Quy chế 05/QC-UBND-HLHPN năm 2023 phối hợp công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định giai đoạn 2023-2027

Số hiệu 05/QC-UBND-HLHPN
Ngày ban hành 25/09/2023
Ngày có hiệu lực 25/09/2023
Loại văn bản Quy chế
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Định
Người ký Nguyễn Thị Thu Thủy,Nguyễn Tuấn Thanh
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN -
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 05/QC-UBND-HLHPH

Bình Định, ngày 25 tháng 9 năm 2023

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH BÌNH ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2023 - 2027

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Điều Lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;

Căn cứ Nghị định số 56/2012/NĐ-CP Nghị định của Chính phủ ngày 16 tháng 7 năm 2012 về việc quy định trách nhiệm của Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước;

Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác giai đoạn 2023 - 2027, như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về việc phối hợp công tác của Ủy ban nhân dân các cấp và các sở, ngành (cấp tỉnh); phòng, ban (cấp huyện); trong việc bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Quan hệ công tác giữa Ủy ban nhân dân tỉnh với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh; giữa các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp là mối quan hệ phối hợp trên nguyên tắc tạo điều kiện cùng thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật.

2. Ủy ban nhân dân các cấp tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí, phương tiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia quản lý Nhà nước và tổ chức thực hiện các hoạt động có liên quan.

Điều 3. Nội dung phối hợp

1. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới

a) Ủy ban nhân dân tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phụ nữ, gia đình, phụ nữ, trẻ em thông qua Cổng thông tin điện tử... Chỉ đạo các sở, ban, ngành chức năng trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh tạo điều kiện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức các diễn đàn, đối thoại với người đứng đầu chính quyền để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách. Phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và các lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật.

c) Cơ quan chủ trì công tác thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tham gia các đoàn kiểm tra, giám sát những vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới; chính sách về an sinh xã hội, phát triển kinh tế, giảm nghèo... Thành viên chính thức trong các tổ chức (hội đồng, Ủy ban, ban chỉ đạo...) thực hiện các chính sách, luật pháp, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

2. Phối hợp hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ, trẻ em; nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

a) Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ chủ động học tập, nâng cao trình độ mọi mặt đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ. Giải quyết kịp thời các vấn đề tác động đến đời sống của hội viên, phụ nữ phát sinh tại các địa phương; giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng giới theo quy định của chính sách, pháp luật.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp, tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tham gia các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, đào tạo nghề cho phụ nữ trong độ tuổi lao động; tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao vai trò phụ nữ trong phát triển kinh tế và nông nghiệp, hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, mô hình khởi nghiệp, tham gia kết nối thị trường.

c) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp các sở, ban, ngành triển khai hiệu quả Đề án 938 “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 - 2027”, Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”.

d) Chủ động nghiên cứu, đề xuất các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ hoạt động Hội, phát triển kinh tế gia đình và bình đẳng giới; cung cấp kịp thời các thông tin liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới.

3. Phối hợp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp về mọi mặt; bảo đảm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp tham gia quản lý Nhà nước

a) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương quan tâm đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp; triển khai Đề án 1893 “Đề án bồi dưỡng cán bộ, công chức Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và Chi hội trưởng Phụ nữ giai đoạn 2019 - 2025'’; kỹ năng giải quyết các vấn đề của phụ nữ trong các lĩnh vực.

b) Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ về điều kiện làm việc; kinh phí, phương tiện, đặc biệt là cung cấp, hướng dẫn kết nối hệ thống máy tính trong hệ thống Hội; kết nối từ các cấp Hội với trục liên thông của Ủy ban nhân dân các cấp nhằm thích ứng với yêu cầu chuyển đổi công nghệ số của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu hoạt động công tác Hội.

c) Phối hợp với cơ quan chức năng trực thuộc của Ủy ban nhân dân cùng cấp thông tin, đề xuất kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng cho cán bộ Hội, trong đó có kiến thức quản lý nhà nước; phối hợp giáo dục ý thức trách nhiệm thực hiện quyền dân chủ của công dân đối với phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

4. Phối hợp trong việc tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; chương trình, kế hoạch, đề án, dự án; cơ chế chính sách liên quan đến quyền, lợi ích của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới thuộc chức năng quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định của pháp luật

a) Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu tham mưu, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, thực hiện dân chủ ở cơ sở theo quy định của pháp luật.

b) Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh có trách nhiệm nghiên cứu tham gia góp ý, phản biện đóng góp chất lượng vào các dự thảo xây dựng cơ chế, chính sách và chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội... của Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh và của các sở, ban, ngành trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh gửi đến Hội.

[...]