Nghị quyết liên tịch 01/2003/NQLT-BYT-CTĐ về việc phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2020 do Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ban hành, để sửa đổi, bổ sung Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ ngày 5/8/1999 giữa Bộ Y tế và Hội chữ thập đỏ Việt Nam về việc phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khoẻ nhân dân đến năm 2020

Số hiệu 01/2003/NQLT-BYT-CTĐ
Ngày ban hành 03/04/2003
Ngày có hiệu lực 18/04/2003
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Y tế,Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Người ký Nguyễn Trọng Nhân,Trần Thị Trung Chiến
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ - HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

01/2003/NQLT-BYT-CTĐ 

Hà Nội, ngày 03 tháng 04 năm 2003 

 

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH SỐ 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ NGÀY 05/8/1999 GIỮA BỘ Y TẾ VÀ HỘI CHỮ THẬP ĐỎ VIỆT NAM VỀ VIỆC PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÁC ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC VỀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ NHÂN DÂN ĐẾN NĂM 2020

Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ ngày 05/8/1999 giữa Bộ Y tế và Hội chữ thập đỏ Việt Nam về việc phối hợp thực hiện các định hướng chiến lược về chăm sóc sức khoẻ nhân dân từ nay đến năm 2000 và 2020 một số hoạt động trong chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân đã được tăng cường, có hiệu quả rõ rệt đặc biệt là công tác vận động hiến máu nhân đạo, chăm lo đến bữa ăn của bệnh nhân nghèo, khám chữa bệnh nhân đạo....

Để thực hiện tốt Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg ngày 07/4/2000 về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình an toàn truyền máu và tiếp tục thực hiện Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ giữa Bộ Y tế và Hội Chữ thập đỏ, Bộ Y tế và Trung ương Hội Chữ thập đỏ thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị quyết liên tịch số 01/1999/NQLT-BYT-CTĐ ngày 05/8/1999 như sau:

I. SỬA ĐỔI, BỔ SUNG ĐIỂM 5 PHẦN II VỀ VIỆC PHỐI HỢP VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU NHÂN ĐẠO NHƯ SAU:

1. Hội Chữ thập đỏ:

Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể vận động nhân dân tham gia phong trào hiến máu tình nguyện:

- Tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa cao đẹp của việc hiến máu nhân đạo cứu người.

- Phối hợp với ngành y tế tổ chức các điểm hiến máu nhân đạo cố định và lưu động để thuận tiện cho nhân dân tham gia hiến máu nhân đạo.

- Phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các Ban, ngành, đoàn thể để tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu về máu.

- Trung tâm hiến máu nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam (nếu có) cần thực hiện theo đúng quy định chuyên môn kỹ thuật (Điều lệ an toàn truyền máu) của Bộ Y tế.

- Hàng năm tiến hành đánh giá tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu nhân đạo.

2. Ngành y tế:

Chịu trách nhiệm về chuyên môn, kỹ thuật lấy máu và sản xuất chế phẩm máu, lưu giữ và đảm bảo sử dụng an toàn truyền máu; hỗ trợ Trung tâm hiến máu nhân đạo của Chữ thập đỏ về chuyên môn, kỹ thuật.

- Lập kế hoạch về nhu cầu máu của các cơ sở y tế để Hội Chữ thập đỏ lên kế hoạch tổ chức vận động.

- Phối hợp với Chữ thập đỏ tổ chức các đợt hiến máu nhân đạo.

- Khám sức khoẻ tuyển chọn người hiến máu trước khi lấy máu, thông báo cho Hội Chữ thập đỏ cùng cấp danh sách người không đủ tiêu chuẩn hiến máu.

- Tiến hành thu gom máu.

- Sàng lọc các bệnh nhiễm trùng.

- Sản xuất và bảo quản máu, chế phẩm máu.

- Tổ chức phân phối máu cho cơ sở khám chữa bệnh.

3. Triển khai thực hiện:

Thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) gồm các thành viên như sau:

- Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh - Trưởng ban

- Chủ tịch Hội chữ thập đỏ - Phó trưởng ban thường trực.

- Giám đốc Sở Y tế - Phó trưởng ban

- Chủ tịch Hội liên hiệp Thanh niên - Phó trưởng ban.

Uỷ viên Ban chỉ đạo là đại diện các ban, ngành của tỉnh như sau:

[...]