Nghị quyết 85/NQ-CP về Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022 do Chính phủ ban hành

Số hiệu 85/NQ-CP
Ngày ban hành 09/07/2022
Ngày có hiệu lực 09/07/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phạm Minh Chính
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/NQ-CP

Hà Nội, ngày 09 tháng 7 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN CHÍNH PHỦ VỚI ĐỊA PHƯƠNG VÀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 6 NĂM 2022

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 39/2022/NĐ-CP ngày 18 tháng 6 năm 2022 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;

Trên cơ sở thảo luận của các Thành viên Chính phủ, các đại biểu dự Hội nghị và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2022, tổ chức vào ngày 04 tháng 7 năm 2022,

QUYẾT NGHỊ:

A. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022; phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm

I. Tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2022

Trong 6 tháng đầu năm, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, nhất là cuộc xung đột tại U-crai-na, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, giá dầu thô, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn. Ở trong nước, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn. Mặc dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát trên toàn quốc, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), nhưng giá xăng dầu, chi phí đầu vào, vận tải tăng cao; thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, trái quy luật... ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trước bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, sự chung sức, đồng lòng, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, sự hợp tác, giúp đỡ của bạn bè quốc tế; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trên các lĩnh vực, đồng thời ứng phó, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh; vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển KTXH, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế thực chất, sâu rộng, hiệu quả. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được chỉ đạo quyết liệt, nhất là chiến dịch tiêm vắc-xin; dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả và kịp thời có các quyết sách mở cửa lại các hoạt động KTXH vào thời điểm phù hợp. Nhờ đó, tình hình KTXH tháng 6 và 6 tháng năm 2022 tiếp tục khởi sắc và đạt những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực.

Tăng trưởng GDP quý II đạt 7,72% so với cùng kỳ, cao nhất so với cùng kỳ từ năm 2011 đến nay, tính chung 6 tháng đầu năm tăng 6,42%. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 2,44% so với cùng kỳ; thị trường tiền tệ, tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đạt 66,1% dự toán, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm 2021. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng 9,6% so với cùng kỳ, trong đó vốn FDI thực hiện tăng 8,9%, đạt 10,06 tỷ USD, mức cao nhất cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ, tiếp tục duy trì xuất siêu 710 triệu USD.

Các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước. Sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, đẩy mạnh xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực. Khu vực dịch vụ phát triển sôi động, nhất là từ sau khi kiểm soát được dịch bệnh; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm tăng 11,7%, mức cao nhất cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; tính chung 6 tháng cả nước có trên 116,9 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, cao nhất từ trước tới nay, khẳng định niềm tin, kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. Tiếp tục tập trung tháo gỡ, xử lý nhiều vấn đề tồn đọng, kéo dài; trong đó có các ngân hàng thương mại yếu kém, các doanh nghiệp, dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả và giải quyết kịp thời, hiệu quả những công việc phát sinh đột xuất.

Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương đã chủ động, nỗ lực xây dựng và thực hiện các nhiệm vụ đề ra, đã ban hành hầu hết các cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cơ bản đạt kết quả tốt, đã kịp thời khắc phục một số vướng mắc phát sinh. Việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia được chú trọng và thúc đẩy thực hiện, đã ban hành các văn bản để hướng dẫn, quản lý, điều hành các chương trình. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn được thúc đẩy mạnh mẽ. Chuẩn bị tốt các nội dung phục vụ Hội nghị Trung ương 5 và Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, môi trường được chú trọng. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đến nay đã hỗ trợ 82 nghìn tỷ đồng cho gần 50 triệu lao động và trên 728 nghìn người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19. Thu nhập bình quân tháng của người lao động hưởng lương đạt 7,4 triệu đồng, tăng 417 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2021. Tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn, quy mô toàn quốc, đáp ứng nhu cầu văn hóa thể thao cho nhân dân, đặc biệt là tổ chức thành công SEA Games 31 trên nhiều phương diện.

Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự, an toàn xã hội; hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao, xử lý hài hòa, hợp lý những vấn đề phát sinh. Việt Nam được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào chức danh Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 77, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế uy tín và các chuyên gia quốc tế, trong nước đánh giá cao những kết quả đạt được và triển vọng phát triển của Việt Nam. Theo bảng xếp hạng của Tạp chí kinh doanh, thương mại thế giới (Ceoworld), Chỉ số chất lượng sống của Việt Nam tăng 39 bậc so với năm 2021, xếp thứ 62/165 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo Tổ chức Nature Portfolio, Việt Nam đạt vị trí 46 toàn cầu và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương về nghiên cứu chất lượng cao. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Standard & Poor’s đã nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng “Ổn định”.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả quan trọng đạt được, tình hình KTXH nước ta còn những hạn chế, bất cập và đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với sự xuất hiện của biến chủng mới; việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 ở nhiều nơi chưa đạt mục tiêu đề ra. Áp lực lạm phát tăng, nhất là do giá xăng dầu và nhiều nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao. Một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, giải thể còn nhiều; nợ xấu có xu hướng tăng. Việc ban hành một số văn bản hướng dẫn các cơ chế, chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH chưa bảo đảm tiến độ; một số chính sách triển khai chậm. Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Vốn FDI đăng ký cấp mới có dấu hiệu giảm. Việc xây dựng một số chương trình chuyên đề, đề án, ban hành văn bản hướng dẫn để triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành, lĩnh vực và đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ xảy ra tại nhiều địa bàn, khu vực. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân gặp khó khăn, trong đó có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại một số cơ sở y tế và một số cán bộ, nhân viên y tế khu vực công xin nghỉ việc, chuyển công tác. Việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên một số địa bàn còn gặp nhiều thách thức...

II. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm

Thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn. Lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại U-crai-na có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế ...

Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước; tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiên định mục tiêu ưu tiên và nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách nhất hiện nay là kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; nỗ lực phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển KTXH đã đề ra cho năm 2022; trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu sau:

1. Thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

a) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan:

- Điều hành đồng bộ, chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

- Điều hành tăng trưởng tín dụng hợp lý, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo các ngân hàng thương mại tích cực triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất thuộc Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Khuyến khích các tổ chức tín dụng cắt giảm chi phí hoạt động để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay. Đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.

- Tiếp tục phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các mô hình ngân hàng số; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng.

b) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn, báo cáo Thường trực Chính phủ trong tháng 7 năm 2022.

c) Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước, nhất là lạm phát, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu, vật tư chiến lược, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác (như chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư...) để chủ động phân tích, dự báo, kịp thời cập nhật, hoàn thiện các phương án, kịch bản chỉ đạo, điều hành phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế.

[...]