HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
75/2013/NQ-HĐND17
|
Bắc Ninh, ngày
23 tháng 4 năm 2013
|
NGHỊ QUYẾT
V/V QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẮC
NINH ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày
07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát
triển kinh tế - xã hội; Nghị định 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006;
Căn cứ Chỉ thị số 2178/CT-TTg ngày 02/12/2010
của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch;
Sau khi xem xét Tờ trình số 56/TTr-UBND ngày
16/4/2013 của UBND tỉnh đề nghị “Về quy hoạch tổng phát triển kinh tế - xã hội
tỉnh Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; báo cáo thẩm tra của các
Ban HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh
Bắc Ninh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Có nội dung chính của báo
cáo quy hoạch tổng thể kèm theo).
Điều 2. Giao UBND tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục trình Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại
biểu HĐND tỉnh có trách nhiệm đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị
quyết này.
Nghị quyết được
HĐND tỉnh khoá XVII, kỳ họp thứ 8 thông qua./.
NỘI DUNG CHÍNH
QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI TỈNH BẮC NINH
ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 75/2013/NQ-HĐND ngày 23/4/2013 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Bắc Ninh)
1. Về đánh giá thực trạng:
So với Quy hoạch tổng thể năm 2005 đã đề ra thì
các mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng các ngành;
tổng sản phẩm bình quân đầu người; tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng;
nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong cơ cấu nền kinh tế; kim ngạch xuất khẩu; giá
trị sản xuất công nghiệp; quá trình đô thị hoá; các lĩnh vực văn hoá - xã hội...
đều đạt và vượt mục tiêu, phản ánh sự phát triển vượt bậc của tỉnh Bắc Ninh,
làm tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
2. Xác định tầm nhìn phát
triển tổng thể kinh tế - xã hội:
Đến năm 2030, Bắc Ninh có nền kinh tế phát triển
hài hoà và bền vững; là một trong những địa bàn dẫn đầu về sự thịnh vượng và chất
lượng cuộc sống của người dân; đứng trong tốp 10 của cả nước về thu nhập bình
quân đầu người; trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị hiện đại -
văn minh - sinh thái - giàu bản sắc.
3. Bổ sung quan điểm phát
triển:
Quy hoạch mới bổ sung quan điểm phát huy lợi thế
so sánh động; nâng cao năng lực cạnh tranh, bổ sung các lợi thế mới cần phát
huy trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng Thủ đô (xây dựng Bắc Ninh trở
thành trung tâm công nghệ cao, nghiên cứu triển khai, dịch vụ có giá trị gia
tăng cao; đào tạo nhân lực và chăm sóc sức khoẻ chất lượng cao; lợi thế tụ hội
đô thị...). Chú trọng phát triển các mặt kinh tế - xã hội theo hướng chất lượng,
phát triển các ngành có chiều sâu, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn
hoá.
4. Mục tiêu cụ thể:
4.1. Về kinh tế:
- Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai
đoạn 2011 - 2015 là 13%/năm; trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 16,8%, dịch
vụ tăng 10,2%. Giai đoạn 2016 - 2020 kinh tế tăng trưởng bình quân 11,5%/năm;
trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 11,9%, dịch vụ tăng 12,8%. Giai đoạn 2021
- 2030 là 0,9%/năm, trong đó, công nghiệp - xây dựng tăng 6,8%, dịch vụ tăng
13,5%.
- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đến năm 2015 tỷ trọng
các khu vực: Công nghiệp - xây dựng; Dịch vụ; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
tương ứng là: 74,2% - 19,5% - 6,3%; Đến năm 2020 tương ứng là: 73,2% - 23,0% -
3,8%; Đến năm 2030 tương ứng là: 58,2% - 40,0 - 1,8%.
- GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 85,1 triệu
đồng giá hiện hành (tương đương 4.020 USD), năm 2020 đạt 146,2 triệu đồng
(tương đương 6.560 USD), năm 2030 đạt 346,7 triệu đồng (tương đương 14.450
USD);
- Năm 2015 tổng kim ngạch xuất khẩu là 15 tỷ
USD, năm 2020 là 20 tỷ USD và năm 2030 là 30 tỷ USD;
- Thu ngân sách trên địa bàn năm 2015 là 14.000
tỷ đồng, giai đoạn 2016 - 2020 tăng bình quân 12%, giai đoạn 2021 - 2030 tăng
bình quân 10%.
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2011 -
2030 chiếm 33 - 35% GDP.
4.2. Về xã hội:
- Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2011 - 2015 là 1,5%,
giai đoạn 2016 - 2020 là 1,53%. Nâng cao chất lượng nguồn lao động, giải quyết
việc làm; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị xuống còn 2,5% vào năm 2020;
- Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hoá đạt 44,2%; đến
năm 2030 đạt 59,6%.
- Cơ cấu lao động theo các khu vực công nghiệp -
xây dựng; Dịch vụ; Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2020 tương ứng là: 42,0% -
33,0% - 25,0%; năm 2030 tương ứng là: 41% - 42% - 17%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo
năm 2015 là 60%, đến năm 2020 là 65%.
- Phát triển sự nghiệp y tế, nâng cao chất lượng
chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ cho người dân. Phấn đấu 2015 đạt tỷ lệ 7 bác sỹ; 23
giường bệnh và đến năm 2020 là 8 bác sỹ, 26 giường bệnh/vạn dân; giảm tỷ lệ trẻ
em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng xuống còn 10% vào năm 2015 và còn dưới 10% vào
năm 2020;
- Tiếp tục xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm
đà bản sắc văn hoá Kinh Bắc. Phát triển mạnh phong trào thể dục, thể thao quần
chúng; xây dựng và phát triển ổn định vững chắc thể thao thành tích cao; nâng
cao vị thế thể thao của tỉnh trong khu vực và trên phạm vi toàn quốc; giảm tỷ lệ
hộ nghèo hàng năm xuống dưới 1% (theo chuẩn mới).
4.3. Về bảo vệ môi trường:
- Môi trường được giữ vững theo hướng xanh, sạch,
đẹp, giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm ở các làng nghề. Đến 2015 có 98% dân
số sử dụng nước hợp vệ sinh; thu gom 100% và xử lý 70% - 80% rác thải sinh hoạt;
quản lý và xử lý 100% chất thải công nghiệp, chất thải y tế nguy hại.
- Bảo tồn và sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên
thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể
được bảo tồn và tôn tạo.
5. Xác định 4 khâu đột phá
phát triển:
- Phát huy lợi thế so sánh mới, biến lợi thế so
sánh thành năng lực cạnh tranh, chuyển dịch và thu hút đầu tư công nghiệp theo
hướng có chọn lọc bên cạnh việc đảm bảo ổn định cho các loại hình công nghiệp
đã hình thành, tập trung thu hút các loại hình công nghiệp công nghệ cao, công
nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ thông tin để sớm đưa Bắc Ninh lên nấc
thang cao hơn của một nền công nghiệp theo hướng hiện đại; trở thành trung tâm
công nghệ cao của khu vực phía Bắc.
- Phát triển một số loại hình dịch vụ theo hướng
liên kết mở - liên vùng, liên tỉnh nhằm phát huy lợi thế vị trí cửa ngõ Đông Bắc
của vùng thủ đô Hà Nội, nằm trên hành lang Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội. Trong
đó tập trung phát triển mạnh các loại hình dịch vụ gắn với công nghiệp, đó là dịch
vụ trung chuyển hàng hoá, dịch vụ đô thị, dịch vụ tài chính ngân hàng.
- Phát triển đô thị lõi Bắc Ninh, Tiên Du, Từ
Sơn trở thành đô thị hạt nhân có sức hút, mức độ tập trung cao, hệ thống hạ tầng
hoàn thiện để thu hút các loại hình dịch vụ chất lượng cao, nâng cao năng lực cạnh
tranh.
- Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và
xây dựng khu nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, làng đại học, bồi dưỡng,
thu hút, tuyển dụng nhân tài làm việc và cống hiến tại địa phương.
6. Điều chỉnh định hướng
phát triển các ngành, lĩnh vực:
6.1. Đối với phát triển công nghiệp điều chỉnh
theo hướng: Xác định rõ định hướng đưa Bắc Ninh trở thành trung tâm công
nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp cơ bản làm nền tảng cho sự
phát triển chung và hội nhập quốc tế; với sản phẩm hàng điện tử làm chủ lực;
tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
6.2. Đối với khu vực dịch vụ: Chú trọng
phát triển dịch vụ lưu chuyển hàng hoá hình thành các trung tâm Logistics; các
kho bãi tại cảng sông; các trung tâm thương mại và mạng lưới siêu thị. Tạo điều
kiện thuận lợi, thu hút và nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ; đưa Bắc Ninh
trở thành trung tâm du lịch văn hoá tâm linh lớn của vùng Đồng bằng sông Hồng
và của cả nước với các điểm du lịch mới được bổ sung đầu tư xây dựng là khu
lăng và đền thờ Kinh Dương Vương; chùa Dạm; Thuỷ tổ Quan họ; bãi Nguyệt Bàn...
6.3. Đối với phát triển ngành nông, lâm nghiệp
và thuỷ sản: Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá
có năng suất, chất lượng và đạt hiệu quả kinh tế cao, tăng giá trị trên mỗi đơn
vị diện tích đất, xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung; phát triển
nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị.
6.4. Về kết cấu hạ tầng: Bổ sung quan điểm
theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08/6/2012 của Chính phủ ban hành chương trình
hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TƯ ngày 16/01/2012 của Ban chấp hành
Trung ương Đảng lần thứ tư (Khoá XI) xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại;
hệ thống các mạng giao thông kết nối liên hoàn; hạ tầng thông tin và truyền
thông, mạng cấp điện, cấp nước và các công trình bảo vệ môi trường, các công sở,
khu dân cư..., đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ mới và nhu cầu
ngày càng cao của người dân thực hiện mục tiêu xây dựng Bắc Ninh đến năm 2015
cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và thành phố trực thuộc
trung ương và những năm 20 của thế kỷ XXI.
Điều chỉnh căn bản định hướng phát triển giao
thông vận tải theo quy hoạch đến năm 2030 đã phê duyệt, trong đó có điều chỉnh,
bổ sung tiêu chuẩn, kỹ thuật một số tuyến đường tỉnh lộ huyết mạch, quan trọng
có tính liên kết rộng.
6.5. Phát triển mạng lưới điện lực: Bổ
sung nhu cầu phụ tải đảm bảo phục vụ sản xuất thông suốt trong xu hướng phát
triển cao, hiện đại và nhu cầu phục vụ đời sống ngày càng cao của người dân.
6.6. Đối với lịnh vực văn hoá xã hội: Bổ
sung phát triển toàn diện các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khoẻ,
văn hoá và thể dục thể thao tương xứng với những thành tựu kinh tế đạt được gắn
với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; chú ý đến các chương trình sữa học
đường, trợ cấp thai sản cho phụ nữ nông thôn nhằm nâng cao tầm vóc và thể lực
con người Bắc Ninh. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại
với bệnh viện đa khoa 1.000 giường; bệnh viện sản - nhi; Trung tâm ung bướu;
xây dựng trung tâm nghiên cứu khoa học và làng đại học, trở thành trung tâm đào
tạo nhân lực chất lượng cao của vùng, đặc biệt là phát huy nhân tố con người
phù hợp với trình độ của giai đoạn phát triển mới; bảo tồn và phát huy các giá
trị di sản; chiến lược tăng trưởng xanh...
7. Điều chỉnh định hướng
phát triển về tổ chúc không gian kinh tế và đô thị:
Đại học Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 đã xác định khâu
đột phá là thực hiện tổ chức không gian kinh tế và đô thị trên phạm vi toàn tỉnh.
Từ đó tỉnh xây dựng Quy hoạch vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm
2050. Do đó, Quy hoạch tổng thể điều chỉnh bổ sung nội dung xây dựng tỉnh Bắc
Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đô thị lõi được hình thành
trên cơ sở thành phố Bắc Ninh, huyện Tiên Du, thị xã Từ Sơn đạt tiêu chuẩn đô
thị loại 1; điều chỉnh tổ chức lãnh thổ vùng tỉnh Bắc Ninh thành 6 tiểu vùng,
chia theo khu Bắc và Nam sông Đuống; giảm diện tích xây dựng các khu công nghiệp
và điều chỉnh, chuyển đổi các cụm công nghiệp sang phát triển đô thị, dịch vụ./.