Quyết định 03/2006/QĐ-UBND về kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2006 do Ủy ban Nhân Thành Phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 03/2006/QĐ-UBND
Ngày ban hành 10/01/2006
Ngày có hiệu lực 20/01/2006
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Lê Thanh Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2006/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 01 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ KẾ HOẠCH CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ NĂM 2006

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 18/2005/CT-TTg ngày 31 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2006;
Căn cứ Kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị của Chính phủ với các địa phương từ ngày 28 đến 30 tháng 12 năm 2005 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2006;
Căn cứ Nghị quyết số 34/2005/NQ-HĐ ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Hội đồng nhân dân thành phố về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006
;

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2006.

Điều 2. Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nội dung Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch hành động cụ thể, nhằm thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp thuộc thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như điều 3
- Văn phòng Chính phủ
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư
- Bộ Tài chính
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố
- Ủy ban nhân dân thành phố
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố
- Các Đoàn thể thành phố
- Văn phòng Thành ủy
- Các Ban Thành ủy
- Các Ban Hội đồng nhân dân thành phố
- VPHĐ-UB : Các PVP, các Tổ NCTH, TH (10b)
- Lưu (TH/LT) D.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Thanh Hải

 

KẾ HOẠCH

CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI THÀNH PHỐ NĂM 2006
(Kèm theo Quyết định số: 03/2006/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Năm 2006 có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII và Nghị quyết kỳ họp lần thứ 6, Hội đồng nhân dân thành phố khóa VII về kế hoạch 5 năm 2006 - 2010. Kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố năm 2006 là tiếp tục phát huy thành quả của 5 năm qua về phát triển kinh tế - xã hội, quản lý đô thị, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh trên địa bàn thành phố; tổ chức thực hiện Năm Cải cách hành chính; nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong chỉ đạo, điều hành của bộ máy Chính quyền các cấp, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch thành phố năm 2006; cụ thể như sau :

I.- KINH TẾ

1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế : Viện Kinh tế thành phố chủ trì phối hợp các sở - ngành, các Tổng công ty có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện ngay trong quý I đề án chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế.

2. Dịch vụ - Thương mại, khai thác tốt tiềm năng các ngành dịch vụ để chuyển dịch cơ cấu các ngành dịch vụ, phấn đấu đạt giá trị gia tăng các ngành dịch vụ trên 12%.

2.1- Sở Thương mại chủ trì phối hợp Viện Kinh tế thành phố, các cơ quan, đơn vị liên quan trong quý I xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện :

2.1.1- Chương trình mục tiêu phát triển ngành thương mại thành phố năm 2006 và kế hoạch 5 năm 2006 - 2010 theo báo cáo sơ kết Nghị quyết 09/TU của Thành ủy ; xây dựng chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng và nâng cấp các siêu thị, trung tâm thương mại theo quy hoạch và theo tiêu chuẩn do Bộ Thương mại ban hành; đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu ngành dệt may và da giày, nguyên liệu vật tư.

2.1.2- Tiếp tục thực hiện đề án quy hoạch chợ, đưa vào hoạt động chợ đầu mối Bình Điền, nâng cấp và triển khai xây dựng giai đoạn 2 hai chợ đầu mối Tam Bình và Tân Xuân ; hợp tác với các tỉnh, thành phố để tổ chức tốt các kênh phân phối hàng hóa ; định hướng phát triển 3 chợ đầu mối thành khu sơ chế thực phẩm (thực phẩm đã đóng gói) để cung ứng cho nội thành và các tỉnh, thành phố; nâng cao chất lượng quản lý các chợ trên địa bàn thành phố theo hướng đấu thầu quản lý chợ ; thông qua quy hoạch hệ thống cửa hàng cung ứng xăng dầu, gas trên địa bàn thành phố trong quý I.

2.1.3- Sở Thương mại và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố lập kế hoạch năm 2006 về tổ chức các hội chợ trong nước và tham gia hội chợ quốc tế theo hướng chuyên ngành và ngày càng nâng cao chất lượng. Tiếp tục cung cấp các địa chỉ Website, điện thoại, Fax, email của các nhà nhập khẩu ở từng thị trường cho doanh nghiệp trong nước. Tiếp tục đẩy nhanh công tác xây dựng và khai thác cổng giao dịch doanh nghiệp nhằm từng bước phát triển thương mại điện tử và hội nhập kinh tế theo lộ trình. Hỗ trợ các Hội ngành nghề xây dựng niên giám các doanh nghiệp về quy mô, năng lực sản xuất. Xây dựng các doanh nghiệp lớn làm chức năng môi giới xuất khẩu. Phát triển đội ngũ thương nhân bằng cách cử đi đào tạo về thương mại quốc tế và tiếp cận bán sỉ quốc tế. Hỗ trợ hoạt động đi đôi với tăng cường quản lý Nhà nước các Hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề trong nước và các Văn phòng, Chi nhánh đại diện doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn thành phố.

2.2- Sở Du lịch chủ trì phối hợp Tổng Công ty Du lịch Sài gòn, Hiệp hội du lịch thành phố, các doanh nghiệp ngành du lịch và các cơ quan liên quan phát triển mạnh ngành du lịch, tăng cường tuyên truyền, quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước; nâng cao tính hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch; khai thác thị trường du lịch quốc tế trọng điểm và thị trường trong nước; đa dạng hóa các hình thức du lịch như du lịch lữ hành, du lịch sinh thái, du lịch Hội thảo - hội nghị - triển lãm, du lịch làng quê, v.v... ; phối hợp với các sở - ngành, doanh nghiệp và Ủy ban nhân dân các quận tổ chức Khu phố văn hóa - du lịch và chợ đêm ở quận 5, quận 1, quận 10.

Tăng cường quảng bá và xúc tiến du lịch ở trong nước và nước ngoài, nâng cao hình ảnh về đất nước, con người Việt Nam và thành phố Hồ Chí Minh; mở rộng hợp tác quốc tế hướng vào thị trường ASEAN, Đông Bắc Á, Nga, Đức, Mỹ. Tổ chức tốt cuộc họp Ủy ban điều hành tổ chức xúc tiến du lịch Châu Á - Thái Bình Dương, hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam lần 2.

Đẩy mạnh triển khai các chương trình dịch vụ du lịch đạt chuẩn. Tổ chức và đưa vào hoạt động lực lượng bảo vệ khách du lịch trong quý I. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước của Sở Du lịch và phát huy vai trò các Hiệp hội du lịch.

2.3- Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn khẩn trương triển khai thực hiện 11 dự án đầu tư du lịch, tập trung đầu tư khu du lịch sinh thái Cần Giờ, cảng du lịch đường thủy, Công viên Lịch sử Văn hóa dân tộc.

2.4- Tổng Công ty Du lịch Sài gòn khẩn trương tập trung đầu tư xây dựng Trung tâm hội nghị - hội chợ - triển lãm ở khu Nam thành phố cho yêu cầu cấp bách, sớm đưa vào hoạt động. Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp Sở Thương mại tiến hành chuẩn bị đầu tư Trung tâm hội nghị - hội chợ - triển lãm quy mô và tầm cỡ quốc tế ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

2.5- Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện chương trình xúc tiến năm 2006, xây dựng chương trình xúc tiến năm 2006 - 2010, tiếp tục mở các lớp tập huấn về AFTA, Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và Tổ chức thương mại Thế giới cho doanh nghiệp ngành dịch vụ - thương mại của thành phố; tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các Hiệp định song phương và đa phương mà nước ta đã ký kết; mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng hệ thống đối thoại giữa Chính quyền và doanh nghiệp trên trang web của thành phố; triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ xây dựng thương hiệu, góp phần tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa trên thị trường trong nước và xuất khẩu; hợp tác các tỉnh, thành phố và các nước lân cận để tổ chức các kênh phân phối hàng hóa, tham gia các hội chợ - triển lãm; tiếp tục phát huy tốt hơn nữa chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao.

2.6- Sở Bưu chính, Viễn thông xây dựng trong quý I kế hoạch phát triển dịch vụ bưu chính - viễn thông 5 năm 2006 - 2010 và năm 2006 trên địa bàn thành phố với mục tiêu tiếp tục phát triển nhanh đi đôi với đa dạng hóa các loại dịch vụ bưu chính - viễn thông, từng bước nâng cao chất lượng và giảm chi phí để tiếp tục giảm giá cước hợp lý; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin 5 năm 2006 - 2010 và năm 2006 phù hợp lộ trình phát triển và hội nhập kinh tế của thành phố; tiếp tục triển khai Chính phủ điện tử trên địa bàn thành phố.

2.7- Sở Giao thông - Công chính chủ trì phối hợp các cơ quan, đơn vị, trường đại học, doanh nghiệp liên quan tiếp tục phát triển dịch vụ vận tải đường bộ trên địa bàn; trước mắt tập trung nâng cao chất lượng, phát triển thêm số lượng phương tiện vận tải hành khách công cộng, sắp xếp điều chỉnh các luồng tuyến hiện có và mở thêm luồng tuyến mới, đầu tư thêm xe buýt và vận tải hàng hóa liên tỉnh; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và khoán trợ giá xe buýt; nâng cao chất lượng phục vụ và phòng chống tiêu cực trong vận tải hành khách công cộng. Phối hợp các cơ quan, đơn vị để cải cách thủ tục hành chánh liên quan đến hoạt động dịch vụ cảng đúng thông lệ quốc tế (Cảng vụ, Hải quan, Giao thông vận tải).

2.8- Chi nhánh ngân hàng Nhà nước thành phố chủ trì phối hợp Viện Kinh tế thành phố, Sở Tài chính, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thành phố, Quỹ Đầu tư Phát triển đô thị thành phố chuẩn bị chương trình phát triển ngành tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trên địa bàn thành phố 5 năm 2006 - 2010 và năm 2006 theo mục tiêu tăng nhanh tốc độ và tỷ trọng trong khu vực dịch vụ, thông qua trong quý I.

[...]