Nghị quyết 99/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2019

Số hiệu 99/NQ-CP
Ngày ban hành 13/11/2019
Ngày có hiệu lực 13/11/2019
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Xuân Phúc
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/NQ-CP

Hà Nội, ngày 13 tháng 11 năm 2019

 

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2019

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 138/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2019, tổ chức vào ngày 05 tháng 11 năm 2019,

QUYẾT NGHỊ:

1. Về tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019

Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2019 tiếp tục chuyển biến tích cực; các tổ chức quốc tế đánh giá, nhận định lạc quan về phát triển kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng thấp. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, CPI bình quân 10 tháng tăng 2,48%, thấp nhất trong 3 năm gần đây. Thị trường tiền tệ, mặt bằng lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản được đảm bảo; cơ cấu tín dụng chuyển biến tích cực, tín dụng cho một số ngành động lực tăng trưởng kinh tế tăng khá. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 7,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu tăng 7,4%, xuất siêu đạt 7 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16,2%, cao hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (3,9%). Cả nước có 114,4 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 4,4,%. Khu vực nông nghiệp duy trì đà phát triển, dịch tả lợn Châu Phi đã được kiểm soát tại nhiều địa phương. Khu vực công nghiệp và dịch vụ tiếp tục đà tăng trưởng khá; sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so với cùng kỳ, trong đó ngành khai khoáng tăng 1,2%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 11,8%; khách quốc tế trong tháng đạt kỷ lục, trên 1,6 triệu lượt người, nâng tổng số khách quốc tế trong 10 tháng đạt 14,5 triệu lượt người, tăng 13%. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, khoa học, công nghệ, môi trường tiếp tục được quan tâm. Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” lan tỏa trong xã hội. Đời sống dân cư được cải thiện, nhất là khu vực nông thôn nhờ kết quả từ Chương trình xây dựng nông thôn mới; số hộ thiếu đói giảm 33,8%. Chất lượng giáo dục đại học xếp thứ 68/196 quốc gia trên thế giới. Thông tin, tuyên truyền bảo đảm kịp thời, chủ động. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả quan trọng. Quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia được giữ vững, trật tự xã hội được bảo đảm. Chính phủ biểu dương các bộ, ngành, địa phương và đồng bào trong vùng thiên tai bão lũ đã tích cực phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trước những biến động khó lường của thị trường thế giới, xu hướng bảo hộ thương mại và suy giảm tăng trưởng, thương mại, đầu tư quốc tế. Nội tại nền kinh tế nước ta còn nhiều tồn tại, hạn chế. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công vẫn thấp. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp động lực giảm. Giá một số mặt hàng nông sản giảm mạnh. Môi trường kinh doanh của Việt Nam mặc dù tiếp tục được cải thiện nhưng theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng của Việt Nam giảm 1 bậc so với năm 2019. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và hoàn tất thủ tục giải thể tăng so với cùng kỳ. Tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Một số vấn đề xã hội phát sinh gây lo lắng, bức xúc dư luận trong xã hội như: đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp, lừa đảo đất đai, ô nhiễm không khí...

Trong hai tháng cuối của năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục nỗ lực hơn nữa, quyết tâm tháo gỡ, xử lý kịp thời những vướng mắc, hoàn thành thắng lợi toàn diện tất cả các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 2019, tạo dư địa chính sách cho năm 2020; tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra tại các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế; cải cách hành chính, tiếp tục cắt, giảm thực chất điều kiện kinh doanh không cần thiết; chú trọng thực hiện một số nội dung sau:

- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và thị trường tiền tệ quốc tế, đánh giá, dự báo tác động để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, bảo đảm ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Quyết liệt triển khai các giải pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là những ngân hàng thương mại yếu kém, giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về phương án tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đầu mối phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan, địa phương đôn đốc triển khai Nghị quyết số 94/NQ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2019 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2019. Khẩn trương trình Chính phủ Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20 tháng 8 năm 2019 của Bộ Chính trị và Chiến lược thu hút FDI theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị. Nghiên cứu, tiếp thu ý kiến Bộ Giao thông vận tải, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về danh mục các quy hoạch được tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch, trình Chính phủ ban hành trong tháng 11 năm 2019. Căn cứ Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2020, báo cáo Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 11 năm 2019.

- Bộ Tài chính tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại thị trường chứng khoán, theo dõi, đánh giá các dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua thị trường chứng khoán; đồng thời tăng cường kiểm soát chặt chẽ rủi ro chuyển vốn, rút vốn ra nước ngoài. Khẩn trương trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Cùng Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung xử lý vướng mắc liên quan đến việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản trên đất trong phương án cổ phần hóa, quản lý chặt tài sản nhà nước, tránh thất thoát, lãng phí.

- Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát, cập nhật, đánh giá đầy đủ các tác động của căng thẳng thương mại, đưa ra các giải pháp, kịch bản, đối sách phù hợp và kịp thời. Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết; đồng thời tập trung phát triển thị trường trong nước, triển khai các chương trình thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh và tiêu dùng, nhất là dịp cuối năm. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính (Văn phòng Ban Chỉ đạo 389) triển khai tích cực Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, hướng dẫn, khuyến cáo có phương án tái đàn hợp lý, tiêu thụ thuận lợi, bảo đảm nguồn cung thịt cho các dịp lễ, Tết cuối năm. Chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung tháo gỡ thẻ vàng của EC cho thủy sản.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước.

- Bộ Giao thông vận tải tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Phối hợp với Bộ Công an thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

- Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chủ động đổi mới cách làm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

- Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung các Nghị định số: 126/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư vốn thành công ty cổ phần và 100% vốn điều lệ; 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 về quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công.

- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, thẩm định chặt chẽ, công khai, khách quan, bảo đảm chất lượng sách giáo khoa mới; báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thực hiện Điểm c Khoản 1 Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019 từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 để hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định lựa chọn sách giáo khoa kịp triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020-2021 theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội.

- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, có giải pháp bảo đảm cho trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi xâm hại trẻ em.

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch văn hóa, giới thiệu các lễ hội mang đậm bản sắc dân tộc, thu hút khách du lịch; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh chất lượng dịch vụ du lịch, bảo đảm an toàn, an ninh du lịch ở các điểm lễ hội, điểm thu hút nhiều khách du lịch. Tăng cường kiểm tra công tác đầu tư xây dựng và khai thác các điểm di tích, di sản, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm vi phạm.

- Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ trong xử lý vụ việc 39 người tử vong tại Anh; kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, lên án mạnh mẽ hoạt động di cư bất hợp pháp; thông tin, tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức, không để các đối tượng lừa đảo dụ dỗ người dân xuất cảnh trái phép.

- Bộ Công an chỉ đạo lực lượng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời mọi hoạt động chống phá, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, chú trọng địa bàn chiến lược, trọng điểm. Có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép, lừa đảo kinh doanh đa cấp, lừa đảo trong chuyển nhượng đất đai, sử dụng công nghệ để lừa đảo, giả danh cơ quan thực thi pháp luật và vi phạm pháp luật do người nước ngoài gây ra tại Việt Nam...

- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn, an ninh mạng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành. Chỉ đạo tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tạo niềm tin và không khí phấn khởi trong nhân dân; kịp thời phản bác thông tin xấu, độc, sai sự thật, tạo đồng thuận xã hội.

- Các Bộ, cơ quan: Công Thương, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Quốc phòng, Công an, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao, Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thanh tra Chính phủ khẩn trương xây dựng nội dung cụ thể thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi cần đưa vào dự thảo Chỉ thị về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm liên quan đến ngành, lĩnh vực theo dõi; gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20 tháng 11 năm 2019 để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.

2. Yêu cầu đối với kỳ họp Quốc hội:

[...]