3. Mức hỗ trợ đối với
người bị thương, chết, bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phong trào toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
1. Đối với trường hợp bị thương
a) Trường hợp người có tham gia bảo hiểm y tế
thì được thanh toán từ bảo hiểm y tế. Các khoản chi phí còn lại không được
thanh toán từ bảo hiểm y tế thì được thanh toán toàn bộ (kể cả thuốc phải mua
ngoài theo toa chỉ định của bác sỹ điều trị);
b) Trường hợp người chưa tham gia bảo hiểm y tế
thì được thanh toán toàn bộ chi phí y tế trong quá trình sơ cứu, cấp cứu đến
khi điều trị ổn định thương tật, xuất viện (kể cả thuốc phải mua ngoài theo toa
chỉ định của bác sỹ điều trị);
Sau khi điều trị, được Ủy ban nhân dân xã, phường,
thị trấn giới thiệu đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y
khoa theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động,
được hưởng mức hỗ trợ tương ứng sau:
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến dưới
21% được hưởng trợ cấp một lần bằng 08 tháng lương tối thiểu;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 21% đến 40%
được hưởng trợ cấp một lần bằng 10 tháng lương tối thiểu;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 41% đến 60%
được hưởng trợ cấp một lần bằng 12 tháng lương tối thiểu;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%
được hưởng trợ cấp một lần bằng 14 tháng lương tối thiểu;
- Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên
được hưởng trợ cấp một lần bằng 16 tháng lương tối thiểu.
2. Đối với trường hợp bị chết
Trường hợp bị chết, kể cả chết trong thời gian
điều trị lần đầu, thì người chịu trách nhiệm mai táng được nhận tiền mai táng bằng
10 tháng lương tối thiểu và gia đình (cha, mẹ; vợ, chồng; con hoặc người nuôi
dưỡng) người đó được hỗ trợ một lần với số tiền bằng 12 tháng lương tối thiểu.
Trong một số trường hợp đặc biệt, người bị chết sẽ được cơ quan có thẩm quyền
xem xét, đề nghị công nhận liệt sỹ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có
công với cách mạng.
3. Đối với trường hợp bị thiệt hại về tài sản
Tổ chức, cá nhân tham gia phong trào toàn dân bảo
vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai bị hư hỏng về tài sản được thanh
toán chi phí sửa chữa thực tế, nếu hư hỏng không còn khả năng sửa chữa, được
hoàn trả một khoản tiền tương đương với giá trị trước khi bị thiệt hại (bằng
100% giá trị tài sản). Việc thẩm định giá trị tài sản do Phòng Tài chính tại
các địa phương nơi xảy ra hư hỏng tài sản thẩm định giá trị theo quy định của
pháp luật.
4. Kinh phí hỗ trợ được lấy từ nguồn ngân sách cấp
huyện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 4. Trách nhiệm thực hiện
1. Công an tỉnh
a) Chủ trì và là đầu mối có trách nhiệm kiểm
tra, đôn đốc, theo dõi việc tổ chức triển khai thực hiện Quy định này;
b) Phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn thể và Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa hướng dẫn Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện tốt mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi
tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bị thương, chết, bị thiệt hại
về tài sản.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở,
ban, ngành có liên quan có kế hoạch bảo đảm về kinh phí để tổ chức và hướng dẫn
quy định việc lập hồ sơ thực hiện mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bị thương, chết, bị thiệt hại về tài
sản.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Phối hợp Công an tỉnh và các sở, ban, ngành, đơn
vị liên quan hướng dẫn lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét
công nhận liệt sỹ theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng
đối với một số trường hợp đặc biệt người tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an
ninh Tổ quốc bị chết.
4. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin, truyền
thông đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia công
tác đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở; phổ biến gương người tốt, việc tốt trong
phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên các phương tiện thông tin đại
chúng.
5. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
Chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh và các sở,
ban, ngành có liên quan tổ chức các cuộc thi, hội thi tuyên truyền, cổ động; hướng
dẫn xây dựng các khẩu hiệu, panô, áp phích tuyên truyền, phổ biến về phong trào
toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh,
thành phố Biên Hòa
Chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân
dân cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Quy định này; hướng dẫn cấp xã thực hiện
việc lập hồ sơ đề nghị các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân khi tham gia phong
trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bị thương, chết, bị thiệt hại về tài sản
trên địa bàn quản lý; chỉ đạo các phòng, ban có liên quan thẩm định giá trị tài
sản bị thiệt hại trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
7. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn
Lập hồ sơ đề nghị các mức hỗ trợ cho tổ chức, cá
nhân khi tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc bị thương, chết, bị
thiệt hại về tài sản trên địa bàn quản lý. Đồng thời giới thiệu các trường hợp
bị thương đi giám định khả năng lao động tại Hội đồng Giám định y khoa theo quy
định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc;
đề nghị các đơn vị, tổ chức, cá nhân báo cáo về Công an tỉnh để tổng hợp, trình
Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.