Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Nghị quyết 72/2010/NQ-HĐND phê duyệt Đề án dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới do tỉnh Thái Bình ban hành

Số hiệu 72/2010/NQ-HĐND
Ngày ban hành 10/12/2010
Ngày có hiệu lực 20/12/2010
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Nguyễn Hạnh Phúc
Lĩnh vực Bất động sản,Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 72/2010/NQ-HĐND

Thái Bình, ngày 10 tháng 12 năm 2010

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 07- NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp;

Sau khi xem, xét đề nghị của UBND tỉnh tại Tờ trình số 192/TTr-UBND ngày 03/12/2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phê duyệt Đề án dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp thực hiện quy hoạch nông thôn mới (Có đề án chi tiết kèm theo);

Điều 2. HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

Điều 3. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết .

Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XIV kỳ họp thứ 15 thông qua./.

 

 

CHỦ TỊCH




Nguyễn Hạnh Phúc

 

ĐỀ ÁN

DỒN ĐIỀN, ĐỔI THỬA ĐẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN QUY HOẠCH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
(Kèm theo Nghị Quyết số 72/2010/NQ-HĐND ngày 10/12/2010 tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Thái Bình khóa XIV)

Phần I

NỘI DUNG DỒN ĐIỀN, ĐỔI THỬA ĐẤT NÔNG NGHIỆP

I. Mục đích, yêu cầu và nguyên tắc dồn điền, đổi thửa

1. Mục đích

1.1. Thực hiện dồn điền, đổi thửa để hoàn thiện xây dựng hệ thống giao thông, mương máng nội đồng; hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung phù hợp với điều kiện đất đai, lợi thế canh tác từng địa phương (vùng lúa chất lượng cao, vùng cây màu, cây vụ đông, vùng chuyên canh nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi tập trung...); tạo thuận lợi để các hộ nông dân có điều kiện đưa cơ giới hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất - kinh doanh; làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;

1.2. Phấn đấu mỗi hộ sau dồn đổi chỉ còn 1 đến 2 thửa ruộng hoặc nhóm hộ chung nhau một thửa ruộng sản xuất cùng loại cây trồng hoặc con vật nuôi với khối lượng lớn theo tiêu chí quy hoạch xây dựng nông thôn mới; phát triển sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên mỗi ha đất canh tác; thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai, tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung.

2. Yêu cầu

2.1. Căn cứ thực trạng ruộng đất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới, từng địa phương xây dựng phương án dồn điền, đổi thửa đất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Phương án phải được bàn bạc dân chủ, công khai bảo đảm hài hoà giữa lợi ích của hộ gia đình cá nhân và của địa phương, không làm ảnh hưởng đến thời vụ sản xuất nông nghiệp. Sau dồn đổi phải đảm bảo ổn định và thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo ra nhiều mô hình kinh tế hiệu quả hơn so với trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa;

2.2. Phương án dồn điền, đổi thửa được xây dựng theo đơn vị hành chính xã, thị trấn (sau đây gọi chung là xã); trong đó thôn, khu dân cư (sau đây gọi chung là thôn) là đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện. Sau khi dồn điền, đổi thửa hạn chế thấp nhất việc nhận ruộng theo hình thức gián thu và hoàn thành việc đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp.

3. Nguyên tắc

Việc dồn điền, đổi thửa thực chất là cuộc vận động nhân dân tự nguyện dồn chuyển diện tích, vị trí đất nông nghiệp hiện có của hộ gia đình, cá nhân (vùng ngoài đồng) từ nhiều thửa nhỏ ở các khu vực khác nhau thành thửa lớn phù hợp với vùng sản xuất theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, vì vậy phải đảm bảo nguyên tắc sau:

3.1. Tổ chức thực hiện dồn điền, đổi thửa phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung thống nhất của cấp uỷ, chính quyền các cấp, sự phối hợp của các ngành, các tổ chức chính trị xã hội và tham gia bàn bạc của người dân trong suốt quá trình thực hiện. Phải có quyết tâm cao, tránh tư tưởng chủ quan hoặc hữu khuynh ngại va chạm, đồng thời đảm bảo sự đoàn kết, ổn định tình hình nông thôn;

3.2. Dồn điền, đổi thửa là nội dung quan trọng thực hiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới; vì vậy phải căn cứ vào quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, quy hoạch vùng sản xuất đã được duyệt theo nội dung quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển đô thị. Đất 5% công ích dồn chuyển thành vùng tập trung theo vị trí đã được quy hoạch xây dựng các công trình công cộng của xã, của thôn như: Y tế, giáo dục, nhà văn hóa, sân thể thao, chợ, nghĩa trang, bãi rác..; diện tích đất 5% công ích trước kia đã bố trí vào hành lang bảo vệ đê và đường giao thông thì nay giữ nguyên; không để đất 5% công ích đan xen với đất giao ổn định của hộ gia đình, cá nhân;

3.3. Phương án dồn điền, đổi thửa phải tuân thủ Luật Đất đai, các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và pháp luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; căn cứ số khẩu và mức diện tích đất nông nghiệp giao ổn định của hộ gia đình, cá nhân theo Quyết định số 652/QĐ-UB ngày 17/11/1993 và Quyết định số 948/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh; trường hợp diện tích đã nhận tiền bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án hoặc đã chuyển nhượng thì phải đối trừ trong tổng mức diện tích đất nông nghiệp được giao. Các hộ gia đình, cá nhân góp một phần diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng (do xã quy định) để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng theo quy hoạch được duyệt, phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất của hộ.

[...]