Quyết định 02/2000/QĐ-BTC về Quy chế cho vay lại từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
Số hiệu | 02/2000/QĐ-BTC |
Ngày ban hành | 06/01/2000 |
Ngày có hiệu lực | 21/01/2000 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Bộ Tài chính |
Người ký | Lê Thị Băng Tâm |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước |
BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2000/QĐ-BTC |
Hà Nội, ngày 06 tháng 1 năm 2000 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 02/2000/QĐ-BTC NGÀY 6 THÁNG 01 NĂM 2000 BAN HÀNH QUY CHẾ CHO VAY LẠI TỪ NGUỒN VAY/VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ
BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
Căn cứ vào Nghị định số 15/CP ngày 2 tháng 3 năm 1993 của Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 178/CP ngày 28 tháng 10 năm 1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ vào Nghị định số 90/CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài;
Căn cứ Nghị định số 87/CP ngày 5 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức;
Căn cứ Công văn số 672/CP-QHQT ngày 6/7/1999 của Chính phủ về việc phê duyệt nội dung Quy chế cho vay lại từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính Đối ngoại,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế cho vay lại từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các Vụ, Cục liên quan của Bộ Tài chính, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.
|
Lê Thị Băng Tâm (Đã ký) |
QUY CHẾ
VỀ CHO VAY LẠI TỪ NGUỒN VỐN VAY/VIỆN TRỢ NƯỚC NGOÀI CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2/2000/QĐ-BTC ngày 6 tháng 1 năm 2000 của Bộ Tài chính)
Điều 1
Định nghĩa
Trong Quy chế này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
(a) "Cho vay lại" là Chính phủ, thông qua Bộ Tài chính, uỷ quyền cho các Cơ quan cho vay lại thực hiện cho vay lại tới các Người vay lại, từ nguồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án đầu tư có khả năng thu hồi vốn; hoặc cho các tổ chức tín dụng trong nước vay lại để cho vay tiếp theo chương trình tín dụng hoặc hợp phần tín dụng trong một dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.
(b) "Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài" là các điều ước quốc tế do Chính phủ Việt Nam ký hoặc cơ quan được uỷ quyền của Nhà nước hoặc Chính phủ Việt Nam ký với đối tác nước ngoài nhằm cung cấp vốn cho Việt Nam.
(c) " Nhà tài trợ" là Bên nước ngoài tài trợ vốn cho chương trình /dự án.
(d) "Cơ quan cho vay lại" là tổ chức tài chính, tín dụng trong nước được Bộ Tài chính uỷ quyền thực hiện cho vay lại, chịu trách nhiệm thu hồi vốn, lãi vay từ Người vay lại và được hưởng phí cho vay lại theo quy định của Chính phủ. Trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện cho vay lại trong các chương trình tín dụng, thì sẽ không thu phí cho vay lại.
(e) "Người vay lại" là đơn vị, tổ chức chủ đầu tư trong nước sử dụng vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ để thực hiện các dự án ghi trong Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài và có trách nhiệm hoàn trả vốn vay cho Chính phủ theo các Thoả thuận cho vay lại mà các đơn vị, tổ chức đó ký kết với Cơ quan cho vay lại để tạo nguồn trả nợ nước ngoài. Trong trường các chương trình tín dụng, "Người vay lại" là tổ chức tài chính /tín dụng nhận vốn do Bộ Tài chính chuyển để cho vay tiếp tới các đối tượng của chương trình theo quy chế riêng của mình.
(f) "Thoả thuận cho vay lại" Là các hợp đồng tín dụng giữa Cơ quan cho vay lại với Người vay lại, hoặc các Hiệp định vay phụ giữa Bộ Tài chính với Người vay lại trong trường hợp vay của các tổ chức tài chính quốc tế. Các điều kiện vay trả của các Thoả thuận cho vay lại có thể khác với các điều kiện vay trả của các Hiệp định vay ký với Nhà tài trợ.
(g) "Lãi suất thương mại tham chiếu (CIRR)" là lãi suất cố định theo các loại đồng tiền do tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố hàng tháng trên cơ sở lãi suất trái phiếu dài hạn và thường dùng để xác định lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu.
(h) "Tỷ giá do Bộ Tài chính hướng dẫn": Tỷ giá khi cho vay lại và thu hồi nợ được áp dụng theo tỷ giá do Bộ Tài chính hướng dẫn dựa trên tỷ giá được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố chính thức hoặc thông báo cho Bộ Tài chính tại thời điểm cho vay lại hoặc thu hồi nợ.
Điều 2.
Các điều kiện được vay lại
Các tổ chức, đơn vị Việt Nam được vay lại nguồn vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ phải đáp ứng các điều kiện sau:
(1) Có các chương trình/dự án sử dụng vốn vay/viện trợ được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo được khả năng trả nợ phù hợp với quy định đầu tư trong nước, được Chính phủ cho phép sử dụng vốn vay/viện trợ và được Nhà nước tài trợ chấp nhận.
(2) Đối với các đơn vị, tổ chức đang hoạt động phải là các đơn vị tổ chức đang hoạt động kinh doanh bình thường, có tình hình tài chính tốt.
(3) Chấp nhận các điều kiện vay lại của Chính phủ được quy định trong Quy chế này.
(4) Có giải trình và cam kết có đủ vốn đối ứng để thực hiện chương trình /dự án.
Các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị quản lý hành chính không thuộc đối tượng được vay lại vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ.
Điều 3
Các điều kiện cho vay lại
3.01. Loại tiền cho vay lại và thu hồi nợ;
(a) Cho vay lại bằng ngoại tệ:
(1) Người vay lại nhận nợ tính bằng ngoại tệ và có thể hoàn trả bằng ngoại tệ hoặc tiền Việt Nam theo tỷ giá tại thời điểm hoàn trả do Bộ Tài chính hướng dẫn.
(2) Loại ngoại tệ cho vay lại là nguyên tệ ghi trong Hiệp định vay/viện trợ ký với nước ngoài, hoặc bằng ngoại tệ chuyển đổi khác theo thỏa thuận với Bộ Tài chính. Trường hợp thu hồi nợ bằng ngoại tệ, Người vay lại có thể trả bằng ngoại tệ ghi trong Hiệp định vay/viện trợ hoặc ngoại tệ chuyển đổi khác theo thoả thuận với Bộ Tài chính và theo tỷ giá do Bộ Tài chính hướng dẫn.
(b) Cho vay lại bằng đồng Việt Nam:
Đối với một số chương trình/dự án sử dụng vốn ODA chỉ có thể cho vay lại bằng đồng Việt Nam và được Chính phủ đồng ý chịu rủi ro ngoại hối, Người vay lại được nhận nợ bằng đồng Việt Nam.
(c) Trong một số chương trình/ dự án ODA nếu cần thiết có thể kết hợp cho vay lại tính bằng ngoại tệ và đồng Việt Nam.
3.02. Trị giá cho vay lại
Trị giá cho vay lại ghi trong Thoả thuận cho vay lại được xác định trên cơ sở trị giá Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài ký với Nhà tài trợ cho mỗi chương trình/dự án. Trong trường hợp Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài ký cho nhiều chương trình/dự án nhưng không quy định mức phân bổ cho từng chương trình/dự án thì trị giá cho vay lại được xác định căn cứ vào quyết định phân bổ vốn vay/viện trợ của Chính phủ.
Trị giá nhận nợ thực tế được tính theo từng lần rút vốn. Trị giá nhận nợ trong trường hợp cho vay lại bằng đồng Việt Nam được xác định trên cơ sở số vốn rút thực tế bằng ngoại tệ nhân với tỷ giá do Bộ Tài chính hướng dẫn tại thời điểm rút vốn.
3.03. Thời điểm nhận nợ:
Thời điểm Người vay lại nhận nợ với Cơ quan cho vay lại là thời điểm rút vốn theo thông báo của Nhà tài trợ hoặc thời điểm rút vốn từ tài khoản đặc biệt trong trường hợp có nhiều Dự án/chương trình thuộc cùng Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài sử dụng phương thức rút vốn tài khoản đặc biệt.
3.04. Thời gian hoàn trả gốc
Thời gian hoàn trả vốn gốc và thời gian ân hạn được xác định căn cứ theo 2 điều kiện sau:
(1) Thời gian hoàn trả vốn gốc của khoản vay ghi trong Thoả thuận cho vay lại được xác định phù hợp với thời gian hoàn vốn trong Nghiên cứu khả thi được duyệt đối với từng chương trình/dự án.
Thời gian ân hạn được xác định căn cứ vào thời kỳ xây dựng cho đến khi chương trình/dự án được đưa vào hoạt động nêu trong Nghiên cứu khả thi.
(2) Về nguyên tắc, thời gian hoàn trả không được vượt quá thời hạn mà Nhà tài trợ dành cho Chính phủ Việt Nam. Trường hợp vượt quá thời hạn này, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thời điểm bắt đầu tính thời gian ân hạn và thời gian hoàn trả là ngày rút vốn đầu tiên của chương trình/dự án (nếu nhà tài trợ không có yêu cầu khác).
Sau khi khoản rút vốn cuối cùng cho dự án đã được thực hiện, Cơ quan cho vay lại sẽ căn cứ vào tổng số vốn đã rút và trị giá nhận nợ thực tế cộng dồn để xác định lịch trả gốc chi tiết đối với từng thoả thuận cho vay lại phù hợp với Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài gửi Người vay lại và đồng gửi Bộ Tài chính (để theo dõi).
Người vay lại có thể thực hiện trả nợ trước hạn, tuy nhiên phải gửi thông báo bằng văn bản tối thiểu 30 ngày trước khi thực hiện trả nợ trước cho Cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính.
3.05. Lãi suất cho vay lại:
(1) Lãi suất thương mại:
Trường hợp Chính phủ vay nước ngoài theo điều kiện thương mại và thực hiện cho vay lại trong nước bằng ngoại tệ thì lãi suất cho vay lại bằng mức lãi suất và phí do nước ngoài thu (trừ các loại phí đã được Người vay lại trả trực tiếp cho nước ngoài) cộng phí cho vay lại trong nước.
(2) Lãi suất ưu đãi:
Lãi suất ưu đãi được áp dụng trong trường hợp Chính phủ thực hiện cho vay lại trong nước cho các dự án đầu tư từ nguồn vốn ODA của Chính phủ.
Lãi suất ưu đãi trong trường hợp cho vay lại bằng đồng Việt Nam áp dụng theo mức lãi suất cho vay đầu tư cuả Quỹ hỗ trợ phát triển của Nhà nước, hoặc lãi suất ưu đãi áp dụng cho các chương trình tín dụng đặc biệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Mức lãi suất ưu đãi này đã bao gồm phí cho vay lại trong nước.
Lãi suất ưu đãi trong trường hợp cho vay lại bằng ngoại tệ được tính theo từng loại tiền tệ theo nguyên tắc bằng 2/3 Lãi suất thương mại tham chiếu (CIRR) tại thời điềm ký Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài, có thời hạn phù hợp với thời hạn của khoản vay theo Hiệp định vay nước ngoài cộng với phí ngoài nước (nếu có) và phí dịch vụ cho vay lại, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn lãi suất ghi trong Hiệp định vay cộng phí ngoài nước và phí cho vay lại. Đối với các loại ngoại tệ không có trong Bảng lãi suất thương mại tham chiếu, Bộ Tài chính sử dụng lãi suất thương mại trên thị trường nước Nhà tài trợ.
Lãi suất ưu đãi nêu trên cũng được áp dụng cho các khoản vay lại trong trường hợp sử dụng vốn tín dụng hỗn hợp bao gồm khoản vay thương mại và vốn ODA theo phương thức hoà đồng cho cả hai hợp phần này.
(3) Đối với các chương trình tín dụng rút vốn bằng tiền và thực hiện qua các tổ chức tài chính/tín dụng để cho vay tiếp đến người sử dụng cuối cùng thì lãi suất cho vay lại được xác định căn cứ vào mức lãi suất huy động bình quân gia quyền của hệ thống ngân hàng trong nước hoặc trên cơ sở lãi suất cho vay đến người sử dụng cuối cùng trừ tỷ lệ phần trăm (%) các tổ chức tài chính/tín dụng là Người vay lại được hưởng để bù đắp chi phí.
3.06. Các loại phí: Người vay lại phải trả các loại phí sau:
(1) Phí do nước ngoài thu: Tuỳ từng Hiệp định vay cụ thể, các khoản phí nước ngoài có thể bao gồm phí quản lý, phí cam kết, phí rút vốn và các khoản phí khác được quy định trong Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài. Thông thường, Người vay lại trực tiếp thanh toán cho Nhà tài trợ các khoản phí này. Trong trường hợp Chính phủ đứng ra trả các khoản phí nước ngoài nới trên Người vay lại phải hoàn trả cho Ngân sách Nhà nước.
(2) Phí cho vay lại trong nước: Phí này do Cơ quan cho vay lại thu từ Người vay lại và được tính gộp trong lãi suất cho vay lại trong nước.
Mức phí cho vay lại không bao gồm rủi ro tín dụng, cụ thể như sau:
- Đối với các khoản cho vay lại có giá trị dưới 2 triệu SDR (khoảng 3 triệu USD) và thời hạn vay dưới 12 năm, mức phí cho vay lại là 0,3%/năm tính trên số dư nợ gốc.
- Đối với các khoản cho vay lại có trị gía dưới 2 triệu SDR nhưng thời gian cho vay lại 12 năm trở lên, mức phí cho vay lại là 0,25%/năm tính trên số dư nợ gốc.
- Đối với các khoản cho vay lại có trị giá 2 triệu SDR trở lên, mức phí cho vay lại là 0,2%/năm tính trên số dư nợ gốc.
Trong trường hợp Cơ quan cho vay lại được tự lựa chon đối tượng cho vay và chấp nhận rủi ro tín dụng, Bộ Tài chính thoả thuận với Cơ quan cho vay lại từng trường hợp cụ thể và trình Thủ tướng Chính phủ quyết định mức rủi ro để cộng thêm vào mức Phí cho vay lại nới ở trên.
(3) Các loại phí dịch vụ do Ngân hàng phục vụ thu, Người vay lại trực tiếp trả cho Ngân hàng theo quy định của Ngân hàng phục phụ.
3.07. Lãi phạt chậm trả:
Tất cả các khoản phải trả bao gồm gốc, lãi, phí cho vay lại nếu Người vay lại không trả đúng hạn thì phải chịu lãi phạt chậm trả bằng 130% lãi suất ghi trong Thoả thuận cho vay lại, nhưng trong mọi trường hợp không thấp hơn mức lãi phạt chậm trả ghi trong Hiệp định vay nước ngoài. Lãi phạt chậm trả được tính từ ngày đến hạn mà không trả đến ngày thực trả .
3.08. Tính lãi:
Lãi suất, phí cho vay lại và lãi phạt được tính trên số ngày thực tế và trên cơ sở một năm có 360 ngày.
Điều 4
Trường hợp cho vay lại đặc biệt
Các đối tượng được vay lại và các điều kiện cho vay lại nói trên được áp dụng chung cho tất cả các chương trình/dự án vay lại vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ. Trường hợp đặc biệt, cần quy định các điều kiện khác với các nguyên tắc trên, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 5
Không miễn trừ trách nhiệm và thứ tự ưu tiên hoàn trả vốn vay
5.01. Không miễn trừ trách nhiệm:
Tất cả các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến các hợp đồng thương mại sẽ do các bên ký hợp đồng giải quyết, và các khiếu nại, tranh chấp này sẽ không miến trừ cho Người vay lại bất kỳ nghĩa vụ nào theo Thoả thuận cho vay lại.
5.02. Thứ tự ưu tiên thanh toán hoàn trả vốn vay:
Đối với các khoản trả, gốc, lãi, và phí ghi trong Thoả thuận cho vay lại, Người vay lại phải hoàn trả theo thứ tự ưu tiên ngang bằng với bất kỳ khoản vay nào khác của doanh nghiệp.
Điều 6
Quy trình thủ tục cho vay lại và trách nhiệm của các cơ quan
6.01. Thẩm định, phê duyệt chương trình/dự án cho vay lại:
(1) Đối với các khoản ODA theo dự án: Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ danh mục các dự án được vay lại từ nuồn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ trước khi các điều ước quốc tế khung hoặc thoả thuận danh mục dự án được ký kết với nước ngoài.
Việc thẩm định và phê duyệt dự án được thực hiện theo Nghị định số 87/CP của Chính phủ ngày 5/8/1997 về việc ban hành quy chế quản lý và sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức; Nghị định số 90/CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về Ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài; Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 8 tháng 7 năm 1999 cuả Chính phủ về việc ban hành Quy chế Quản lý đầu tư và xây dựng. Cơ quan thầm định chịu trách nhiệm về hiệu quả và khả năng trả nợ của dự án cho Ngân sách Nhà nước và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả thầm định
(2) Đối với các khoản ODA theo chương trình tín dụng: Tổ chức tài trợ chính/tín dụng là Người vay lại được quyền thầm định dự án và chọn đối tượng cho vay tiếp phù hợp với chương trình tín dụng đã thoả thuận với Nhà tài trợ, đồng thời chịu mọi rủi ro trong quá trình cho vay lại đối với những đối tượng này.
(3) Đối với các khoản vay thương mại, trừ trường hợp Thủ tướng Chính phủ chỉ định rõ Người vay lại, Cơ quan cho vay lại được quyền thầm định lại dự án và chọn Người vay lại thích hợp sau khi Chủ đầu tư đã hoàn thành các thủ lục và phê duyệt dự án đầu tư theo quy định hiện hành của Nhà nước và chịu mọi rủi ro trong quá trình cho vay lại.
6.02. Trình tự, thủ tục cho vay lại:
Người vay lại nộp cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính đối ngoại) các tài liệu sau để làm căn cứ cho vay lại - Nghiên cứu khả thi của Dự án đã được phê duyệt
- Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền
- Công văn đề xuất các điều kiện vay lại vốn vay/viện trợ của Chính phủ
- Bản xác nhận tình hình tài chính do Sở Tài chính vật giá cấp hoặc Chi cục Tài chính doanh nghiệp (ở những tỉnh, thành phố được thành lập chi cục) cấp đối với doanh nghiệp nhà nước, hoặc báo cáo tài chính của đơn vị, tổ chức cho 2 năm tài chính kế trước thời điểm vay lại đã được kiểm toán (đối với các đơn vị, tổ chức đang hoạt động).
- Bản giải trình và cam kết về vốn đối ứng.
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận đủ các tài liệu hợp lệ nói trên từ Người vay lại, Bộ Tài chính làm việc với Cơ quan cho vay lại, Người vay lại đề xác định điều kiện cho vay lại cụ thể cho dự án trên cơ sở các điều kiện khung của Quy chế này. Trong trường hợp đặc biệt dẫn tới không thực hiện được điều kiện vay lại ghi trong Quy chế này, Bộ Tài chính lấy ý kiến các cơ quan có liên quan và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
6.03. Ký kết hợp đồng uỷ quyền cho vay lại
Sau khi xác định điều kiện cho vay lại cụ thể theo điều 6.02 hoặc sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong vòng 15 ngày, Bộ Tài chính (đại diện là Vụ Tài chính đối ngoại) ký kết hợp đồng uỷ quyền cho vay lại với Cơ quan cho vay lại với các nguyên tắc chung theo mẫu đính kèm.
6.04. Ký kết thoả thuận cho vay lại:
Trong vòng 30 ngày sau khi ký Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại với Bộ Tài chính, Cơ quan cho vay lại ký kết Thoả thuận cho vay lại với Người vay lại theo các điều kiện ghi trong Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại đã ký với Bộ Tài chính
Sau khi ký kết Thoả thuận cho vay lại, Cơ quan cho vay lại gửi 1 bản đến Bộ Tài chính (vụ Tài chính đối ngoại) để phối hợp theo dõi quản lý.
Đối với Thoả thuận cho vay lại dưới hình thức Hiệp định vay phụ hoặc trong trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp cho vay lại, Bộ Tài chính sẽ uỷ quyền cho Vụ Tài chính đối ngoại ký kết Thoả thuận cho vay lại. Thời hạn ký Hiệp định vay phụ thực hiện theo quy định của Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài. Trong trường hợp này, Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại có thể ký sau khi ký kết Thoả thuận cho vay lại.
6.05. Thủ tục nhận nợ:
Căn cứ vào thông báo rút vốn của Nhà tài trợ, Bộ Tài chính hạch toán ghi nợ cho Cơ quan cho vay lại để Cơ quan này thông báo cho Người vay lại làm thủ tục nhận nợ vốn vay lại từng lần.
Ngay sau khi nhận được thông báo kết thúc thời hạn rút vốn của Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài Bộ Tài chính thông báo cho Cơ quan cho vay lại đề hoàn tất thủ tục nhận nợ đối với từng dự án/chương trình.
6.06. Quản lý và báo cáo:
(1) Người vay lại chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn vay/viện trợ đúng mục đích được quy định trong Hiệp định vay/viện trợ nước ngoài và có hiệu quả. Người vay lại phải thực hiện ghi chép, hạch toán kế toán đầy đủ các hàng hoá, dịch vụ, tiền tệ được tài trợ bằng vốn vay.
Người vay lại chịu trách nhiệm cung cấp định kỳ hoặc theo yêu cầu đột xuất của Cơ quan cho vay lại hoặc của Bộ Tài chính (trong trường hợp Bộ Tài chính trực tiếp cho vay lại) các thông tin, báo cáo liên quan đến việc thực hiện chương trình/dự án cho Cơ quan cho vay lại, Bộ Tài chính và Nhà tài trợ, đồng thời có trách nhiệm thông báo cho các cơ quan nói trên các tình huống phát sinh gây chậm chế tiến trình thực hiện chương trình/dự án và những thay đổi liên quan đến chương trình/dự án.
(2) Cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm quản lý, giám sát việc sử dụng vốn vay lại của Người vay lại. Cơ quan cho vay lại phải thực hiện ghi chép, hạch toán kế toán rõ ràng các khoản cho vay lại theo từng Người vay lại.
Cơ quan cho vay lại chịu trách nhiệm cung cấp định kỳ hoặc đột xuất thông tin, báo cáo liên quan đến việc thực hiện chương trình/dự án cho Bộ Tài chính và Nhà tài trợ theo yêu cầu.
6.07. Thu hồ vốn:
(1) Người vay lại và Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm nộp đúng, nộp đủ nghĩa vụ trả nợ ghi trong Thoả thuận cho vay lại và Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại chuyển vào Quỹ tích luỹ trả nợ do Bộ Tài chính quản lý theo hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính.
(2) Cơ quan cho vay lại có quyền áp dụng mọi biện pháp cần thiết phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo thu hồi nợ đầy đủ và đúng hạn từ Người vay lại, hoàn trả Ngân sách Nhà nước.
(3) Trường hợp Người vay lại không trả được nợ:
(a) Nếu là chương trình/dự án do Cơ quan cho vay lại tự thẩm định và quyết định cho vay ghi ở mục 6.01 (3), thì Cơ quan cho vay lại phải trả nợ thay cho Người vay lại.
(b) Nếu là chương trình/dự án được Chính phủ chỉ định ghi ở mục 6.01(1), Cơ quan cho vay lại sau khi áp dụng các biện pháp cần thiết mà luật pháp cho phép mà vẫn không thu hồi được nợ, phải thông báo cho Bộ Tài chính để phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Cơ quan thẩm định dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý.
Điều 7
Điều khoản thi hành
7.01. Các thoả thuận cho vay lại đã ký trước thời điểm ban hành Quy chế này vẫn giữ nguyên hiệu lực thực hiện, trừ quy định về thu hồi vốn phải điều chính theo Quy chế về Quỹ tích luỹ trả nợ do Bộ Tài chính ban hành kèm theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính số 72/1999/QĐ-BTC ngày 9/7/1999.
7.02. Các vấn đề khác liên quan đến quá trình cho vay lại và thu hồi vốn cho vay lại không nêu trong Quy chế này được thực hiện theo Nghị định số 90/CP ngày 7 tháng 11 năm 1998 của Chính phủ về ban hành Quy chế quản lý vay và trả nợ nước ngoài và Nghị định số 87/CP ngày 5 tháng 8 năm 1997 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính để xử lý.
MẪU SỐ 1
(Dùng cho trường hợp ký Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN CHO VAY LẠI VỐN
(Tên nguồn vốn) Cho dự án/Chương trình (Tên dự án/Chương trình)
Số:... /2000/UQ/BTC-TCDN
Căn cứ Quyết định phê duyệt Dự án/ Chương trình;
Căn cứ Hiệp định vay/tín dụng hoặc Văn kiện Dự án (đối với Dự án/chương trình viện trợ không hoàn lại) ký ngày.... giữa ....(tên tổ chức/nước tài trợ) và.... (tên Bên nhận tài trợ)... cho Dự án/Chương trình (Tên Dự án/Chương trình);
Căn cứ Quyết định số.... ngày.... /1/2000 của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế cho vay lại từ nguồn vốn vay/viện trợ nước ngoài của Chính phủ;
Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều kiện cho vay lại cụ thể đối với dự án/chương trình tại công văn số... ngày.... của Chính phủ (áp dụng đối với các trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định);
Bộ Tài chính, Đại diện là Vụ Tài chính đối ngoại (sau đây gọi là Bên uỷ quyền)
Trụ sở: 8 Phan Huy Chú - Hà Nội
Điện thoai:
Số Fax: 8.262266
và
Tên Cơ quan cho vay lại (sau đây gọi là Bên được uỷ quyền)
Trụ sở:
Điện thoại:
Fax:
thoả thuận như sau:
Điều I: Bên uỷ quyền uỷ quyền cho Bên được uỷ quyền thực hiện cho vay lại cho.... tên Người vay lại (sau đây gọi là Người vay lại) từ nguồn vốn vay... (tên nước /tổ chức tài trợ) theo Hiệp định.... với các điều kiện như sau:
1.1. Đồng tiền cho vay lại là.... (loại nguyên tệ ghi trong Hiệp định vay/tín dụng/văn kiện Dự án/chương trình hoặc đồng Việt Nam).
1.2. Trị giá cho vay lại là tổng số vốn thực rút không vượt quá... (trị giá vay theo Hiệp định vay/tín dụng/văn kiện cho chương trình/dự án hoặc trị giá phân bổ cho từng chương trình/Dự án).
1.3. Thời hạn vay là... (thời gian hoàn trả nợ gốc xác định theo Quy chế hoặc theo quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đặc biệt), thời gian ân hạn là... (thời gian ân hạn xác định theo Quy chế hoặc theo Quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đặc biệt) kể từ ngày.....
1.4. Lãi suất cho vay lại bằng... (lãi suất xác định theo Qui chế hoặc theo quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đặc biệt) trên số dư nợ. Lãi chậm trả bằng... (lãi suất chậm trả xác định theo Qui chế hoặc theo quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp đặc biệt) tính trên số nợ quá hạn. Lãi chậm trả được tính từ ngày đến hạn mà không trả nợ cho đến ngày trả nợ thực tế.
1.5. Lãi và lãi chậm trả được tính trên số ngày thực tế và trên cơ sở một năm có 360 ngày.
1.6. Ngày nhận nợ về nguyên tắc được tính là ngày (tên tổ chức/nước tài trợ) thực hiện giải ngân cho Dự án/chương trình và ghi nợ cho Bộ Tài chính hoặc ngày rút vốn từ tài khoản đặc biệt trong trường hợp Hiệp định vay dùng phương thức rút vốn tài khoản đặc biệt cho nhiều Dự án.
1.7. Người vay lại phải trả nợ gốc và nợ lãi 6 tháng một lần cho Bên được uỷ quyền vào ngày....và .... hàng năm. Thanh toán nợ gốc được bắt đầu từ ngày.....
1.8. Người vay lại có thể thực hiện trả nợ trước sau khi gửi thông báo bằng văn bản tối thiểu 30 ngày trước khi thực hiện trả nợ trước cho Bên được uỷ quyền và Bên uỷ quyền.
1.9. Trong trường hợp Người vay lại thanh toán trả nợ bằng các đồng tiền khác đồng tiền cho vay lại (kể cả việc thanh toán bằng đồng Việt Nam), việc qui đổi tỷ giá được áp dụng quy định tại công văn số 3000 TC-TCĐN ngày 18/08/1998 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn tỷ giá thu hồi nợ.
1.10. Người vay lại phải thanh toán trực tiếp cho các Ngân hàng phục vụ trong nước đối với các loại phí do các Ngân hàng phục vụ này thu.
1.11. Người vay lại có trách nhiệm thanh toán trực tiếp các khoản phí ngoài nước cho Nhà tài trợ nước ngoài (phí cam kết, phí quản lý, phí bảo hiểm tín dụng ...) hoặc chuyển trả cho Bên được uỷ trong trường hợp Bộ Tài chính đã trả thay. Trường hợp các khoản phí ngoài nước nói trên đã được bao gồm trong lãi suất cho vay lại nên tại điểm 1.4, thì Bộ Tài chính sẽ chịu trách nhiệm thanh toán phí cho Nhà tài trợ nước ngoài.
1.12. Đối với các khoản trả gốc, lãi qui định trong Thoả thuận cho vay lại, Người vay lại phải hoàn trả theo thứ tự ưu tiên ngang bằng với bất kỳ khoản vay nào khác của Người vay lại.
Điều II: Phí cho vay lại trong nước
2.1. Bên được uỷ quyền được hưởng một khoản phí cho vay lại theo mức phí là .... (mức phí xác định theo qui chế). Mức phí này được bao gồm trong lãi suất cho vay lại quy định tại Điều 1.4. Bên được uỷ quyền tự động trích và giữ lại phần phí cho vay lại theo tỷ lệ với số vốn thu hồi trước khi hoàn trả vốn thu hồi cho vay lại (gốc, lãi) cho Bên Uỷ quyền
Điều III: Trách nhiệm của Bên Uỷ quyền
3.1. Căn cứ thông báo rút vốn của Nhà tài trợ, Bên uỷ quyền có trách nhiệm hạch toán ghi nợ cho Bên được uỷ quyền để Bên được uỷ quyền thông báo cho Người vay lại làm thủ tục nhận nợ vốn vay lại từng lần.
3.2. (nếu có) Bên uỷ quyền có trách nhiệm thông báo cho Bên được uỷ quyền các loại phí nêu tại Điều 1.11 để Bên được uỷ quyền thông báo cho Người vay lại trả trực tiếp cho Nhà tài trợ (hoặc thu hồi từ Người vay lại trong trường hợp Bên uỷ quyền đã trả)
3.3. Bên uỷ quyền có trách nhiệm theo dõi và hạch toán việc nộp Ngân sách các khoản thu hồi vốn cho vay lại của Bên được uỷ quyền theo quy định tại Điều 4 Qui chế Lập, Sử dụng và Quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 72/1999/QĐ-BTC ngày 9/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều IV: Trách nhiệm của Bên được uỷ quyền
4.1. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày ký Hợp đồng này, Bên được uỷ quyền có trách nhiệm ký Thoả thuận cho vay lại với Người vay lại theo các điều kiện nêu ở Điều I. Trong vòng 07 ngày sau khi ký Thoả thuận cho vay lại với Người vay lại, Bên được uỷ quyền có trách nhiệm gửi cho Bên uỷ quyền 01 bản sao Thoả thuận cho vay lại để phối hợp theo dõi.
4.2. Căn cứ thông báo rút vốn từng lần của Bên uỷ quyền, Bên được uỷ quyền có trách nhiệm làm thủ tục nhận cho Người vay lại.
4.3. Bên được uỷ quyền chịu trách nhiệm quản lý khoản vay kiểm tra tình hình sử dụng vốn vay và có trách nhiệm thu hồi nợ hoàn trả lại Ngân sách các khoản gốc, lãi và các khoản phải thu nêu tại Điều 1.11 (nếu có) sau khi đã trừ phần phí được giữ lại nêu tại Điều 2.1 vào các kỳ hạn trả nợ nêu tại Điều 1.7. Việc nộp Ngân sách các khoản thu hồi vốn cho vay lại được thực hiện theo Điều 4 cuả Quy chế Lập, Sử dụng và Quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 72/1999/QĐ-BTC ngày 9/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
4.4. Sáu tháng một lần vào tháng 6 và 12 hàng năm, Bên được uỷ quyền thông báo cho Bên uỷ quyền kế hoạch thu hồi nợ và tình hình thực hiện kế hoạch này để Bên uỷ quyền tổng hợp vào kế hoạch hàng năm và chuẩn bị thanh toán cho nước ngoài.
4.5 Trường hợp Người vay lại không trả được nợ hoặc trả không đúng hạn thì Bên được Uỷ quyền chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách thay cho Người vay lại (trường hợp Dự án/Chương trình do Bên được uỷ quyền tự thầm định) hoặc có trách nhiệm áp dụng các biện pháp mà luật pháp cho phép dể thu hồi nợ. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày đến hạn nếu sau khi áp dụng các biện pháp luật pháp cho phép mà vẫn không thu hồi được nợ, Bên được uỷ quyền phải thông báo cho Bên uỷ quyền để xử lý kịp thời hoặc để Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ có biện pháp xử lý.
Điều V: Điều khoản thi hành
5.1. Hợp đồng này được làm 04 bản, Bên uỷ quyền lưu 02 bản, Bên được uỷ quyền lưu 02 bản và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
5.2. Bên uỷ quyền và Bên được uỷ quyền có trách nhiệm thực hiện đúng các thoả thuận trên đây. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế nếu thấy cần thiết hai bên sẽ cùng xem xét để bổ sung, sửa đổi.
Hà Nội, ngày... tháng... năm 199...
Đại diện Bên được uỷ quyền |
Đại diện Bên uỷ quyền |
MẪU SỐ 2
(Dùng cho trường hợp ký Hiệp định vay phụ)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGIÃ VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
HỢP ĐỒNG UỶ QUYỀN
QUẢN LÝ VỐN VAY TÍN DỤNG NƯỚC NGOÀI
Số:... /2000/UQ/BTC-TCDN
Căn cứ Quyết định phê duyệt dự án/chương trình;
Căn cứ vào Hiệp định tín dụng phát triển và Hiệp định Dự án (nếu có) số... ký ngày ... giữa nước CHXHCN Việt Nam và... tên tổ chức tài trợ) tài trợ cho dự án/chương trình ....;
Căn cứ Hiệp định vay phụ lại ngày tháng năm giữa Bộ Tài chính và... (bên nhận vay lại);
Căn cứ Quyết định số của Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Quy chế cho vay lại từ nguồn vốn vay/viện trợ ngoài nước của Chính phủ;
Hôm này, ngày... tháng... năm..., tại..... chúng tôi gồm có:
Bên Uỷ quyền: Bộ Tài chính
Đại diện bởi Vụ Tài chính Đối ngoại
* Người đại diện:
* Chức vụ:
* Địa chỉ: Bộ Tài chính - số 8 Phan Huy Chú, Hà Nội.
Tel.
Fax . 8262266
Bên được uỷ quyền: (tên bên được uỷ quyền)
* Người đại diện:
* Chức vụ:
* Địa chỉ:
Tel.
Fax
Hai bên thoả thuận ký kết văn bản thoả thuận uỷ quyền với các điều khoản và điều kiện như sau:
Điều 1: Bộ Tài chính uỷ quyền cho (tên bên được uỷ quyền) thực hiện trách nhiệm và quyền hạn của Bộ Tài chính quy định trong Hiệp định vay phụ ký ngày .. tháng... năm... giữa Bộ Tài chính mà đại diện là Vụ Tài chính đối ngoại với... (tên Người vay lại).
Bên được uỷ quyền và Người vay lại không ký kết một văn bản nào khác liên quan đến Khoản cho vay lại. Nếu cần thiết Bên được uỷ quyền có thể có văn bản hướng dẫn cụ thể thêm việc thực hiện Hiệp định vay phụ đối với Người vay lại.
Điều2: Phí cho vay lại trong nước
Bên được uỷ quyền được hưởng một khoản phí cho vay lại theo mức phí là ... (mức phí xác định theo Quy chế). Mức phí này đã bao gồm trong lãi suất cho vay lại quy định trong Hiệp định vay phụ. Bên được uỷ quyền được quyền trích và giữ lại phần phí này trước khi hoàn trả cho Bên uỷ quyền.
Điều 3: Trách nhiệm của Bên uỷ quyền
(i) Cung cấp cho Bên được uỷ quyền các bản sao của các tài liệu cơ bản của dự án như Hiệp định vay, Hiệp định vay phụ;
(ii) Căn cứ thông báo giải ngân của Nhà tài trợ, Bên uỷ quyền có trách nhiệm hạch toán ghi nợ cho Bên được uỷ quyền để Bên uỷ quền cùng Người vay lại làm thủ tục xác nhận vốn vay lại từng lần.
(iii) Bên uỷ quyền có trách nhiệm theo dõi và hạch toán việc nộp ngân sách các khoản thu hồi cho vay lại của Bên được uỷ quyền theo quy định của Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ ngoài nước ban hành kèm theo Quyết định số 72/1999/QĐ-BTC ngày 9/7/1999 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Điều 4: Trách nhiệm của Bên được uỷ quyền
(i) Thực hiện các trách nhiệm của Bộ Tài chính theo quy định tại Hiệp định vay phụ.
(ii) Thu hồi và hoàn trả Ngân sách các khoản lãi, gốc theo quy định của Hợp đồng cho vay lại/Hiệp định vay phụ.
Việc nộp ngân sách các khoản thu hồi vốn theo quy định tại Điều 4 Quy chế Lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích luỹ trả nợ nước ngoài.
(iii) Sáu tháng một lần vào tháng 6 và tháng 12 hàng năm Bên được uỷ quyền gửi báo cáo kế hoạch thu hồi vốn và tình hình thực hiện kế hoạch này cho Bên uỷ quyền.
(iv) Trường hợp Người vay lại không trả nợ hoặc trả nợ không dúng hạn thì Bên được uỷ quyền chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách thay cho người cho vay lại (trường hợp dự án/chương trình do Bên được uỷ quyền tự thẩm định) hoặc có trách nhiệm áp dụng các biện pháp mà pháp luật cho phép để thu hồi nợ, trong trường hợp trong vòng 60 ngày kể từ ngày đến hạn nếu sau khi áp dụng các biện pháp luật pháp cho phép mà vẫn không thu hồi được nợ, Bên được uỷ quyền phải thông báo cho Bên uỷ quyền để báo cáo Thủ tướng Chính phủ biện pháp xử lý.
Điều 5: Điều khoản thi hành:
Hợp đồng này được làm thành 04 bản, Bên uỷ quyền giữ 2 bản, Bên được uỷ quyền giữ 02 bản và có hiệu lực từ ngày ký.
Bên uỷ quyền và Bên được uỷ quyền có trách nhiệm thực hiện đúng các thoả thuận trên đây. Trong quá trình thực hiện, căn cứ vào tình hình thực tế nếu thấy cần thiết, hai bên sẽ cùng xem xét để sửa đổi, bổ sung hợp đồng này.
Đại diện Bên được uỷ quyền |
Đại diện Bên uỷ quyền |