Thông tư 01/2003/TT-BYT bổ sung điểm a mục 1 phần II Thông tư số 22/2001/TT-BYT về mức chi phí cho một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 01/2003/TT-BYT
Ngày ban hành 12/03/2003
Ngày có hiệu lực 27/03/2003
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Lê Ngọc Trọng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2003/TT-BYT

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2003

CỦA BỘ Y TẾ SỐ 01/2003/TT-BYT NGÀY 12 THÁNG 03 NĂM 2003 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN BỔ SUNG ĐIỂM A MỤC 1 PHẦN II THÔNG TƯ SỐ 22/2001/TT-BYT NGÀY 15/11/2001 VỀ MỨC CHI PHÍ CHO MỘT ĐƠN VỊ MÁU ĐẠT TIÊU CHUẨN

Thực hiện Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu nhân đạo và Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình An toàn truyền máu, để bảo đảm có đủ máu chất lượng tốt đáp ứng cho nhu cầu cấp cứu, điều trị và tiến đến mục tiêu vận động mọi người cho máu không lấy tiền; được sự thống nhất của Bộ Tài chính tại công văn số 1115/TC-HCSN ngày 30 tháng 01 năm 2003, Bộ Y tế hướng dẫn bổ sung điểm a mục 1 phần II Thông tư số 22/2001/TT-BYT ngày 15/11/2001 về việc sử dụng kinh phí bồi dưỡng cho người hiến máu như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

1. Một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn theo quy định có khối lượng 250 ml hoặc 350 ml hoặc 450 ml máu toàn phần được lấy vào túi chất dẻo chứa máu có sẵn chất chống đông CPD-A1 và được làm toàn bộ các xét nghiệm sàng lọc cần thiết để đảm bảo an toàn truyền máu theo quy định.

2. Mức chi phí cho một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn thực hiện theo Thông tư số 22/2001/TT-BYT ngày 15/11/2001 của Bộ Y tế hướng dẫn mức chi phí cho một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn, cụ thể như sau: 260.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 250 ml; 364.000 đồng/ tính cho đơn vị máu có khối lượng 350 ml và 468.000 đồng/ tính cho đơn vị máu có khối lượng 450 ml.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ:

Khoản tiền bồi dưỡng cho người hiến máu quy định tại điểm a mục 1 phần II Thông tư số 22/2001/TT-BYT ngày 15/11/2001 như: 150.000 đồng/ tính cho đơn vị máu có khối lượng 250 ml; 210.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 350 ml và 270.000 đồng/ tính cho đơn vị máu có khối lượng 450 ml được sử dụng cụ thể như sau:

1. Đối với người hiến máu chuyên nghiệp:

a) Chi phí phục vụ ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu: 10.000 đồng/người. Các cơ sở có chức năng lấy máu chịu trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu được ăn uống tại chỗ trước và sau khi hiến máu.

b) Chi trả trực tiếp cho người hiến máu: 140.000 đồng/ tính cho đơn vị máu có khối lượng 250 ml; 200.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 350 ml và 260.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng là 450 ml.

2. Đối với người hiến máu tình nguyện, nhân đạo:

Nhằm tiến tới mục tiêu vận động người cho máu tình nguyện không lấy tiền đạt 50% (vào năm 2005) và trên 70% (vào năm 2010) theo Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình An toàn truyền máu, khoản tiền bồi dưỡng cho người hiến máu tình nguyện, nhân đạo được sử dụng như sau:

a) Chi phục vụ ăn uống nhẹ tại chỗ cho người hiến máu tình nguyện, nhân đạo: 10.000 đồng/người.

Các cơ sở thực hiện việc lấy máu có trách nhiệm tổ chức chu đáo, công khai để người hiến máu tình nguyện, nhân đạo được ăn uống tại chỗ trước và sau khi cho máu.

b) Chi tiền bồi dưỡng sức khoẻ những ngày đầu sau khi cho máu đối với người hiến máu với mức tối đa là: 80.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 250 ml; 120.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 350 ml và 160.000 đồng/tính cho đơn vị máu có khối lượng 450 ml. Trường hợp, người hiến máu tình nguyện không nhận tiền bồi dưỡng sức khỏe hoặc nhận ít hơn số tiền theo quy định trên, thì số tiền này được sử dụng theo quy định tại điểm d mục 2 phần II của Thông tư này.

c) Chi phí cho việc tuyên truyền, vận động, in ấn tài liệu, giấy chứng nhận để thể hiện sự tôn vinh đối với người cho máu, tổng kết khen thưởng và chi phí trực tiếp để tổ chức ngày hiến máu nhân đạo mức tối đa là 30.000 đồng tính cho một đơn vị máu thu được (250 ml hoặc 350 ml hoặc 450 ml). Khoản kinh phí này được chuyển cho các Ban vận động hiến máu nhân đạo để chi cho các hoạt động trên thông qua hợp đồng trách nhiệm giữa các cơ sở khám, chữa bệnh có chức năng thu gom máu với Ban vận động hiến máu tình nguyên. Căn cứ vào tổng số đơn vị máu thu được để quyết toán và thanh lý hợp đồng.

Viện Huyết học Truyền máu Trung ương phối hợp với Hội chữ thập đỏ Việt Nam quy định mẫu giấy chứng nhận để thể hiện sự tôn vinh đối với người cho máu và hướng dẫn các địa phương thống nhất thực hiện.

d) Số tiền còn lại sau khi đã chi cho các hoạt động tại điểm a, b, c nêu trên và số tiền bồi dưỡng cho người hiến máu quy định tại điểm b nhưng người hiến máu không nhận hoặc nhận ít hơn theo quy định (nếu có) được giữ lại, bổ sung kinh phí hoạt động của các cơ sở khám, chữa bệnh trực tiếp thu gom máu để sử dụng cho các mục đích sau:

- Hỗ trợ một phần chi phí khám chữa bệnh, máu và các chế phẩm máu cho người hiến máu tình nguyện trên 3 lần khi họ cần khám chữa bệnh hoặc truyền máu.

- Hỗ trợ cho những người bị bệnh về máu có hoàn cảnh khó khăn phải chi phí về tiền máu cao.

- Bù chi phí cho số đơn vị máu bị huỷ do không đảm bảo chất lượng (do máu bị nhiễm các bệnh lây qua đường truyền máu hoặc do lấy máu không đủ số lượng nên thừa chất chống đông và không sử dụng được) trong trường hợp vượt quá định mức (6%) đã quy định tại Thông tư số 22/2001/TT-BYT ngày 15/11/2001 của Bộ Y tế.

- Hỗ trợ chi phí trực tiếp cho các hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh trong việc đi thu gom máu tại các điểm hiến máu tình nguyện ngoài giờ làm việc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là tỉnh) có trách nhiệm thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu nhân đạo (do một đồng chí Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh làm trưởng ban; Lãnh đạo Hội chữ thập đỏ tỉnh là Phó trưởng ban thường trực; Lãnh đạo Sở Y tế là phó trưởng ban; Lãnh đạo Hội liên hiệp thanh niên tỉnh là Phó trưởng ban và các thành viên khác là đại diện của Ban Tuyên giáo, Mặt trận tổ quốc, Hội liên hiệp Phụ nữ, đại diện cơ sở khám chữa bệnh..).

Uỷ ban nhân dân các tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương xem xét quyết định mức chi, hình thức chi cụ thể đối với người hiến máu tình nguyện, nhân đạo theo quy định tại điểm b và c mục 2 phần II nêu trên cho phù hợp và đạt được mục tiêu vận động nêu tại Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/12/2001 của Thủ tướng Chính phủ. Khuyến khích các địa phương thực hiện nhanh mục tiêu vận động người cho máu không lấy tiền và báo cáo về Bộ Y tế trước khi triển khai thực hiện.

2. Các cơ sở khám chữa bệnh có chức năng lấy máu, sàng lọc, lưu trữ và truyền máu có trách nhiệm phối hợp với Ban chỉ đạo cuộc vận động hiến máu nhân đạo để tổ chức vận động và thu gom máu có hiệu quả.

3. Viện Huyết học truyền máu có trách nhiệm hướng dẫn quy trình thu gom máy theo đúng quy định chuyên môn kỹ thuật.

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Y tế để xem xét, giải quyết.

 

Lê Ngọc Trọng

(Đã ký)

[...]
2
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ