Quyết định 03/2008/QĐ-UBND quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai do Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành

Số hiệu 03/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/01/2008
Ngày có hiệu lực 20/01/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đồng Nai
Người ký Ao Văn Thinh
Lĩnh vực Thương mại,Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 03/2008/QĐ-UBND

Biên Hòa, ngày 10 tháng 01 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU KIỆN GIẾT MỔ, BUÔN BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y số 18/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
Căn cứ Nghị định số 179/2004/NĐ-CP ngày 21/10/2004 của Chính phủ Quy định quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về việc Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;
Căn cứ Quyết định số 43/2006/QĐ-TTg ngày 20/02/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 45/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục đối tượng kiểm dịch động vật; danh mục động vật, sản phẩm động vật thuộc diện phải kiểm dịch;
Căn cứ Quyết định số 46/2005/QĐ-BNN ngày 25/7/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành danh mục đối tượng kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y; danh mục đối tượng thuộc diện phải kiểm tra vệ sinh thú y bắt buộc áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh thú y;
Căn cứ Quyết định số 3065/QĐ-BNN-NN ngày 07/11/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành quy định về điều kiện chăn nuôi, ấp trứng, vận chuyển, giết mổ, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm;
Căn cứ Quyết định số 3535/QĐ-BNN-CB ngày 16/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc ban hành quy định tạm thời về quản lý thu mua giết mổ, bảo quản, chế biến, kinh doanh thịt, trứng gia cầm;
Căn cứ tiêu chuẩn, quy trình ngành Thú y năm 2006 của Cục Thú y;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số 2155/TTr-NNPTNT ngày 26/12/2007 về việc đề nghị ban hành quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về điều kiện giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật và sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 4714/1997/QĐ.UBT ngày 22 tháng 12 năm 1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành quy định về những điều kiện trong giết mổ, buôn bán vận chuyển lợn, trâu bò và gia súc khác trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Các ông (bà): Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

UB NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
PHÓ CHỦ TỊCH




Ao Văn Thinh

 

QUY ĐỊNH

VỀ ĐIỀU KIỆN GIẾT MỔ, BUÔN BÁN, VẬN CHUYỂN ĐỘNG VẬT VÀ SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 03/2008/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Mọi tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động giết mổ, buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phải tuân thủ các điều kiện trong bản Quy định này và chịu sự quản lý, kiểm tra, giám sát của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Động vật là các loài thú, gia cầm, bò sát, ong, tằm và các loài côn trùng khác; động vật lưỡng cư; cá, giáp xác, nhuyễn thể, động vật có vú, sống dưới nước và các loài động vật thủy sinh khác.

2. Sản phẩm động vật là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, móng, các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật.

3. Sơ chế động vật, sản phẩm động vật là công việc sau đánh bắt, giết mổ, bao gồm pha, lóc, làm khô, đông lạnh, đóng gói các động vật, sản phẩm động vật.

4. Gia súc gồm: Trâu, bò, dê, cừu, lợn, ngựa, la, lừa, thỏ, chó, mèo và các loài gia súc nuôi khác.

5. Gia cầm gồm: Gà, vịt, ngan, ngỗng, gà tây, bồ câu, chim cút, đà điểu, chim cảnh.

6. Dịch bệnh động vật: Là một bệnh truyền nhiễm thuộc danh mục các bệnh phải công bố dịch hoặc danh mục các bệnh nguy hiểm của động vật làm động vật mắc bệnh, chết nhiều hoặc làm lây lan trong một hoặc nhiều vùng.

7. Vùng có dịch: Là vùng có nhiều ổ dịch đã được cơ quan có thẩm quyền xác định.

8. Vùng bị dịch uy hiếp: Là vùng ngoại vi bao quanh vùng có dịch hoặc vùng tiếp giáp với vùng có dịch ở biên giới của nước láng giềng đã được cơ quan có thẩm quyền xác định trong phạm vi nhất định tùy theo từng bệnh.

9. Các biện pháp phòng bệnh bắt buộc gồm: Sử dụng vắc xin, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất dùng trong thú y để phòng bệnh cho động vật; áp dụng các biện pháp vệ sinh thú y trong chăn nuôi.

[...]