Nghị quyết 24/2022/NQ-HĐND về Quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh Bình Thuận

Số hiệu 24/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 19/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Nguyễn Hoài Anh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 24/2022/NQ-HĐND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ ĐỘT XUẤT CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN BỊ TAI NẠN, RỦI RO TRONG CUỘC SỐNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
KHÓA XI, KỲ HỌP THỨ 12

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Trẻ em ngày 05 tháng 4 năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về việc tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em;

Căn cứ Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội;

Xét Tờ trình số 3769/TTr-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết Quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 114/BC-HĐND ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Trẻ em thuộc hộ nghèo; hộ cận nghèo; gia đình có hoàn cảnh khó khăn có giấy xác nhận của địa phương; trẻ em là thân nhân của người có công với cách mạng theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; trẻ em là người dân tộc thiểu số; trẻ em sinh sống ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; trẻ em đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng tại cộng đồng hoặc đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội được hưởng chế độ hỗ trợ đột xuất theo Nghị quyết này nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục.

b) Trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, bị ngược đãi, bị tai nạn thương tích (ngoài các trường hợp được quy định tại Điều 13, Điều 14 Nghị định số20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ).

c) Trẻ em là nạn nhân của tội phạm mua bán người, tội phạm bắt cóc.

d) Trẻ em bị mắc các bệnh phải nằm điều trị tại các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên (danh mục các bệnh theo Phụ lục kèm theo Nghị quyết này).

đ) Trẻ em khuyết tật theo quy định của pháp luật hiện hành.

2. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ

1. Một trẻ em có thể được hỗ trợ nhiều chế độ khác nhau của Nghị quyết này, mỗi chế độ chỉ được hỗ trợ 01 lần trên một vụ việc.

2. Kinh phí hỗ trợ được chi cho cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em.

3. Trong quá trình thực hiện, trường hợp trung ương ban hành chính sách có cùng nội dung hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo quy định của trung ương.

Điều 4. Nội dung và mức chi hỗ trợ

1. Trẻ em là nạn nhân bị xâm hại tình dục

[...]