Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Nghị quyết 71/2021/NQ-HĐND về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022 do tỉnh Yên Bái ban hành

Số hiệu 71/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 07/12/2021
Ngày có hiệu lực 17/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Yên Bái
Người ký Tạ Văn Long
Lĩnh vực Tài chính nhà nước

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/2021/NQ-HĐND

Yên Bái, ngày 07 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NGUYÊN TẮC, TIÊU CHÍ VÀ ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG NĂM 2022

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
KHÓA XIX - KỲ HỌP THỨ 4

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2021/NQ-UBTVQH15 ngày 01 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022;

Xét Tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về việc quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương năm 2022; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - Ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương áp dụng cho năm ngân sách 2022, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương, giai đoạn 2022-2025 theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Đối với các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách (từ năm 2023 - 2025) định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên được điều chỉnh tăng, giảm theo chế độ quy định và khả năng ngân sách địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách địa phương hằng năm.

2. Đối tượng áp dụng: Các ban, sở, ngành, đoàn thể và các đơn vị dự toán cấp tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lập, phân bổ, chấp hành dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Điều 2. Nguyên tắc áp dụng định mức

1. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương ban hành theo Nghị quyết này là cơ sở để xây dựng dự toán chi ngân sách của từng ban, sở, ngành, đoàn thể và đơn vị dự toán cấp tỉnh; dự toán chi ngân sách của từng huyện, thị xã, thành phố (bao gồm cấp huyện và cấp xã).

2. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của các đơn vị dự toán bao gồm: Chi tiền lương, các khoản có tính chất lương; chi hoạt động thường xuyên ngoài tiền lương; chi các nhiệm vụ đặc thù theo từng ngành, lĩnh vực, trong đó:

a) Tiền lương và các khoản có tính chất lương được xác định theo số biên chế có mặt thuộc chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao tại thời điểm xây dựng dự toán (kể cả hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ). Đối với các lĩnh vực chi (trừ giáo dục) nếu biên chế có mặt tại thời điểm xây dựng dự toán thấp hơn so với biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm kế hoạch, thì tiền lương của số biên chế thiếu được xác định bằng mức lương bậc 1 của ngạch công chức hoặc chức danh nghề nghiệp tương ứng.

b) Chi hoạt động thường xuyên ngoài tiền lương, bao gồm:

- Chi bảo đảm hoạt động thường xuyên, đã bao gồm chi nâng bậc lương, nâng ngạch, chuyển ngạch đối với cán bộ, công chức, viên chức (sau đây gọi tắt là chi khác), được giao khoán cho các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách và cơ bản được giữ ổn định trong cả giai đoạn 2022-2025. Riêng đối với các cơ quan, đơn vị đã được giao khoán chi khác năm 2021, khi áp dụng định mức phân bổ này nếu chi khác năm 2022 thấp hơn số kinh phí chi thường xuyên đã được giao khoán năm 2021, thì được giữ nguyên mức kinh phí giao khoán như năm 2021.

- Chi mua sắm, sửa chữa thường xuyên máy móc, thiết bị làm việc đối với các cơ quan đơn vị chưa được phân bổ trong định mức chi hoạt động thường xuyên ngoài tiền lương, được giao khoán bằng 10% trên tổng chi khác được phân bổ (chưa bao gồm kinh phí mua xe ô tô, sửa chữa lớn trụ sở làm việc, kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc theo đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, được bố trí theo chế độ quy định và khả năng ngân sách).

- Chi sửa chữa thường xuyên xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của cấp có thẩm quyền, được giao khoán hằng năm với mức: 20 triệu đồng/01 xe đối với xe có thời gian sử dụng dưới 10 năm; 40 triệu đồng/01 xe đối với xe đã có thời gian sử dụng từ 10 năm trở lên. Riêng đối với xe ô tô phục vụ công tác các chức danh được phân bổ kinh phí sửa chữa theo thực tế phát sinh, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.

- Quá trình thực hiện các cơ quan, đơn vị dự toán được điều hòa giữa các nội dung chi khác ngoài lương được giao khoán cho phù hợp với thực tế, bảo đảm chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định.

c) Chi các nhiệm vụ đặc thù theo từng ngành, lĩnh vực được phân bổ theo chế độ quy định, khả năng ngân sách địa phương và cơ bản được thực hiện dưới hình thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ. Mức kinh phí cụ thể phân bổ cho từng nhiệm vụ, địa phương, đơn vị do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định trong phương án phân bổ ngân sách hằng năm.

3. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập có nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, mức kinh phí ngân sách cấp cho hoạt động thường xuyên được xác định trên cơ sở chênh lệch giữa dự toán chi theo định mức này với số thu từ hoạt động dịch vụ sau khi trừ chi phí phục vụ công tác thu theo quy định của pháp luật để tăng cường tính tự chủ, giảm dần mức hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp phù hợp với lộ trình điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công theo quy định của cấp có thẩm quyền. Hằng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025, căn cứ chế độ quy định và tiến độ thực hiện điều chỉnh giá, phí sự nghiệp công, sẽ thực hiện giảm dần kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các đơn vị sự nghiệp công để bổ sung nguồn thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của cấp có thẩm quyền.

4. Đối với các lĩnh vực chi được phân bổ cho ngân sách cấp huyện, cấp xã chi tiết theo từng đối tượng (biên chế, học sinh, km đường giao thông, đơn vị hành chính cấp xã, đơn vị dự toán và đối tượng khác) các huyện, thị xã, thành phố không được phân bổ cho các đơn vị trực thuộc thấp hơn định mức này. Đối với các lĩnh vực chi được phân bổ cho ngân sách cấp huyện, cấp xã theo tổng mức, căn cứ tình hình thực tế, khả năng cân đối ngân sách hằng năm Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng phương án phân bổ chi tiết cho từng đơn vị để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng, phù hợp với điều kiện, đặc điểm của từng đơn vị dự toán.

[...]