Quyết định 01/2012/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020

Số hiệu 01/2012/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/01/2012
Ngày có hiệu lực 15/01/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Nguyễn Đức Luyện
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2012/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 05 tháng 01 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG BẢO TỒN ĐA DẠNG SINH HỌC TỈNH ĐẮK NÔNG ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Đa dạng sinh học ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 65/2010/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đa dạng sinh học;

Căn cứ Quyết định số 79/2007/QĐ-TTg ngày 31 tháng 05 năm 2007 của Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thực hiện công ước đa dạng sinh học và nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học”;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông tại Tờ trình số 237/TTr-TNMT-BVMT ngày 25 tháng 02 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Chương trình hành động bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Nông đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” với các nội dung chủ yếu sau:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu đến 2015

a) Bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học trên cạn: Phục hồi, phát triển và quản lý rừng bền vững; bảo tồn tại chỗ các loài thực vật, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, đặc hữu;

b) Củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống rừng đặc dụng (góp phần đạt tỷ lệ che phủ rừng 45%);

c) Sử dụng hợp lý hiệu quả và bền vững rừng tự nhiên; phát triển giống, trồng rừng nguyên liệu và chế biến đa dạng các loại lâm sản;

d) Bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học nông nghiệp: Điều tra, đánh giá các nguồn gen cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật nông nghiệp; xây dựng chương trình bảo tồn sử dụng và phát triển bền vững các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, nhất là các giống loài đặc hữu, quý, hiếm, có giá trị kinh tế - xã hội cao;

đ) Sử dụng bền vững tài nguyên sinh vật: Kiểm soát việc khai thác hợp lý nguồn tài nguyên sinh vật; xây dựng và thực hiện phương án phòng ngừa, kiểm soát và giảm thiểu tác hại của các loài sinh vật ngoại lai xâm hại đối với đa dạng sinh học; sử dụng kinh phí thu được từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đầu tư cho công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng;

e) Tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về đa dạng sinh học.

2. Định hướng đến năm 2020

a) Xây dựng các kế hoạch bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững đa dạng sinh học về giống, loài, nguồn gen, sinh vật và hệ sinh thái của tỉnh;

b) Các hoạt động khai thác trái phép tài nguyên thiên nhiên và các đe doạ khác đến đa dạng sinh học được giảm thiểu;

c) Tăng cường công tác truyền thông trên các thông tin đại chúng và tập huấn cho người dân, các tổ chức về tầm quan trọng, giá trị của nguồn tài nguyên, tham gia bảo tồn, sử dụng đa dạng sinh học;

d) Hoàn thiện hệ thống tổ chức, cơ chế, chính sách bảo tồn đa dạng sinh học ở tỉnh phù hợp với kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học và các chiến lược quốc gia.

II. Những nhiệm vụ chủ yếu

1. Bảo tồn và sử dụng đa dạng sinh học trên cạn

a) Thực hiện bảo vệ và phát triển hiệu quả các diện tích rừng hiện có, ưu tiên bảo vệ nghiêm ngặt các khu rừng đặc dụng, phòng hộ;

b) Xây dựng các hành lang đa dạng sinh học giữa các Vườn quốc gia và các khu bảo tồn thiên nhiên và liên kết sinh cảnh tự nhiên với các tỉnh lân cận;

[...]