Nghị quyết 7c/NQ-HĐND3 năm 1997 về nhiệm vụ đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc tỉnh Thừa Thiên Huế

Số hiệu 7c/NQ-HĐND3
Ngày ban hành 13/08/1997
Ngày có hiệu lực 13/08/1997
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Phan Văn Đường
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHOÁ III- KỲ HỌP THỨ 7
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 7c/NQ - HĐND3

Huế, ngày 13 tháng 8 năm 1997

 

VỀ NHIỆM VỤ ĐÓNG CỬA RỪNG TỰ NHIÊN, ĐẨY MẠNH TRỒNG RỪNG, PHỦ XANH ĐẤT TRỐNG, ĐỒI NÚI TRỌC

- Căn cứ điều 120 Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

- Căn cứ luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp tháng 6/1994;

- Sau khi xem xét báo cáo của UBND tỉnh về Đề án đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc;

- Sau khi nghe Thuyết trình của Ban Kinh tế và Ngân sách, Ban pháp chế của HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận đại biểu HĐND tỉnh;

A. Tán thành đề án của UBND tỉnh về “Đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng xanh phủ xanh đất trống, đồi núi trọc của tỉnh Thừa Thiên Huế.

B. HĐND tỉnh nhấn mạnh một số điểm chủ yếu như sau:

1. Về tình hình tổ chức quản lý bảo vệ, khai thác và phát triển rừng thời gian vừa qua.

Tỉnh ta có diện tích rừng và đất để phát triển rừng 337.044 ha trên tổng diện tích tự nhiên 509.000 ha, chiếm tỷ lệ 65%. Đến nay diện tích rừng có cây che phủ các loại là 86.352 ha và đất không còn rừng là 150692 ha. Trong diện tích 186.352 ha rừng có 41.792 ha rừng trồng, rừng tự nhiên có 154.560 ha, trong đó 37.858 ha rừng giàu, 39.758 ha rừng trung bình còn lại là rừng nghèo và rừng phục hồi. Độ che phủ của rừng chỉ còn 40% diện tích, và trữ lượng gỗ chỉ còn khoảng 17,5 triệu m3.

Rừng có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự sống, nhất là đối với con người: cân bằng môi trường sinh thái, điều hoà khí hậu, hạn chế lũ lụt, hạn hán, nhiễm mặn; cung cấp nguồn nhiên liệu cho nền kinh tế xã hội phát triển, là địa bàn cần thiết để phục an ninh quốc phòng..

Những năm qua công tác tổ chức quản lý, bảo vệ, phát triển, khai thác tài nguyên rừng ở tỉnh ta có nhiều tiến bộ, đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội, ổn định và cải thiện một bước đời sống của nhân dân. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân, công tác này còn bộc lộ nhiều tồn tại thiếu sót. Đó là:

- Tổ chức quản lý, bảo vệ rừng chưa tốt. Phần lớn rừng chưa giao cho chủ quản lý cụ thể. Các lâm trường được giao rừng để quản lý nhằm mục đích khai thác tài nguyên rừng là chủ yếu, nhiệm vụ bảo vệ tái tạo tài nguyên rừng chỉ là thứ yếu.

- Ý thức bảo vệ rừng của một bộ phận cán bộ và nhân dân còn thấp. Tình trạng vi phạm , phá hoại rừng ngày càng một nghiêm trọng. Do vậy diện tích rừng tự nhiên bị mất, bị cạn kiệt nhanh chóng. Diện tích rừng trồng không bù đắp nổi diện tích rừng bị phá. Đặc biệt diện tích rừng phòng hộ ở các tiểu khu rừng đầu nguồn sông Hương, sông Bồ, sông Ôlâu, sông Truồi...bị giảm mạnh. Chính quyền ở một số xã, huyện chưa gắn trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ rừng.

- Chưa có lực lượng chuyên trách đủ mạnh bảo vệ rừng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng giữa các đơn vị quản lý rừng. Rừng tự nhiên cần bảo vệ phần lớn ở nguồn đầu xa xôi hiểm trở; lực lượng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của lâm trường chưa có năng lực tương ứng để tuần tra canh gác, phương tiện lại thiếu thốn không đủ trấn áp bọn phá rừng, khai thác gỗ trái phép.

Tình trạng trên đã gây hậu quả rất nguy hại về sinh thái, hạn hán, lũ lụt thường xuyên đe doạ cuộc sống của nhân dân.

Trước tình hình nêu trên cần cấp thiết có biện pháp kiên quyết thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đóng cửa rừng tự nhiên, bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, bảo đảm môi trường sinh thái của tỉnh để phát triển kinh tế xã hội hiện tại và tương lai.

2. Nhiệm vụ chủ yếu của việc đóng cửa rừng tự nhiên, đẩy mạnh trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc(từ nay đến cuối năm 1999)

a. Đóng cửa rừng tự nhiên: - có nghĩa là nghiêm cấm khai thác củi gỗ, chặt phá rừng để làm rẩy trong hầu hết các tiểu khu rừng tự nhiên đã có quyết định đóng cửa của UBND tỉnh.

Phải bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên hiện có, khoanh nuôi tái sinh, làm giàu các đối tượng rừng nghèo và trồng mới; kết hợp phát triển trồng rừng cây công nghiệp, công nghiệp lâu năm, phấn đấu đưa độ che phủ rừng từ 40% lên 45%, đảm bảo phát huy chức năng phòng hộ, môi sinh môi trường và cung cấp nguồn nhiên liệu của rừng; góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân các xã thuộc 2 huyện miền núi và các huyện đồng bằng có cuộc sống gắn với rừng, bằng việc giao đất, khoán rừng, không để nhân dân ven rừng sống bằng việc xâm hại rừng một cách trái phép.

Đại bộ phận rừng của tỉnh ta có chức năng phòng hộ và đặc dụng đều cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Rừng sản xuất chủ yếu phục vụ cho mục đích kinh tế cũng phải kết hợp giải quyết yêu cầu về phòng hộ. Không được khai thác khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Chỉ giữ lại một số tiểu khu rừng tự nhiên để tổ chức khai thác phục vụ yêu cầu dân sinh.

Trước mắt, giữ lại 14 tiểu khu, với diện tích 16.455 ha để khai thác mỗi năm không quá 8000m3 gỗ. Cụ thể:

Huyện Nam Đông 7 tiểu khu 1205,1187,1210,1211,1218,1186,1215;

Huyện A Lưới 3 tiểu khu 1082,1099,1080;

Huyện Hương Thuỷ 4 tiểu khu 1009, 1016,1010,1015;

Việc khai thác gỗ trong các tiểu khu này phải được kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ theo các quy định về quản lý rừng, rừng phòng hộ của Nhà nước.

Nhân dân sống ven các tiểu khu rừng tự nhiên được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép vào rừng để thu nhặt những loại tài nguyên không bị Nhà nước cấm khai thác để giải quyết cuộc sống.

b. Tăng cường công tác trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc:

Phấn đấu thực hiện trồng rừng và tái sinh rừng 150.692 ha. Hơn 20 năm qua toàn tỉnh chỉ trồng được 41.758 ha. Từ nay đến hết năm 1999 phấn đấu khoanh nuôi phục hồi ít nhất 1.000ha, trồng mới 12.000ha. Ưu tiên đầu tư trồng rừng phòng hộ trước. Có chính sách hỗ trợ bằng sản phẩm rừng hợp lý để động viên nhân dân tham gia trồng và tái sinh rừng. Chú ý phong trào trồng cây phân tán trong nhân dân góp phần giải quyết nhu cầu gỗ, củi gia dụng.

[...]