Quyết định 02/2011/QĐ-UBND về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách tỉnh năm 2011 do Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 02/2011/QĐ-UBND
Ngày ban hành 03/03/2011
Ngày có hiệu lực 13/03/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Nguyễn Ngọc Toa
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2011/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 03 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2011

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân năm 2004;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011;
Căn cứ Nghị quyết số 340/2010/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của HĐND tỉnh khoá XII về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các nhóm giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2011;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số
80/TTr-KHĐT ngày 01 tháng 3 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách tỉnh năm 2011 như sau:

I. TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, KINH DOANH, NÂNG CAO HIỆU QUẢ, SỨC CẠNH TRANH, THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG VÀ CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU KINH TẾ

1. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư

Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố:

- Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội: rà soát, bổ sung, trình điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020 theo Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quy hoạch; hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố trình UBND tỉnh phê quyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các huyện đến năm 2020; hướng dẫn các sở, ngành tiến hành rà soát ngành, lĩnh vực chưa có quy hoạch, triển khai xây dựng và hoàn thành quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và xây dựng nông thôn mới, bảo đảm sự phù hợp và tính liên kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội với các quy hoạch phát triển ngành, vùng, lĩnh vực; kịp thời đề xuất với cấp có thẩm quyền xử lý những tồn tại trong công tác quản lý và thực hiện quy hoạch.

- Tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư: xây dựng trình UBND tỉnh ban hành quy định về phân cấp quản lý đầu t­ư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Sơn La; rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách thu hút đầu tư để tăng cường thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế.

2. Đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới

a) Giao Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố:

- Xây dựng quy chế làm việc và kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Hướng dẫn, đôn đốc xây dựng quy hoạch các xã nông thôn mới (trong quý I/2011 thực hiện thí điểm lập quy hoạch xây dựng nông thôn cho 22 xã thuộc các huyện có quốc lộ chạy qua (mỗi huyện 02 xã), hết quý IV/2011 hoàn thành lập quy hoạch của 190 xã chưa có quy hoạch hoặc đã có nhưng cần điều chỉnh, bổ sung). Đề xuất cơ chế, chính sách phát triển nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn.

- Tổ chức thực hiện tốt Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó tập trung hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, cơ chế chính sách mới về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

- Chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, gắn với hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất theo hướng ứng dụng rộng rãi các loại giống mới (cây trồng, con nuôi) cho năng suất, chất lượng, có giá trị kinh tế cao, sạch bệnh và hướng dẫn quy trình sản xuất nông sản an toàn. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát vận chuyển và giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, khuyến khích xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch để bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Tăng cường công tác dự báo, phòng, chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi và phòng chống thiên tai, hạn hán. Chỉ đạo chuyển đổi sản xuất kịp thời khi thiên tai xảy ra (lũ lụt, hạn hán...).

- Đổi mới, hoàn thiện cơ chế quản lý nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ nông nghiệp (dịch vụ khuyến nông, bảo vệ thực vật, thú y, cung ứng vật tư nông nghiệp, tín dụng và dịch vụ thương mại ở nông thôn) để phục vụ tốt cho nông dân phát triển sản xuất. Tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp đổi mới, đầu tư nâng cao năng lực các cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản cho nhân dân; mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất, xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường.

- Chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố, các ngành liên quan định kỳ tổ chức giao ban tiến độ sản xuất nông nghiệp để kịp thời chỉ đạo, nâng cao hiệu quả sản xuất và hoàn thành các chỉ tiêu đề ra.

b) Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy hoạch xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Chủ động cân đối, lồng ghép bố trí các nguồn vốn tập trung đầu tư cho các xã chọn thí điểm xây dựng mô hình đạt tiêu chí nông thôn mới đại diện cho các khu vực I, II, III, đảm bảo lộ trình đến năm 2015 có 55 xã đạt tiêu chí nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XIII và Kỳ họp thứ 15-HĐND tỉnh đã quyết nghị.

c) UBND các huyện, thành phố phối hợp với các sở, ban, ngành:

- Hướng dẫn các xã tổ chức đánh giá thực trạng tình hình nông thôn, rà soát, bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch xây dựng các xã đạt tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn. Tham mưu đề xuất lồng ghép thực hiện hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn để tập trung đầu tư xây dựng mô hình các xã nông thôn mới.

- Tập trung thực hiện các chương trình, đề án trọng điểm: những địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi, chú trọng phát huy hiệu quả những loại cây trồng, vật nuôi thế mạnh để thúc đẩy chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đẩy mạnh phát triển sản xuất lương thực, thực phẩm, chú trọng giảm dần diện tích cây lương thực ngắn ngày trên đất dốc. Đẩy mạnh trồng mới cây công nghiệp, bảo đảm nguyên liệu cho chế biến, gắn kết vùng nguyên liệu với nhà máy. Tập trung đẩy mạnh thực hiện kế hoạch phát triển cây cao su (phấn đấu bàn giao 4.500 ha đất và trồng mới 3.300 ha), đồng thời tập trung thâm canh bảo đảm phát triển tốt diện tích cao su hiện có. Phát triển chăn nuôi tập trung gắn với hình thành các đồng cỏ; phòng ngừa, ngăn chặn các loại dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng... Chủ động phòng chống hạn, phòng chống cháy rừng, phòng chống lũ bão giảm nhẹ thiên tai.

- Đẩy mạnh thực hiện kế hoạch trồng mới rừng, trong đó tập trung chỉ đạo việc phát triển rừng phòng hộ ven đường quốc lộ, tỉnh lộ, khuyến khích trồng rừng kinh tế. Chăm sóc và bảo vệ rừng hiện còn, phòng chống cháy rừng; tăng cường kiểm soát và xử lý việc khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản, động vật hoang dã, quý hiếm.

3. Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và đô thị

a) Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố:

- Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp Mường La, Phù Yên, thành phố Sơn La; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh; quy hoạch khai thác và chế biến khoáng sản trên địa bàn tỉnh Sơn La.

- Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản. Theo dõi sát tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm trên địa bàn để tham mưu, đề xuất kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án.

[...]